Ngay trong những ngày đầu thực hiện, chủ trương này đã thể hiện sự đúng đắn và hiệu quả khi góp phần cải thiện bộ mặt giao thông nội đô, giải quyết triệt để tình trạng xe ba bánh không phép chở hàng cồng kềnh, vi phạm Luật Giao thông, gây mất mỹ quan đô thị - vấn đề vốn gây bức xúc dư luận trong thời gian dài. Với sự vào cuộc mạnh mẽ của lực lượng CSGT, đến nay, hầu hết các tuyến phố đã không còn tái diễn tình trạng xe ba bánh “chui” chở hàng lặc lè, bất chấp các quy định về an toàn, phóng nhanh vượt ẩu.
Cách đây chưa lâu, một số tuyến phố trên địa bàn Hà Nội được tổ chức phân làn xe. Dù có biển báo, đèn hiệu, dải phân cách và cả những chế tài xử phạt nghiêm khắc nhưng người điều khiển phương tiện chỉ tuân thủ quy định khi có mặt lực lượng chức năng. Sau khoảng thời gian thử nghiệm có sự giám sát, hướng dẫn chặt chẽ thì chủ trương phân làn xe đã “phá sản”, không mang lại hiệu quả như mong muốn.
Đem so sánh với quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với người điều khiển xe máy thì kế hoạch phân làn đã sớm “chết yểu”, lý do nằm ở việc duy trì công tác kiểm tra xử lý. Bởi thực tế tại các tuyến phố được phân làn xe, thói quen mạnh ai nấy đi, bất chấp biển báo vẫn tái diễn. Tình trạng này chỉ được cải thiện ở những thời điểm lực lượng chức năng tăng cường xử lý. Trong khi để giải quyết việc không đội mũ bảo hiểm khi điều khiển mô tô, xe máy, ngoài CSGT còn có công an các quận, huyện, đồn, phường, xã cùng tham gia. Nhờ đó mà hầu hết người dân đã nghiêm chỉnh chấp hành.
Có thể thấy, yếu tố thành - bại trong việc triển khai các quy định, kế hoạch phụ thuộc rất nhiều vào chế tài cũng như phương pháp kiểm tra, giám sát. Chủ trương mới có được áp dụng vào cuộc sống một cách có hiệu quả hay không, chìa khóa chính là phương pháp xử lý.