Nghị định về minh bạch tài sản, thu nhập: Vẫn còn băn khoăn

ANTĐ - Theo Nghị định 78/2013/NĐ-CP về minh bạch tài sản, thu nhập do Chính phủ ban hành từ 17-7-2013 sẽ có 9 nhóm đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập từ ngày 5-9-2013. Các đối tượng được quy định bao gồm tất cả công chức giữ các chức vụ quản lý từ phó phòng trở lên và các công chức công tác quản lý ngân sách, tài sản của Nhà nước hoặc trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong các lĩnh vực theo quy định như tổ chức cán bộ, tài chính, ngân hàng, công thương, xây dựng, giao thông, y tế... 

Theo Nghị định này, tài sản phải kê khai bao gồm: nhà ở, công trình xây dựng khác đã có giấy chứng nhận sở hữu hoặc chưa có giấy chứng nhận của mình nhưng đang đứng tên người khác; nhà đang thuê của Nhà nước, đất đai, tài sản nước ngoài, vàng bạc, đá quý, ôtô, xe máy, các khoản nợ, cho vay, cổ phiếu, tổng thu nhập trong năm…

Minh họa: Internet

Lần đầu tiên việc kê khai tài sản công chức được quy định chặt chẽ về mặt pháp lý, theo đó hàng năm, trong tháng cuối năm, bộ phận phụ trách công tác tổ chức cán bộ phải tổ chức cho các đối tượng trong diện kê khai tài sản kê khai, kiểm tra, đối chiếu và công khai  bản kê khai với các đối tượng quy định. Việc kê khai tài sản, thu nhập phải hoàn thành chậm nhất là ngày 31-12 hàng năm. Bản kê khai được lưu cùng hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức. Những bản kê khai tài sản hàng năm sẽ đi theo suốt quá trình công tác của công chức. Khi người có nghĩa vụ kê khai được điều động sang cơ quan, tổ chức, đơn vị khác thì bản kê khai của người đó phải được chuyển giao cùng hồ sơ cán bộ cho cơ quan, tổ chức, đơn vị mới. Khi người có nghĩa vụ kê khai nghỉ hưu, thôi việc thì bản kê khai của người đó được lưu giữ theo quy định về quản lý hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức.

Không công khai tài sản tại nơi cư trú

Việc áp dụng những biện pháp minh bạch tài sản của cán bộ công chức là một bước tiến mới của cuộc chiến chống tham nhũng. Tuy nhiên soi xét những quy định của Nghị định 78/2013/NĐ-CP dư luận vẫn còn nhiều băn khoăn.

Trước hết việc NĐ78/CP quy định giới hạn việc sử dụng bản kê khai này cho công tác tổ chức cán bộ, chỉ công khai bản kê khai tài sản cho một số đối tượng hẹp liên quan tới cán bộ công chức mà không phải công khai rộng rãi, vô hình trung đã hạn chế tác dụng chống tham nhũng của biện pháp quan trọng này (Điều 10, 14). Việc không quy định phải công khai bản kê khai tài sản tại nơi cư trú của cán bộ công chức đã hạn chế vai trò giám sát của quần chúng, bởi không có cơ quan kiểm tra nào có năng lực hơn quần chúng nhân dân trong nhiệm vụ này.

Công tác kiểm tra theo NĐ78/CP được đặt lên vai của một cơ quan không thuộc sự điều chỉnh của Nghị định, đó là các tổ chức kiểm tra của Đảng. Đã đành, theo Luật Phòng chống tham nhũng số 27/2012/QH13, các Ban Đảng cũng tham gia công tác phòng, chống tham nhũng nhưng rõ ràng việc quy định chỉ các Ban kiểm tra Đảng giám sát, kiểm tra  lực lượng thanh tra Chính phủ chỉ kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản của các cán bộ công chức không thuộc diện quản lý của các cấp ủy, sẽ gây khó khăn cho việc kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản cán bộ, công chức. Vai trò của cơ quan đại diện cho các tổ chức xã hội là Mặt trận Tổ quốc chỉ gói gọn trong chức năng đề nghị, kiến nghị, chuyển đơn là chưa phát huy đúng mức vai trò của tổ chức này. 

