“Chảy máu” chất xám y tế

(ANTĐ) - Phát triển nhân lực cùng với cung ứng thuốc và trang thiết bị y tế là 3 điều kiện quan trọng nhất cho sự phát triển sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân.

“Chảy máu” chất xám y tế

(ANTĐ) - Phát triển nhân lực cùng với cung ứng thuốc và trang thiết bị y tế là 3 điều kiện quan trọng nhất cho sự phát triển sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Một hội thảo trực tuyến với 63 tỉnh, thành trong cả nước về triển khai công tác đào tạo nhân lực y tế vừa được Bộ Y tế phối hợp với Tổng công ty Viễn thông Quân đội Viettel tổ chức. Tại đây, vấn đề nhân lực y tế trong nước, vốn đang thiếu trầm trọng về lượng, yếu về chất đã được đưa ra bàn thảo.

Thiếu trầm trọng cán bộ y tế công lập

Theo thống kê của Bộ Y tế, năm 2008 cả nước có tổng số gần 290.000 cán bộ y tế đang công tác tại các cơ sở y tế công lập. Tính tỷ lệ bình quân hiện nay là 6,5 bác sĩ/1 vạn dân. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận, với trung bình 6,5 bác sỹ/10.000 dân như hiện nay là quá ít so với khu vực và thế giới. Chưa kể, nguồn nhân lực y tế lại phân bổ không đều do nhu cầu của thị trường, người học chỉ chú trọng học các chuyên khoa hấp dẫn còn các chuyên khoa như nhi, lao phổi, HIV/AIDS... rất ít người học. Khó khăn nhất là nhân lực y tế tuyến xã, hầu như không có cán bộ y tế chuyên môn giỏi.

Nguồn nhân lực y tế trong cả nước thiếu nhất ở các tuyến xã vùng sâu vùng xa.
Nguồn nhân lực y tế trong cả nước thiếu nhất ở các tuyến xã vùng sâu vùng xa.

Trong 5 năm gần đây, số lượng tuyển sinh vào ngành y, dược liên tục tăng, nếu như năm 2008 có 4.390 dược sĩ - bác sĩ tốt nghiệp thì năm 2015 số lượng này sẽ là 7.350 người, tăng 1,67 lần. Tuy nhiên, lại tồn tại một thực tế hết sức mâu thuẫn là việc tuyển dụng bác sĩ vào công tác tại các cơ sở y tế công lập rất khó khăn, dù phần lớn các cơ sở đều thiếu. Bên cạnh đó là sự mất cân bằng nhân lực giữa các vùng miền. Những vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, có khi cả vạn dân chỉ có 2 bác sĩ, chẳng hạn như vùng đồng bằng sông Cửu Long là 2,11 bác sĩ/1 vạn dân, vùng Tây Bắc là 3,5 bác sĩ/1 vạn dân, trong khi ở những khu vực thành phố lớn có tỷ lệ trên 9 bác sĩ/1 vạn dân.

Đặc biệt, vấn đề chuyển dịch nhân lực từ y tế công lập ra y tế tư nhân ngày càng “nóng”, dù hiện tại y tế tư nhân chưa có sự tham gia đóng góp trong đào tạo nhân lực. Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, có thể gọi thực trạng các bác sĩ giỏi từ BV công lập chuyển ra BV tư nhân công tác là một hiện tượng chảy máu chất xám y tế ngay trong ngành y tế.

Chỉ trong vài năm gần đây, tại các thành phố lớn, nhất là ở khu vực phía Nam đã có hàng trăm bác sĩ, dược sĩ hàng đầu từ các BV công lập xin nghỉ việc để chuyển sang làm BV tư hoặc mở BV tư. Ngành y tế đang chủ trương xã hội hóa, đa dạng hóa các loại hình khám chữa bệnh, song nếu tình trạng nhân lực y tế từ khu vực công “đua” nhau chạy sang khu vực tư thì sẽ dẫn đến những hệ quả tiêu cực như nhiều sinh viên giỏi sau khi tốt nghiệp lại nộp hồ sơ vào BV tư, nhiều bác sĩ ăn lương tại BV công, song nguồn thu nhập chính lại từ BV tư...

Đào tạo gắn với mục tiêu phân bổ

Hiện nay, ngoài đào tạo chính quy, ngành y tế còn có các hình thức đào tạo liên thông, chuyên tu, cử tuyển và đào tạo theo địa chỉ. Tuy nhiên hình thức đào tạo chuyên tu và cử tuyển có chất lượng đầu ra rất thấp. GS.TS Trương Việt Dũng, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Đào tạo (Bộ Y tế) cho rằng, đầu vào của hình thức đào tạo này thấp, trong khi đó lại được đào tạo cùng hệ chính quy nên học viên cử tuyển có trình độ khó theo kịp, có học viên học 9 năm mới tốt nghiệp. Theo đề án đào tạo nhân lực y tế của Bộ Y tế, từ nay đến năm 2018, sẽ có khoảng 12.000 bác sỹ, dược sỹ và nữ hộ sinh hệ trung cấp được đào tạo để phân bổ cho các tỉnh miền núi, trung du phía Bắc, miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long.

GS.TS Trương Việt Dũng đưa ý kiến, cần chú trọng và phát triển hình thức đào tạo theo địa chỉ. Nghĩa là, hàng năm các Sở Y tế kết hợp với y tế tuyến huyện, tuyến xã lên kế hoạch và quy hoạch chỉ tiêu nhân lực y tế cần đào tạo tham mưu cho UBND tỉnh. Dựa trên kế hoạch chỉ tiêu đó, UBND tỉnh ký hợp đồng với Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo để đào tạo đủ chỉ tiêu. Hình thức đào tạo này có chất lượng cao hơn so với các hình thức nói trên, vì có xét căn cứ đầu vào với các đối tượng được đi học.

Trên thực tế, đã có nhiều tỉnh triển khai hình thức đào tạo này. Đối tượng học hệ này được UBND tỉnh đầu tư về kinh phí, trung bình khoảng 120 triệu đồng/khóa. Hạn chế là số kinh phí đầu tư cho mỗi bác sĩ đào tạo theo địa chỉ như vậy rất lớn, khó phổ biến bởi hầu hết những địa phương khó khăn về kinh tế lại là những địa phương thiếu nhân lực nhất. Hơn nữa, theo một đại diện Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc, còn có hiện tượng các bác sỹ được đào tạo theo địa chỉ sau khi ra trường lại không về tỉnh công tác, gây ra nhiều hệ quả rất phức tạp.

Trước thực trạng “chảy máu chất xám” nhân lực y tế như hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, việc đa dạng các hình thức đào tạo có ý nghĩa quan trọng, song việc phân bổ học viên sau đào tạo cũng cần được quan tâm. Chẳng hạn, sau khi học viên hệ đào tạo theo địa chỉ tốt nghiệp thì các trường chỉ giao bằng tốt nghiệp, và giấy chứng nhận tốt nghiệp trực tiếp cho UBND tỉnh; các tỉnh không tuyển dụng bác sĩ do tỉnh khác đầu tư đào tạo...

Tiến Hưng