Lương tối thiểu vẫn chưa đáp ứng được 100% nhu cầu cơ bản của người lao động
Người lao động lo lắng
Trước khả năng lương cơ bản sẽ giữ nguyên ở mức 1,05 triệu đồng/tháng thay vì được tăng lên mức 1,3 triệu đồng/tháng, những người lao động hưởng lương lại một lần nữa phải tính toán thắt chặt hơn nữa các khoản chi tiêu dù đã cố gắng thắt chặt trước đó. Anh Vũ Nhật Linh - viên chức làm việc tại một đơn vị giáo dục chia sẻ: “Cũng là người lao động nhưng lương tối thiểu của khu vực doanh nghiệp dự kiến tăng mức thấp nhất từ 1,4 triệu lên 1,7 triệu đồng, cao nhất là từ 2 triệu lên 2,4 triệu đồng vào năm 2013. Trong khi những người lao động như chúng tôi cũng phải chi tiêu rất nhiều khoản, đặc biệt là những người đã lập gia đình thì mức thu nhập hiện nay rất khó đáp ứng được các nhu cầu cơ bản. Lương dậm chân tại chỗ còn giá cả không ngừng tăng, tôi cũng chưa biết nên xoay xở thế nào”.
Cùng nỗi lo lắng như anh Linh, chị Dương Thu Thảo - công tác tại một đơn vị cấp sở tính toán: “Với mức lương chưa tới 5 triệu đồng mà phải chi đủ các khoản từ chợ búa hàng ngày, mua sữa cho con, tiền thuê nhà, xăng xe điện thoại… Mặc dù cũng đã cố gắng chỉ chi tiêu vào những thứ cần thiết nhất nhưng vẫn thấy eo hẹp”.
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, lương cơ bản chỉ đáp ứng được 65% nhu cầu cơ bản của người lao động. Các chuyên gia cho rằng, nếu tiền lương không đủ sống thì cán bộ, công chức hoặc lãn công hoặc tranh thủ kiếm thêm bên ngoài. Cuối cùng thì mặt bằng của đời sống vẫn phải được tái lập, nếu không phải bằng tiền lương thì sẽ bằng những hình thức khác. Điều đó dẫn tới việc thiếu kiểm soát về tiền bạc, trong khi đó một xã hội minh bạch, đàng hoàng thì ngày càng phải kiểm soát được thu nhập của mọi tầng lớp nhân dân.
Lấy gì đảm bảo 2014 không khó khăn?
Đánh giá về đề xuất hoãn tăng lương tối thiểu năm 2013 theo lộ trình, TS. Trịnh Hòa Bình đặt câu hỏi: “Nếu như giới chức trách nói rằng do khó khăn nên không thực hiện lộ trình tăng lương trong năm 2013 thì có gì đảm bảo năm 2014 không khó khăn như năm 2013? Và nếu năm 2015 lại tiếp tục khó khăn hơn thì thôi luôn hay sao?”.
Khi lương cơ bản không tăng mà giá cả tăng thì người lao động sẽ phải đi tìm những nguồn thu nhập bổ sung và như vậy nảy sinh ra những cách thức tìm thêm thu nhập từ chính đáng đến không chính đáng. Đặt ra lộ trình mà không thực hiện sẽ gây mất niềm tin của người lao động. Người lao động không phấn khởi, năng suất, hiệu suất lao động cũng sẽ kém đi. Từ những người lao động chính bị ảnh hưởng cũng sẽ ảnh hưởng tới gia đình của họ, một đội ngũ lớn trong xã hội.
Việc tiết kiệm chi tiêu công được đặt ra nhưng hiệu quả chưa rõ ràng, nhiều công trình được đổ hàng nghìn tỷ đồng để xây dựng nhưng xây xong lại không sử dụng, hoặc có những công trình không quá cấp thiết nhưng vẫn duyệt chi để xây thì đó cũng là lãng phí. “Từ lãng phí dẫn tới câu chuyện không đủ nguồn lực để giải quyết tăng lương cơ bản tối thiểu theo lộ trình là một thái độ thiếu trách nhiệm”, TS. Trịnh Hòa Bình thẳng thắn nhìn nhận.
Về giải pháp, TS. Trịnh Hòa Bình cho rằng: “Cần thiết phải tiết giảm những khu vực nào đó để tăng lương, củng cố niềm tin của cán bộ công nhân viên chức, của những người làm công ăn lương vốn dĩ cũng có mức sống rất thấp. Ở tầm vĩ mô gặp khó khăn thì có phải vi mô không gặp khó khăn đâu. Thay vì tăng 250.000 đồng thì có phương án tăng 150.000 đồng thôi… có nhiều cách lựa chọn chứ không phải chỉ có phương án không hoặc có. Việc không tăng lương cơ bản theo lộ trình là không ổn. Cho dù gặp khó khăn thì không nhất thiết phải có bước nhảy như kế hoạch mà cần có giải pháp “mềm” hơn. Còn nếu nói không có điều kiện nên không thực hiện thì cái đó là thiếu trách nhiệm”.
Tuy nhiên, chúng ta cũng phải nhìn thẳng vào sự thật rằng đội ngũ hưởng lương vẫn rất lớn, những người làm việc chuyên môn thì ít trong khi bộ máy lại rất cồng kềnh. Các chuyên gia cho rằng, việc tăng lương cần đi đôi với việc thanh lọc đội ngũ.