Thế nào là phòng vệ chính đáng?

(ANTĐ) - Trong một lần mâu thuẫn với một người hàng xóm, chồng tôi chạy về nhà lấy một đoạn tuýp sắt sang để đánh nhau. Chồng tôi cầm tuýp sắt vụt anh K nhưng anh K tránh được nên bị thương nhẹ. Cùng lúc em anh K và anh K vụt chồng tôi bằng gậy gỗ, đến khi chồng tôi ngất, mọi người nghĩ chồng tôi chết nên can ngăn để đưa đi cấp cứu. K cũng phải đi bệnh viện để điều trị vết thương.

Thế nào là phòng vệ chính đáng?

(ANTĐ) - Trong một lần mâu thuẫn với một người hàng xóm, chồng tôi chạy về nhà lấy một đoạn tuýp sắt sang để đánh nhau. Chồng tôi cầm tuýp sắt vụt anh K nhưng anh K tránh được nên bị thương nhẹ. Cùng lúc em anh K và anh K vụt chồng tôi bằng gậy gỗ, đến khi chồng tôi ngất, mọi người nghĩ chồng tôi chết nên can ngăn để đưa đi cấp cứu. K cũng phải đi bệnh viện để điều trị vết thương.

Kết quả giám định thương tật chồng tôi bị thương tật 49% còn anh K thương tật 9%. Công an huyện cho rằng chồng tôi sang nhà để đánh K vì vậy anh K phòng vệ chính đáng không có tội, xử lý hành chính cảnh cáo anh K. Tôi xin hỏi kết luận của cơ quan chức năng như vậy có đúng không, tôi phải làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình?

Nguyễn Thị Hà (Ninh Bình)

Trả lời: Theo khoản 1 điều 15 - Bộ luật Hình sự thì hành vi phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình hoặc của người khác mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.

Để đánh giá một hành vi chống trả của K có cần thiết hay không thì cần phải căn cứ nhiều yếu tố như tương quan lực lượng giữa hai bên, hung khí sử dụng  khi đánh nhau. Thực tế ở đây K còn có em của K giúp về tinh thần và vật chất còn chồng chị có một mình và ở thế bị động khi mà bước vào nhà chồng chị không quan sát được nên bị tấn công từ phía sau, vì vậy K ở thế hoàn toàn chủ động tấn công chồng chị. Chồng chị là người cầm gậy sang nhà K với mục đích đánh nhau, hành vi này vi phạm pháp luật cũng không thể chấp nhận được. Khi chồng chị bị đánh gục, không còn phản xạ nữa vẫn bị đánh thì đây không còn là hành vi chống trả cần thiết nữa, hành vi này sẽ được cấu thành tội cố ý gây thương tích hoặc hành vi giết người nếu anh ấy chết và ở đây em của K cũng có hành vi đồng phạm cùng tội danh với K.

Kết quả giám định đã nói lên thương tích của chồng chị là quá nặng, vụ việc cần phải xử lý bằng Luật Hình sự, không thể cho là phòng vệ chính đáng để xử lý hành chính như công an huyện thông báo.

Chị cần có đơn khiếu nại với ông thủ trưởng CQĐT công an huyện về quyết định  không khởi tố vụ án, nếu không thoả đáng, chị khiếu nại đến ông Viện trưởng VKSND cùng cấp theo điều 329 - Bộ luật Tố tụng Hình sự.

Luật sư Trương Văn An

(Văn phòng LS Phúc Thọ, 23 Hồ Đắc Di,
Nam Đồng, Đống Đa, Hà Nội)