Bản dịch quốc tế ngữ của “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”
Tính đến thời điểm này, cuốn “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” đã được dịch ra 18 thứ tiếng trên thế giới. Tác phẩm này cũng đã được dựng thành phim mang tên “Đừng đốt” do Nghệ sỹ Nhân dân Đặng Nhật Minh làm đạo diễn. Bộ phim gây tiếng vang, giành được nhiều giải thưởng ở trong nước và quốc tế, để lại ấn tượng xúc động sâu sắc đối với người xem. “Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm” được viết ra với mục đích riêng tư, tác giả gửi gắm trong đó những tâm sự kín đáo của mình. Mỗi dòng chữ được viết trong hầm dã chiến sau những cuộc phẫu thuật căng thẳng, trong tiếng đạn bom của kẻ thù, dưới ngọn đèn che kín ở hầm trú ẩn hoặc bên gốc cây trong giờ nghỉ của cuộc hành quân, trong niềm xúc động, cảnh thương vong và máu lửa. Từng dòng, từng chữ đều là cảm xúc thực sự sâu sắc, lắng đọng, chứa chan tình cảm của một nữ bác sỹ trẻ tuổi anh hùng. Giờ đây, cuốn nhật ký này đã trở thành cuốn sách gối đầu giường của những người yêu hòa bình và căm ghét chiến tranh…
Trong quyển nhật ký, người nữ bác sỹ đã nhiều lần nhắc tới Liên bang Xô Viết, tới hình ảnh Paven Kortraghin (trong tác phẩm Thép đã tôi thế đấy) và niềm tin mãnh liệt vào ngày mai hòa bình, tươi sáng. Sự lạc quan vô bờ bến đó đã được Đặng Thuỳ Trâm tiếp nhận qua những nhân vật, những biểu tượng, những tác phẩm của nền văn học Nga - Xô Viết, mặc dù chị chưa hề một lần được đặt chân tới nước Nga. Đặng Thùy Trâm cũng đã hy sinh anh dũng như Matroxov A.M, Doia Koxmođemianxkaia, Alia Monđagulova... và hàng triệu người lính Nga chiến đấu vì độc lập và tự do cho dân tộc mình.
Nhóm dịch giả gồm Tiến sĩ A.Xocolov và Tiến sĩ Lê Văn Nhân, Nguyễn Huy Hoàng… đã làm việc khẩn trương, dịch tác phẩm, chuyển tải toàn bộ tâm hồn, tình cảm, nghĩ suy của một con người, đại diện cho một thế hệ tinh hoa của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX.
Từ sau khi Liên Xô tan vỡ, hầu như không có tác phẩm văn học Việt Nam nào được dịch ra tiếng Nga. Hy vọng với việc dịch và giới thiệu “Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm” sang tiếng Nga lần này sẽ khởi đầu cho một giai đoạn mới, góp phần bắc lại nhịp cầu của bạn đọc Nga đối với văn học Việt Nam…