Lương tối thiểu năm 2013: Chưa đảm bảo đời sống

ANTĐ - Vào tháng 10 tới, Chính phủ sẽ chính thức công bố phương án điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng trong các loại hình doanh nghiệp và bắt đầu thực hiện từ 1-1-2013. Theo đó, lương tối thiểu của người lao động sẽ tăng, tuy nhiên điều chỉnh như thế nào và có đảm bảo đời sống của họ hay không vẫn đang là dấu hỏi lớn.

Đảm bảo cuộc sống cho công nhân giúp doanh nghiệp giữ chân lao động lành nghề

Lao động lợi thì doanh nghiệp khổ

Hiện Bộ LĐ-TB&XH đang lấy ý kiến xung quanh việc điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng trong các doanh nghiệp năm 2013 với 2 phương án gồm: phương án 1, mức lương tối thiểu áp dụng cho vùng 1 tăng từ 2 triệu đồng/tháng hiện nay lên 2,7 triệu đồng/tháng vào năm 2013; vùng 2 tăng từ 1,78 triệu đồng/tháng lên 2,4 triệu đồng/tháng; vùng 3 tăng từ 1,55 triệu đồng/tháng lên 2,13 triệu đồng/tháng; vùng 4 tăng từ 1,4 triệu đồng/tháng lên 1,93 triệu đồng/tháng. Còn phương án 2, mức điều chỉnh tương ứng với vùng 1 là 2,5 triệu đồng/tháng, vùng 2 là 2,25 triệu đồng/tháng, vùng 3 là 1,95 triệu đồng/tháng và vùng 4 là 1,8 triệu đồng/tháng.

Trao đổi với PV về 2 phương án điều chỉnh này, ông Ngô Chí Hùng, Phó trưởng ban Quản lý khu công nghiệp-chế xuất (KCN-CX) Hà Nội cho biết, Ban quản lý KCN-CX Hà Nội ủng hộ tăng lương theo phương án 2 bởi nếu thực hiện tăng cao ngay như phương án 1 thì nhiều doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn, quỹ lương không thể kham nổi. Hiện tại, các doanh nghiệp ở Hà Nội đều áp dụng mức lương tối thiểu theo vùng 1 là 2 triệu đồng, song trên thực tế hầu hết các doanh nghiệp có vốn nước ngoài đã áp dụng mức lương 2.350.000 đồng/ người/ tháng cộng thêm phụ cấp đi lại, ăn trưa, tiền chuyên cần. Ngay các doanh nghiệp trong nước cũng trả mức lương bình quân là 2.140.000 đồng/ người/ tháng, cao hơn mức lương tối thiểu quy định. Theo ông Hùng, nếu điều chỉnh lương tối thiểu từ 2 triệu đồng lên 2,7 triệu đồng/ tháng, “có thể một số doanh nghiệp FDI vẫn chi trả được, song nhiều doanh nghiệp rất có thể phải… đóng cửa hoặc chuyển đi nơi khác”.

Ngược lại, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Hà Nội lại bảo vệ quyền lợi cao nhất cho người lao động bằng cách ủng hộ điều chỉnh lương theo phương án 1. Ông Đặng Minh Thuần, Phó Chủ tịch LĐLĐ Hà Nội cho biết, chúng ta đang lo ngại cho “sức chịu đựng”, khả năng chi trả của các doanh nghiệp khi lương tăng song thực tế là bản thân các doanh nghiệp cũng đồng tình quan điểm cho rằng lương tối thiểu phải đảm bảo được đời sống tối thiểu cho người lao động. “Mới đây tôi cùng đại diện Bộ LĐ-TB&XH có dự cuộc họp giải quyết về mâu thuẫn lao động ở Hà Nội, tại đó nhiều doanh nghiệp FDI có vốn nước ngoài thẳng thắn cho rằng họ sẵn sàng trả lương tối thiểu theo quy định của Chính phủ” - ông Thuần chia sẻ.

