Học sinh THPT sẽ phải nhịn đói vào lớp? Ảnh minh hoạ
Học sinh phải nhịn đói đến lớp
“Thêm huyện Gia Lâm vào danh sách các quận, huyện điều chỉnh giờ học, giờ làm”, đó là đề nghị tại Báo cáo thẩm tra về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế, xã hội năm 2011, kế hoạch 2012 của HĐND TP Hà Nội. Cụ thể, Ban Pháp chế HĐND TP thống nhất và đề nghị HĐND TP thông qua Đề án điều chỉnh giờ học, giờ làm do UBND TP trình nhưng đề nghị bổ sung huyện Gia Lâm vào phạm vi điều chỉnh (theo tờ trình của UBND TP, có 10 quận nội thành và 2 huyện Thanh Trì, Từ Liêm trong danh sách đổi giờ học, giờ làm). Ngoài ra, đối với nhóm 1, cần cân nhắc phương án phân biệt giờ mùa đông và giờ mùa hè để đảm bảo sức khỏe cho học sinh THPT. Theo tờ trình của UBND TP, thời gian bắt đầu học của nhóm này từ 6h30 và kết thúc sau 19h. Đối tượng học sinh mầm non, tiểu học thuộc nhóm 2, cần cân nhắc thời gian làm việc từ 7h30 đến 17h30 vì thời gian làm việc của giáo viên là 10 h/ngày, chưa đúng với quy định của Bộ Luật Lao động.
ĐB Nguyễn Đình Dương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội Hà Nội cũng cho rằng, phạm vi điều chỉnh của đề án là không xác đáng. Ông nói: “Vào học 6h30 đối với THPT thì sớm quá, giờ đó để ăn xong đi học phải dậy từ 5h, nếu không phải nhịn đói vào lớp”. ĐB Nguyễn Hữu Thắng, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Thương mại Hà Nội thắc mắc cho các hộ tiểu thương: “Đề án nói chung chung là trung tâm thương mại, dịch vụ mở cửa sau 9h nhưng theo tôi bán lẻ và dịch vụ không nên quy định giờ. Chẳng có quán phở nào ở Hà Nội chịu mở sau 9h sáng! Đề nghị phải nói rõ nhóm này chỉ gồm siêu thị và trung tâm thương mại thôi...”.
Đề án quá sơ sài
Tuy phê bình đề án sơ sài, ĐB Lê Hồng Thăng, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội lại thống nhất với chủ trương đổi giờ làm, giờ học: “Tôi nghiên cứu rồi, từ 7h15 tới 8h là giờ cao điểm, rất hay xảy ra ùn tắc nên cần điều chỉnh giãn đối tượng tham gia giao thông trong khung giờ này”. Cho rằng “không được phép thử với các đối tượng là học sinh tiểu học, mầm non vì quá nguy hiểm”, ĐB Thăng cho rằng, nên thí điểm trước với đối tượng là sinh viên. “Sinh viên ngày trước ăn sắn, ăn khoai còn học được, giờ có dậy sớm chút đi học chắc cũng không sao nên có thể thử được” - ông Lê Hồng Thăng nói.
Nói về Đề án đổi giờ, ĐB Lê Văn Thư, Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm thẳng thắn, đây chỉ là giải pháp tạm thời và “không khéo lại mang tiếng Hà Nội”. Ông nói: “Đề án chưa thấy đánh giá tác động, ảnh hưởng tới các đối tượng liên quan. Cháu tôi nhà cách trường 20km, sáng vào lớp 6h30, chiều tan sau 19h, vậy nghĩa là cháu sẽ phải dậy từ 4h30 và về tới nhà sau 21h? Trung tâm thương mại, dịch vụ họ có quyền kinh doanh nên khó buộc họ mở cửa sau 9h. Nếu thế, họ đòi đóng thuế một nửa chúng ta có chịu không? Nếu ảnh hưởng nhiều như thế, theo tôi không nên đặt vấn đề điều chỉnh giờ...”.
Chưa thể biết khi nào mới hết tắc đường Bên lề kỳ họp HĐND TP, trả lời câu hỏi bao giờ Hà Nội hết tắc đường, ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở GT-VT nói: “Điều đó phụ thuộc vào phát triển kinh tế xã hội và quy hoạch phát triển kinh tế xã hội từ nay đến năm 2020, tầm nhìn 2050 của TP cũng như tổng thể phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Đất nước càng phát triển, ùn tắc càng giảm. Bây giờ nói bao giờ hết ùn tắc rất khó”. Giám đốc Nguyễn Quốc Hùng cũng cho biết: “Hà Nội đang triển khai 7 nhóm giải pháp lớn để hạn chế ùn tắc. Trong đó, biện pháp ưu tiên vẫn phải là phát triển kết cấu hạ tầng, tiếp tục thực hiện phương án di chuyển bệnh viện, trường học ra ngoại ô và triển khai xây dựng các đô thị vệ tinh... Cùng với đó, TP cũng phải thực hiện các giải pháp ngắn hạn để giải quyết bức xúc trước mắt, đáp ứng nhu cầu đi lại hàng ngày của người dân”. |