Đối với các cơ quan truyền thông đại chúng những quy định chặt chẽ trong việc khai thác, sử dụng các bản kê khai tài sản cũng như kết luận kiểm tra, giám sát chưa tạo điều kiện để báo chí tham gia tốt nhất công tác phòng chống tham nhũng. Thậm chí, theo NĐ78/CP mặc dù bản kê tài sản được quy định là công khai tại cơ quan, nhưng nếu nhà báo thu thập được nhưng chưa được các cơ quan chức năng đồng ý cũng không đưa ra công luận để làm chứng cứ cho các bài điều tra của mình được. Mặc dù cũng trong Nghị định này có hẳn 1 điều nghiêm cấm sử dụng bản kê và kết quả điều tra cho những mục đích sai trái. 

Che giấu tài sản, kiểm tra thế nào?

Đáng tiếc nhất, một số thủ đoạn che giấu tài sản tham nhũng thường thấy như chuyển tài sản cho vợ, con, thân nhân chưa được đề cập trong Luật. Các tài sản là tiền mặt, vàng, bạc, đá quý cũng chỉ mới là khoản phải kê khai, chưa có các điều khoản có thể kiểm tra kiểm soát được. Nhất là các tài sản có thể bán ngay, không có chứng cứ lưu giữ như cổ phiếu đứng tên người khác, cổ phiếu không ghi danh… Chỉ cần mở một tài khoản giao dịch chứng khoán đứng tên người khác, sử dụng mật khẩu giao dịch, cán bộ công chức vẫn có chỗ chứa đựng tài sản hàng trăm tỷ đồng và khả năng biến thành tiền rất dễ dàng. Gần đây, khi Nhà nước cho phép tư nhân sở hữu, lưu giữ cổ vật, nhiều quan chức, thương gia tham gia sưu tầm lưu giữ cổ vật. Có nhiều quan chức, thương gia như giới sưu tầm cổ vật cho biết đang sở hữu số lượng cổ vật có thể mở được bảo tàng. Nhiều cổ vật có giá thị trường lên đến hàng chục, hàng trăm nghìn USD, là một khối tài sản đáng giá. Ví dụ chỉ một tượng đồng văn hóa Chăm cao trên 1m có thể có giá thị trường lên đến 3 triệu USD. Rất tiếc, NĐ78/CP cũng chưa đề cập đến việc kê khai tài sản này. 

Các chế tài của việc gian lận, dối trá để che giấu tài sản cũng chưa chi tiết và có sức răn đe các hành vi che giấu tài sản tham nhũng. Thêm nữa cũng chưa thấy đề cập tới nguồn gốc của khối tài sản hiện có. Nhiều quan chức, công chức hiện đang sở hữu khối tài sản khổng lồ trong khi lương cũng như xuất thân của họ không thể có khối tài sản như vậy. Dư luận đòi hỏi cần có các biện pháp để thu hồi các tài sản Nhà nước thất thoát từ nhiều nguồn hiện đang nằm trong nhiều khối tài sản đáng nghi ngờ.

 Mặc dù NĐ78/CP có hiệu lực từ ngày 5-9, có nghĩa là các cán bộ công chức trong diện phải kê khai sẽ bắt đầu kê khai từ cuối năm nay, tuy nhiên với những băn khoăn của dư luận đối với việc kiểm tra giám sát việc kê khai cũng như công khai các bản kê khai, kết luận kiểm tra việc kê khai, vai trò quần chúng cũng như các tổ chức quần chúng trong việc giám sát, kiểm tra kê khai tài sản, cho thấy cần thêm những văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn chi tiết việc thi hành Nghị định này. Các bản kê tài sản của cán bộ công chức cần được thông báo đến nơi cư trú để nhân dân trong khu vực biết. Để tránh sự lạm dụng, có thể lấy ý kiến nhân dân nơi cư trú khi bổ nhiệm mới, bổ nhiệm lại…

Dẫu còn nhiều băn khoăn nhưng dư luận đã rất đón mừng NĐ78/CP, một bước tiến quan trọng trong cuộc chiến chống lại quốc nạn tham nhũng, một vũ khí để tiêu diệt các quan tham, làm trong sạch đội ngũ cán bộ công chức, khôi phục lòng tin quần chúng nhân dân với đội ngũ cán bộ công chức của Đảng và Nhà nước.