Các địa phương tập trung nhiều KCN-KCX ở miền Bắc cũng có những quan điểm trái chiều. Chẳng hạn, LĐLĐ tỉnh Vĩnh Phúc bày tỏ quan điểm ủng hộ điều chỉnh lương theo phương án 2 với lập luận, tình hình kinh tế năm 2013 còn khó khăn nên tăng chậm, đến năm 2014 nếu kinh tế khởi sắc hơn thì thực hiện tăng nhanh. Trong khi đó, LĐLĐ tỉnh Bắc Ninh lại ủng hộ việc điều chỉnh lương theo phương án 1 với lý do đời sống của công nhân lao động hiện đang rất khó khăn do lương không đủ sống, mức lương được đóng bảo hiểm rất thấp…

Lương mới đáp ứng 60% nhu cầu

Khảo sát của Tổng LĐLĐ Việt Nam cho thấy, lương tối thiểu của người lao động trong các loại hình doanh nghiệp đã được tăng đến 200% trong vài năm trở lại đây, song mới chỉ đảm bảo được khoảng 58-60% nhu cầu đời sống tối thiểu cho họ. Bộ luật Lao động của nước ta đặt mục tiêu đến năm 2013, lương tối thiểu của người lao động phải đủ sống nhưng mục tiêu này khó khả thi.

Vì thế, Kết luận 23 của Trung ương Đảng đặt mục tiêu đến năm 2015 sẽ đảm bảo được đời sống tối thiểu cho người lao động từ lương, lộ trình điều chỉnh lương tối thiểu từ nay đến 2015 phải hướng đến mục tiêu này.

Ông Phạm Văn Tuấn, Ban Chính sách pháp luật - Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, quan điểm của Tổng LĐLĐ ủng hộ điều chỉnh lương tối thiểu năm 2013 theo phương án 1, bởi nếu tăng nhỏ giọt theo như phương án 2 thì cộng thêm trượt giá, đến năm 2015 đời sống người lao động vẫn không cải thiện được gì. “Tất nhiên tăng lương tối thiểu như phương án 1, doanh nghiệp sẽ khó khăn hơn nhưng muốn giảm gánh nặng này thì Chính phủ phải có các gói giải pháp hỗ trợ về chính sách tài khóa, tiền tệ như giảm thuế, miễn thuế, kích cầu cho sản xuất, kích cầu tiêu dùng… chứ không phải cứ để người lao động khốn khó mãi” - ông Tuấn phân tích.

Ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH chỉ ra, lương tối thiểu của người lao động không đủ sống nhưng ngay cả khi tăng lương, chưa chắc đã cải thiện đời sống cho họ nếu không có các giải pháp đồng bộ. Các mức lương của chúng ta đều bám quanh lương tối thiểu nên nếu điều chỉnh lương tối thiểu thì các mức lương khác cũng ảnh hưởng theo. Chẳng hạn, hiện lương tối thiểu thấp, nhiều doanh nghiệp giữ chân lao động bằng cách tăng các khoản phụ cấp, trợ cấp ngoài lương, nếu lương tăng thì chưa chắc các khoản phụ cấp sẽ tăng, thậm chí còn bị cắt giảm đi. Mặt khác, ở các lần điều chỉnh lương trước đây luôn xuất hiện tình trạng “lương và giá chạy theo nhau”, lương tăng thì giá các mặt hàng cũng tăng theo, vật giá đều “té nước theo mưa”, khiến khoản lương tăng chẳng thấm tháp vào đâu.

Cũng theo ông Huân, kể từ năm 2013 nước ta sẽ có Hội đồng Tiền lương quốc gia. Khi đó việc điều chỉnh lương tối thiểu không còn kiểu lấy ý kiến như hiện nay. Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ điều hành như một trọng tài cho tranh luận giữa 2 bên là đại diện cho người lao động và giới chủ để đưa đến mức điều chỉnh lương phù hợp hơn.