“Cò” bán máu trước cổng bệnh viện

(ANTĐ) - Lợi dụng tình trạng không đủ máu trong kho dự trữ của bệnh viện, các “cò” bán máu ngang nhiên hoành hành tạo nên một chợ đen trước cổng bệnh viện Việt Đức.
Ngang nhiên hoạt động Trong vai một sinh viên cần tiền đang muốn “bán máu”, tôi lân la ở các quán nước trước cổng bệnh viện Việt Đức. Chỉ qua đôi ba câu chuyện, bà chủ quán đã đặt vấn đề: “Cháu hiến cho bệnh viện 350ml cũng chỉ được có hơn 200.000 đồng. Đằng này, nếu qua bên cô, cháu chỉ phải hiến 250ml mà được những hơn 600.000 đồng. Cháu có đồng ý thì cô gọi điện cho người đến nói chuyện”. Chỉ hai mươi phút sau, một người đàn ông hơn 30 tuổi, tên Tuấn đến gặp tôi. Tuấn chính là người môi giới, dẫn người đến bán máu cho các bệnh nhân. Hầu hết những bệnh nhân này ở xa, không có nhiều người nhà đi cùng để cho máu. Các “cò” bán máu kết hợp với lực lượng “xe ôm”, bán nước trước cổng bệnh viện để tìm những người có nhu cầu. Mỗi lần tìm được khách, họ lại được “cò” “hoa hồng” cho từ 100.000 - 200.000 đồng. Một số người khá giả sống trong khu vực quanh Hà Nội cũng liên hệ với “cò” để mua máu. Tuấn nói: “Thà bỏ một khoản tiền là bao nhiêu máu cũng có ngay. Có nhà tiếc của, vừa cho máu, vừa trông người nhà rồi ngất ra đấy. Thế có khổ không!”.
“Cò” bán máu trước cổng bệnh viện ảnh 1
Các “cò” bán máu (x) đang môi giới khách trước cổng bệnh viện Việt Đức
Khi tìm được người nhà bệnh nhân có nhu cầu mua máu, Tuấn sẽ thống nhất giá cả, số lượng máu và ngày giờ cho. Thông thường, việc mua bán máu sẽ diễn ra trước khi bệnh nhân vào phòng mổ một ngày. Người nhà sẽ hỏi bác sĩ về lượng máu cần thiết cho ca mổ và thông báo để “cò” gọi người. Những người bán máu chuyên nghiệp mà “cò” dẫn đến đa phần là sinh viên. Họ đều từng hiến máu cho bệnh viện một vài lần, sau rồi biết hiến máu qua “cò” được nhiều tiền hơn nên chuyển sang đây. Một đơn vị máu 250ml có giá từ 1 triệu - 1,2 triệu đồng tùy vào “cò” tìm được nhiều hay ít người cho máu. Với mỗi đơn vị máu này, “cò” sẽ kiếm được 40%. Người nhà bệnh nhân sẽ phải đặt trước chứng minh thư và 200.000 đồng/ đơn vị máu.Cơ quan chức năng chưa vào cuộc quyết liệt Những người bán máu chuyên nghiệp mà “cò” đưa đến sẽ đóng vai người nhà. Vì vậy, trước khi cuộc mua bán diễn ra, họ sẽ được gặp người nhà bệnh nhân để nắm những thông tin cần thiết như: tên, tuổi, quê quán; mối quan hệ với bệnh nhân… Trong trường hợp, những người bán máu chuyên nghiệp bị bác sĩ phát hiện hoặc không đủ điều kiện sức khỏe để cho máu, “cò” sẽ phải hoàn trả toàn bộ số tiền mà người nhà bệnh nhân đã đặt cọc. Theo TS - BS. Nguyễn Thị Huê, Trưởng khoa Huyết học - Truyền máu của bệnh viện Việt Đức thì vào mùa hè, kho trữ máu của bệnh viện rất khan hiếm vì các chương trình hiến máu tình nguyện đã lắng xuống. Lúc này, bệnh viện phải huy động người nhà bệnh nhân để cho máu. Lượng máu thu được sẽ đem đi trao đổi với các bệnh viện khác để lấy được nhóm máu phù hợp với bệnh nhân. Các “cò” bán máu thường lợi dụng khoảng thời gian khan hiếm này để mua bán máu kiếm lời. Các “cò” thường hoạt động bên ngoài bệnh viện lại rất kín đáo nên khó phát hiện. Tuy nhiên, bà Huê khẳng định: “Các bác sĩ khi lấy máu có thể nhìn ven ở tay để phân biệt giữa những người hiến máu chuyên nghiệp và người nhà bệnh nhân. Nếu có nghi vấn, các bác sĩ sẽ đặt một vài câu hỏi về thông tin của bệnh nhân để kiểm tra. Nếu trả lời không khớp, các bác sĩ sẽ khéo léo từ chối nhận máu và mời những người này ra ngoài”. Cách đây 2, 3 năm, các “cò” còn ngang nhiên vào thẳng khu vực dành cho người nhà bệnh nhân để “chào hàng”. Lực lượng công an đã kết hợp với bảo vệ của bệnh viện để thường xuyên đi kiểm tra nên tình trạng này đã giảm hẳn. Tuy nhiên hiện nay, hiện tượng “cò” mua bán máu vẫn đang hoạt động khá mạnh trước cổng bệnh viện. Đề nghị các cơ quan chức năng cần có biện pháp ngăn chặn tình trạng “cò” buôn bán máu để đảm bảo về sức khỏe, độ an toàn, kinh tế cho chính những bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện.
Thiếu máu dự trữ - tình trạng chung
Ngày 28-6, bệnh viện Việt Đức có tổ chức một chương trình hiến máu tình nguyện ở trường Đại học Bách khoa nhưng cũng chỉ thu được 18 đơn vị máu trong khi hàng ngày phải sử dụng đến hơn 80 đơn vị. Bệnh viện cũng đặt mua ngân hàng máu của Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương nhưng cũng không thể đủ máu để cung cấp cho bệnh nhân vì thiếu máu dự trữ là tình trạng chung của các bệnh viện trong dịp hè. Mong muốn các cơ quan, trường học vận động tổ chức thêm các chương trình hiến máu tình nguyện trong mùa hè này để giúp cho bệnh nhân cũng như các y bác sĩ trong bệnh viện.
TS - BS. Nguyễn Thị Huê, Trưởng khoa
Huyết học - Truyền máu bệnh viện Việt Đức