Toàn cảnh khu di tích có từ thời Lý mới được công bố
"Đường nước" khổng lồ
Kiến trúc lạ này vừa được công bố vào sáng qua, 26-12. Trên diện tích khai quật rộng 500m2 phía bắc Đoan Môn, các nhà khoa học đã làm xuất lộ một “đường nước” được xây bằng gạch vuông, gạch bìa, cọc gỗ, phía dưới được lát gạch. Chỗ rộng nhất của “đường nước” này lên tới 2m, cao 2m. Cùng với “đường nước” này còn có cả dấu tích móng sành thời Lý rộng tới 1,6m. PGS. TS Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện Khảo cổ học nhận định, kiến trúc gạch khổng lồ này chưa từng thấy trong bất cứ di tích khảo cổ học nào ở Việt Nam, kể cả khu vực 18 Hoàng Diệu. Các nhà khoa học đều có chung một nhận định, đây là một phát hiện quan trọng, góp phần cung cấp những nhận thức về không gian của các Chính điện trong Hoàng thành Thăng Long. GS. Nguyễn Quang Ngọc - Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Chủ tịch Hội Sử học Hà Nội cho rằng, phát hiện này góp phần phản bác lại ý kiến của một số chuyên gia nước ngoài, rằng khu trung tâm Hoàng thành nằm ở khu vực 18 Hoàng Diệu (vì chưa từng tìm thấy di tích thời Lý ở khu vực Trung tâm Hoàng thành Thăng Long).
Với kích thước quá lớn, cùng cách xây dựng đặc biệt, nhiều nhà khoa học khẳng định, công trình kiến trúc này được xây dựng rất kỳ công, tuy nhiên, chức năng và quy mô thì vẫn là một bí ẩn. Hiện, phần lớn các ý kiến thiên về giả thiết, đây là một công trình dùng để dẫn nước hoặc thoát nước của khu trung tâm Hoàng thành. Tuy nhiên, giả thiết này cũng vướng rất nhiều phản bác của các nhà khoa học, bằng chứng bởi trong lòng của công trình kiến trúc được lát lớp gạch vuông, bao xung quanh là hàng gạch bìa với cọc gỗ chống lún. Xét trên tổng thể, tại vị trí này ít có khả năng là một đường cấp hoặc thoát nước. Bên cạnh đó, tại khu vực này, rất ít đồ gốm sứ được tìm thấy.
Hiện tượng này rất giống với hiện tượng khảo cổ kinh đô cổ Nara, Fujiwara, Kyoto-Nhật Bản… Như kinh nghiệm của các nhà khảo cổ học Nhật Bản, những khu vực có hiện tượng này thường là những cung điện quan trọng, liên quan đến nghi lễ đại triều, quốc gia. Bởi vậy GS. Nguyễn Quang Ngọc cho rằng, đây có thể là một phần dấu tích của Long trì. Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo lại cho rằng đây là một loại “giếng nước”. Ông Tuấn cho biết, loại hình kiến trúc này rất giống với kiến trúc mà ông từng được thấy ở vùng núi Chí Dĩ Sơn, Thuận Thiên, Hàn Quốc. Bên cạnh đó, còn có những ý kiến cho rằng, đây là một con đường thoát hiểm của thời Lý, hay là một phần của kiến trúc với phần móng được phát hiện bên trên. Thậm chí, có người còn đặt vấn đề rằng đây là một bể chứa nước dùng trong sinh hoạt của Hoàng thành Thăng Long xưa. Song, tất cả mới chỉ là những giả thiết ban đầu, chưa đủ chứng cứ chặt chẽ.
Hàng cọc chống lún ở hai bên “đường nước”
Tìm phương án bảo tồn lâu dài
Việc xác định “chức năng” của công trình này xem ra vẫn phải đợi mở rộng diện tích khai quật để tìm thêm những cứ liệu khoa học. Song, trong lúc chờ các cấp quản lý xem xét, phê duyệt, việc cần phải quan tâm hiện nay là công tác bảo tồn các di tích vừa được phát lộ tại khu vực khảo cổ này. Ông Tống Trung Tín cho biết, trong khi đợi các ý kiến chỉ đạo về kế hoạch bảo tồn, lộ trình nghiên cứu cụ thể sẽ cho bọc giấy Méc Nhật Bản và lần lượt lấp lại toàn bộ hố khai quật theo phương pháp khảo cổ học truyền thống. Đồng tình với ý kiến này, Tiến sĩ Khảo cổ học Lê Thị Liên, Viện Khảo cổ học cho rằng, trong trường hợp này việc lấp cát cũng có những ưu điểm riêng, như thực hiện chỉ mất khoảng 1 ngày. Trong khi chưa có kế hoạch bảo quản cụ thể, có thể sử dụng phương pháp này. Khi cần tiếp tục mở rộng nghiên cứu khai quật có thể lại mở lên trong thời gian ngắn (chỉ mất từ 2 đến 3 ngày).
Nhưng nhiều nhà khoa học lại cho rằng, lấp cát sẽ gây nguy hại đến hàng cọc gỗ chạy dọc hai bên lòng “đường nước” như một số trường hợp đã từng xảy ra với các di tích gỗ trước đây. Ông Nguyễn Văn Cường - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia cho rằng, đây là một phát hiện quan trọng, việc bảo tồn cần cẩn trọng ngay từ những bước đầu tiên. Thay vì lấp cát như một giải pháp bất đắc dĩ, Bảo tàng Lịch sử quốc gia sẵn sàng phối hợp giúp xử lý bảo quản các di tích gỗ. Hoặc có thể tính đến phương án bảo quản lâu dài hiện đại như xử lý kỹ thuật, hút chân không và dựng kính chịu lực lên trên, đồng thời có thể tạo điều kiện cho người dân tham quan…
Có lẽ đã đến lúc chúng ta cần tính đến một phương án bảo tồn lâu dài chẳng hạn như kết hợp cho người dân vào tham quan như ông Trần Đức Cường, nguyên Phó Chủ tịch Viện Khoa học Xã hội Việt Nam nhận xét: “Vào khu di tích nổi tiếng mà không được nhìn thành quả của giới nghiên cứu thì thật tiếc, phải có cách bảo tồn như lắp kính, mái che để bảo tồn lâu dài. Lấp đất chỉ là biện pháp bất đắc dĩ. Di tích của chúng ta nằm giữa Thủ đô tại sao phải hạn chế cho người dân thưởng ngoạn?”.