Các giải pháp siết chặt nguồn cung và kích cầu sẽ giúp thị trường cân bằng trở lại
Kích cầu, giảm nguồn cung
Ngày 21-3, thống kê mới nhất của Sở Xây dựng TP Hà Nội cho biết, toàn TP hiện có 5.789 căn hộ tồn đọng tại các dự án phát triển nhà ở. Các doanh nghiệp bất động sản (BĐS) đã “chôn” vào số căn hộ ế ẩm này hàng nghìn tỷ đồng.
Để xử lý, TP Hà Nội sẽ tiếp nhận xem xét đề nghị của các chủ đầu tư chuyển đổi nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư, nhà ở công vụ. Ngoài ra, để kích cầu thị trường, TP chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện cho vay đối với các đối tượng thu nhập thấp, cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang vay để thuê, thuê mua nhà ở xã hội và thuê, mua nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng mỗi mét vuông với lãi suất thấp, kỳ hạn trả nợ phù hợp với khả năng của khách hàng. Đồng thời, TP sẽ chỉ đạo cho vay với doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội, chuyển đổi công năng của dự án đầu tư sang nhà ở xã hội với lãi suất và kỳ hạn trả nợ ưu đãi. Ngân hàng Nhà nước đã dự kiến khoảng 30.000 tỷ đồng thông qua các ngân hàng thương mại để cho vay với các đối tượng kể trên. UBND TP cam kết sẽ yêu cầu thực hiện ngay sau khi có hướng dẫn.
Đặc biệt, để giảm bớt nguồn cung căn hộ ra thị trường, TP tuyên bố tạm dừng không xem xét các đề xuất đầu tư xây dựng kinh doanh phát triển nhà ở thương mại từ nay đến 31-12-2014 (thời hạn hết hiệu lực của Thông tư số 02/2013/TT-BXD của Bộ Xây dựng) trên địa bàn Hà Nội. Cùng với đó, Hà Nội sẽ rà soát quy hoạch, cho phép chuyển một số nhà ở sang nhà ở xã hội và nhà ở dành cho người thu nhập thấp. Cụ thể, TP đã chấp thuận chủ trương cho phép chuyển đổi 3 dự án sang xây dựng nhà ở xã hội và hiện có 6 nhà đầu tư đăng ký xây dựng nhà ở xã hội tại 7 địa điểm trên địa bàn.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về mua căn hộ thương mại cho mục đích tái định cư, TP đã rà soát tổng số 24 dự án có quỹ nhà 30%, 50% có thể đặt hàng mua làm quỹ nhà tái định cư với 3.862 căn hộ. Trong đó, có 6 dự án đang đầu tư xây dựng với 849 căn hộ. Hà Nội sẽ dành 2/3 số lượng căn hộ để phục vụ quỹ nhà ở tái định cư, 1/3 làm nhà ở cho cán bộ công chức thành phố.
Hỗ trợ doanh nghiệp tối đa
Đại diện UBND TP Hà Nội cho biết, TP sẽ xem xét điều chỉnh quy hoạch, quy mô các dự án BĐS cũng như điều chỉnh tiêu chuẩn định mức các căn hộ có diện tích lớn sang căn hộ có diện tích nhỏ, tạo điều kiện đa dạng hóa sản phẩm. TP khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp BĐS chủ động điều chỉnh hoạt động kinh doanh, tái cơ cấu doanh nghiệp cho phù hợp. Đặc biệt, TP khuyến khích việc giảm giá bán, điều chỉnh cơ cấu hàng hóa cho phù hợp với khả năng chi trả của thị trường; áp dụng các phương thức bán hàng linh hoạt, khuyến khích chuyển sang hình thức cho thuê, thuê mua chuyển sang nhà ở xã hội, sử dụng đúng mục đích các khoản vay và huy động vốn từ khách hàng, thực hiện công khai, minh bạch, đúng cam kết tiến độ, tạo niềm tin với khách hàng.
Với các chủ đầu tư dự án kinh doanh nhà ở bán, nhà ở cho thuê, kinh doanh kết cấu hạ tầng có khó khăn về tài chính, TP sẽ xem xét gia hạn nộp tiền sử dụng đất. Ngoài ra, thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó trong năm 2103, TP áp dụng các chính sách giảm, hoãn các khoản thuế, phí. Cụ thể, tổng số tiền thuế, lệ phí được gia hạn thời gian chậm nộp và giảm năm 2013 lên tới gần 14.434,8 tỷ đồng. Trong đó, tổng số tiền thuế được gia hạn nhưng phải nộp trong năm 2013 là 11.134 tỷ đồng (thuế GTGT: 734 tỷ đồng; thuế thu nhập doanh nghiệp: 400 tỷ đồng; tiền sử dụng đất: 10.000 tỷ đồng). Tổng số tiền thuế giảm trong năm 2013 là 1.100,8 tỷ đồng (lệ phí trước bạ: 500,8 tỷ đồng; giảm 50% tiền thuê đất: 600 tỷ đồng). Ngoài ra, tổng số thuế gia hạn năm 2013 chuyển 2014: 2.200 tỷ (thuế TNDN: 200 tỷ đồng; tiền sử dụng đất: 2.000 tỷ đồng)...