Đình chỉ 3 cơ sở sản xuất nước đóng chai

ANTĐ - Khi bước vào hè, nhu cầu sử dụng, tiêu dùng nước đá viên, nước tinh khiết đóng chai, đóng bình tăng mạnh. Ngoài một số sản phẩm thương hiệu có uy tín thì đa phần cơ sở sản xuất đá viên, nước đóng chai ở Hà Nội có quy mô nhỏ lẻ, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) còn nhiều lo ngại.

Kiểm tra khâu rửa bình nước tinh khiết tại cơ sở Mỹ Đình


Không nhãn mác vì… chờ cấp phép

Tính đến thời điểm này, toàn địa bàn Hà Nội có 42 cơ sở sản xuất nước đá viên tinh khiết được cấp chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm, tập trung rải rác tại các quận, huyện. So với những cơ sở sản xuất đá viên hoạt động “chui”, không phép nhìn chung các cơ sở được cấp phép bước đầu chú trọng đến đảm bảo VSATTP. Tuy nhiên, qua thực tiễn xâm nhập vào các cơ sở này mới thấy, sai phạm vẫn tồn tại khá phổ biến. Ngày 16-5, đoàn kiểm tra VSATTP của Sở Y tế Hà Nội đã phát hiện sai phạm điển hình ở một cơ sở sản xuất nước đá viên từng có nhãn mác “đá viên siêu tinh khiết”.

Cụ thể, qua kiểm tra tại cơ sở sản xuất đá viên Tuyết Hà, ở thôn Nhân Mỹ (xã Mỹ Đình, huyện Từ Liêm), đây là một cơ sở sản xuất khá lớn mỗi ngày tiêu thụ lên tới 5-6 tấn đá viên, các khâu vệ sinh môi trường nhà xưởng, máy móc công nghệ sản xuất khá quy củ, hiện đại, nguồn nước sản xuất cũng được lọc cẩn thận. Thế nhưng khi mở kho chứa, đoàn đã phát hiện gần 1 tấn đá viên được bao gói bằng túi nilon không nhãn mác chứng minh nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn sản phẩm hay ngày sản xuất, hạn sử dụng. Anh Nguyễn Đình Hoành, chủ cơ sở vội vàng mang ra một số mẫu bao bì cũ của cơ sở với nhãn mác khá bắt mắt, nổi bật dòng chữ “nước đá viên siêu tinh khiết”, rồi giải thích: “Do giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm của cơ sở đã hết hạn nên chúng tôi không dám sử dụng bao bì cũ mà chỉ dám đóng gói trơn để chờ tới khi được cấp chứng nhận mới thì sẽ thay bao bì”. 

Được biết, chứng nhận sản phẩm cũ của cơ sở sản xuất đá viên Tuyết Hà đã hết hạn từ khá lâu. Trong suốt thời gian này, cơ sở vẫn hoạt động bình thường, chỉ tính riêng từ đầu tháng 5 đến nay đã cho xuất xưởng khoảng 60 tấn đá viên không nhãn mác ra thị trường. Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, việc cơ sở sản xuất đá viên không có nhãn mác là sai quy định, cần phải xử phạt hành chính (xử phạt theo giá trị số hàng hóa vi phạm), đồng thời yêu cầu cơ sở phải khẩn trương hoàn thiện các thủ tục pháp lý theo quy định. Trong thời gian chờ cấp chứng nhận tiêu chuẩn mới, cơ sở cần khắc phục bằng cách đóng bao bì cũ, tuyệt đối không được đóng gói trơn không nhãn mác. 

Tuy nhiên, từ góc nhìn của doanh nghiệp việc không đóng nhãn mác là sai phạm nhưng nếu đóng gói bằng bao bì cũ đã hết hạn tiêu chuẩn sản phẩm thì cũng sai phạm, nếu có đoàn khác kiểm tra sẽ lại bị xử phạt về quy chế nhãn mác. Anh Hoành chia sẻ, từ tháng 11 năm ngoái anh đã nộp hồ sơ xin cấp chứng nhận tiêu chuẩn mới nhưng khi đó “vì vướng mắc do luật ATTP mới chưa có quy định hướng dẫn thực hiện nên cơ quan chức năng chưa giải quyết”. Đến ngày 19-4, khi chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm cũ của cơ sở mình chuẩn bị hết hạn, anh Hoành lại nộp hồ sơ xin cấp mới, theo quy định như trong giấy hẹn thì thời gian chờ đợi để được cấp mới khoảng 15-20 ngày. “Vậy nhưng đến nay đã xấp xỉ 1 tháng, cán bộ Trung tâm Y tế dự phòng, Chi cục ATVSTP cho biết hồ sơ của tôi vẫn đang chờ phê duyệt. Đây là lần thứ 2 tôi đi làm thủ tục này nên thấy thế vẫn là nhanh chứ như lần đầu tôi phải đi lại đúng 15 lần mới chuẩn bị được đầy đủ giấy tờ theo yêu cầu…” - anh Hoành kể.

Còn nhiều tồn tại

Cũng giống như các cơ sở sản xuất đá viên, do phần lớn có quy mô sản xuất nhỏ lẻ, nhà xưởng chật hẹp, điều kiện vệ sinh cơ sở chưa đảm bảo nên VSATTP ở các sản phẩm nước đóng chai, đóng bình hiện nay vẫn chưa thể yên tâm, dù giá bán của các sản phẩm này rất rẻ, chỉ từ 12.000 đồng-20.000 đồng/bình 19 lít. Ông Lê Đức Thọ, Chi Cục trưởng Chi cục ATVSTP Hà Nội cho biết, từ đầu hè, Chi cục đã có thông báo đến các cơ sở về việc tăng cường VSATTP, thế nhưng qua thông báo kiểm tra đến khoảng 10 cơ sở thì có đến 4, 5 cơ sở báo cáo đã ngừng hoạt động do thua lỗ. Tuy nhiên, có thực sự họ đóng cửa hay chỉ vì trốn đoàn kiểm tra thì chỉ người trong cuộc mới biết được?

Ông Hàn Tự Do, Phó Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết, từ đầu hè 2012 đến nay Thanh tra sở đã kiểm tra 10 cơ sở sản xuất nước đóng chai, đóng bình. Trong đó, đoàn đã đình chỉ hoạt động 3 cơ sở sản xuất (2 ở quận Thanh Xuân, 1 ở huyện Thanh Trì) vì lý do không đảm bảo các điều kiện VSATTP theo quy định. Ngay sáng 16-5, qua kiểm tra tại cơ sở sản xuất nước uống đóng bình nhãn hiệu Mỹ Đình (thôn Nhân Mỹ, xã Mỹ Đình, huyện Từ Liêm), một xưởng sản xuất lớn với điều kiện VSATTP nhìn chung khá đảm bảo, tuy vậy đoàn cũng phát hiện một tồn tại. Dù sử dụng nguồn nước sản xuất là nước giếng khoan nhưng cơ sở này lại chưa xuất trình được giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm mẫu nước đầu vào của năm 2012. Theo quy định thì các cơ sở sản xuất nước đóng chai, đóng bình sử dụng nguồn nước giếng khoan định kỳ mỗi năm phải làm xét nghiệm mẫu nước 1 lần để đánh giá chất lượng nguồn nước đưa vào sản xuất.