Ngăn chặn phạm pháp hình sự hiệu quả, mô hình 141 ngày càng được người dân tin yêu
Khi đọc bài viết “Tổ công tác đặc biệt “141” sẽ tăng biên chế lên gấp 3 lần”, bạn đọc Đặng Hùng đồng tình khẳng định: “Thêm 10 tổ công tác là thêm sức mạnh trong cuộc chiến chống tội phạm. Cảm ơn các anh rất nhiều, có các anh Thủ đô Hà Nội sẽ bình yên hơn”. “Nhưng tôi vẫn còn trăn trở một điều. Đó là, tại Hà Nội thì có 15 tổ công tác đặc biệt bảo vệ bình yên cho nhân dân, nhưng tại sao trong TP.HCM lại chưa có mô hình này, trong khi ở TP.HCM tình trạng cướp giật, đua xe đã trở nên nhức nhối trong dư luận nhân dân. Mong sao TP.HCM sẽ sớm có lực lượng như 141” - bạn đọc Đặng Hùng bày tỏ.
Khẳng định “Thật tuyệt vời. Từ ý tưởng thành lập “141”, đến các chiến công của các anh”, bạn đọc Ngọc Anh lưu ý: “Đây là công việc nguy hiểm, độc hại nên cần phải có chế độ đặc thù cho các anh”.
“Đồng tình ủng hộ các anh! Chúng ta phải xây dựng hình ảnh đẹp, thân thiện hòa bình cho Thủ đô, giống như Đà Nẵng có nhiều cách làm rất hay. Nay Hà Nội phải làm nhiều hơn nữa cho xứng danh thành phố vì Hòa Bình!”, bạn đọc Danh Kiệt nêu quan điểm.
Trong khi đó, bạn đọc lấy tên Tahnh cũng “cảm ơn các anh đã góp phần mang lại bình yên cho Thủ đô”, bởi “Nhìn đống vũ khí khủng khiếp do lực lượng “141” CATP Hà Nội thu giữ được, tôi lại nghĩ không biết có bao nhiêu người sẽ chết vì các loại vũ khí này”.
“Ủng hộ CAHN trong việc tăng cường lực lượng “141”, bạn đọc Trịnh Đông bày tỏ và không quên: “Chúc các anh luôn khỏe để hoàn thành nhiệm vụ, vì một Thủ đô văn minh, lành mạnh và yên bình”.
“Hoan nghênh việc làm của CAHN, đã mang lại hiệu quả bước đầu trong việc giữ gìn an ninh trật tự của thủ đô. Bộ Công an nên áp dụng biện pháp này tại TP Hải Phòng và TP.HCM vì những nơi này tình hình an ninh cũng rất phức tạp”, bạn đọc Nhatlinh đề nghị.
“Đúng là cần triển khai mô hình “141” ra các tỉnh, thành trên toàn quốc. “141” đã trở thành một “thương hiệu” mới của CAHN. Tôi tin nếu mở rộng mô hình này ở các tỉnh, thành, vấn đề an ninh trật tự sẽ được đảm bảo hơn. Mong Bộ Công an và các tỉnh, thành lưu tâm chuyện này, giúp cho người dân được an ổn, bình yên trong cuộc sống” - bạn đọc Minh Trí khẳng định.
lCũng trong tuần qua, sau khi An ninh Thủ đô đăng bài “Bệnh viện Nhi Trung ương không đuổi nhóm bán cơm từ thiện”, nhiều bạn đọc phản hồi với những ý kiến trái chiều rất đáng quan tâm.
“Hoan nghênh tấm lòng nhân ái của nhóm thanh niên bán cơm từ thiện của anh Nguyễn Thành Trung. Trong thời buổi "bão giá" hiện nay, bán cơm với giá đó là giúp đỡ rất nhiều cho người nhà bệnh nhân, nhất là các gia đình nghèo khó. Nên phát huy...” – bạn đọc Hương Thủy bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ đối với “quán cơm 5.000 đồng/ suất” của anh Nguyễn Thành Trung.
Bạn đọc Bảo Yến chia sẻ, góp ý và đặt vấn đề: “Sao nhóm anh Trung không liên hệ với bệnh viện để được bán chính thức. Giá rẻ thế thì quá tốt cho những người nghèo chúng em. Nhưng nghĩ lại thì đứng ở cửa "nhà" người ta chả nói câu nào, cứ bán hàng thế này cũng không hợp lý lắm”.
Thể hiện sự băn khoăn, bạn đọc Nguyễn Văn Vượng viết: “Mình chỉ thấy thắc mắc tại sao nhóm bạn Trung làm việc nhiều ý nghĩa như vậy lại không đường hoàng chính thức có giấy tờ vào gặp giám đốc BV nhỉ. Giám đốc BV rất mở cửa mà”.
“Việc làm của bạn Trung rất đáng ghi nhận, nhưng thiết nghĩ với thời buổi bây giờ vấn đề VSATTP là rất quan trọng. Nếu bạn có đầy đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc thực phẩm bạn cung cấp thì chắc chắn là Ban Giám đốc BV Nhi sẽ đồng ý. Còn mình cũng hay vào viện và cũng đã nhìn thấy quầy bán hàng của bạn Trung nhưng trông kém an toàn vệ sinh quá. Hơn nữa ở viện mình thấy cũng có rất nhiều phiếu ăn miễn phí mà viện phát ra cho người nhà bệnh nhân và những suất ăn đó rất ngon”, một bạn đọc lấy tên Hai Sao Troi chia sẻ.
“Tôi thấy việc làm của nhóm anh Trung là có ý nghĩa, giúp được nhiều người nghèo. Tuy nhiên, lo ngại của bệnh viện về an toàn là rất đúng. Giả sử xảy ra ngộ độc thực phẩm với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân ở bệnh viện thì chịu trách nhiệm là ai? Vì thế mục tiêu đúng nhưng cách làm không hợp lý thì hết sức nguy hiểm. Nếu không cẩn thận thì mục đích là “làm thiện” nhưng vô tình thành “làm ác” lúc nào không hay đấy”. Bạn đọc Hoàng Vũ chốt lại vấn đề rất đáng suy nghĩ.