Bốn luật mới đi vào cuộc sống

Đảm bảo quyền lợi cho người yếu thế

ANTĐ - Từ 1-7, 4 bộ luật có hiệu lực thi hành, đó là Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Lưu trữ, Luật Đo lường. Ngoài một số những quy định cơ bản, những bộ luật này cũng bổ sung những điểm mới, nhằm phù hợp với thực tiễn cuộc sống, đảm bảo quyền và nghĩa vụ của người dân. 

Sai phạm về đo lường sẽ bị xử phạt nặng. (Ảnh minh họa)


Quy định rõ trách nhiệm

Với 8 chương, 70 điều, Luật Khiếu nại quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của người khiếu nại và người giải quyết khiếu nại. Trong đó, khiếu nại không có chữ ký hoặc điểm chỉ của người khiếu nại thì không được thụ lý giải quyết. Đối với việc tiếp công dân, Luật quy định, Chủ tịch UBND cấp xã tiếp công dân mỗi tuần ít nhất một ngày. Cấp huyện tiếp công dân mỗi tháng ít nhất hai ngày. Cấp tỉnh và thủ trưởng các cơ quan Nhà nước tiếp mỗi tháng ít nhất một ngày.

Ngoài ra, người đứng đầu cơ quan, tổ chức phải tiếp công dân khi có yêu cầu cấp thiết… Luật Tố cáo gồm 8 chương và 50 điều, quy định một số nội dung mới về công khai nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm tố cáo, trong đó dành hẳn chương 5 về bảo vệ người tố cáo. So với các quy định trước đây, Luật Tố cáo bổ sung một số quyền của người tố cáo như: “Có quyền được nhận thông báo kết quả giải quyết tố cáo yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý người cố ý giải quyết tố cáo trái pháp luật; được xin lỗi, cải chính công khai do việc tố cáo, giải quyết tố cáo không đúng gây ra”. Bên cạnh đó, Luật cũng bổ sung nhiều quyền cho người tố cáo như được giữ bí mật họ, tên, địa chỉ, bút tích và thông tin cá nhân khác và các cơ quan nhà nước có trách nhiệm thực hiện các biện pháp để bảo đảm quyền này của người tố cáo. Trong trường hợp người tố cáo thấy không cần thiết giữ bí mật và muốn công khai họ, tên, địa chỉ của thì họ có thể tự mình chủ động thực hiện điều đó hoặc báo cho cơ quan, tổ chức có liên quan để công khai theo yêu cầu của họ...

Với 7 chương và 42 điều, Luật Lưu trữ quy định rõ theo các nguyên tắc quy định về quản lý công tác lưu trữ ở các cấp, các ngành và các địa phương. Với mục đích phát huy tối đa tài liệu lưu trữ, thông tin tài liệu lưu trữ và đảm bảo quyền tiếp cận thông tin, tài liệu phông lưu trữ quốc gia của các cơ quan, tổ chức và cá nhân, lần đầu tiên Luật quy định: “Tài liệu lưu trữ tại các lưu trữ lịch sử được sử dụng rộng rãi, trừ tài liệu thuộc danh mục hạn chế sử dụng và danh mục tài liệu có đóng dấu chỉ mức độ mật”. 

Theo Luật Lưu trữ mới, cá nhân, gia đình, dòng họ được đăng ký thuộc Phòng lưu trữ quốc gia Việt Nam những tài liệu có giá trị phục vụ hoạt động thực tiễn, nghiên cứu khoa học, lịch sử đối với quốc gia, xã hội. Cá nhân có tài liệu có quyền hiến tặng, ký gửi tài liệu cho lưu trữ lịch sử, thỏa thuận việc mua bán tài liệu; được ưu tiên sử dụng tài liệu đã hiến tặng, cho phép người khác sử dụng tài liệu ký gửi tại lưu trữ lịch sử, nhưng không được xâm hại an ninh quốc gia, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Công khai doanh nghiệp sai phạm

Bên cạnh những điểm mới của 3 bộ luật trên được dư luận đón nhận và chờ đợi, thì Luật Đo lường là bộ luật khiến người dân hào hứng và quan tâm hơn cả. Bởi lẽ, bộ luật này được xem là thước đo pháp lý đảm bảo quyền lợi cho người dân khi mua bán, giao dịch hàng hoá, những sản phẩm thiết yếu phục vu sinh hoạt hàng ngày. Điều này sẽ giúp người dân tiết kiệm chi phí trước những khó khăn của nền kinh tế.

Bà Trần Thu Hà, ở phường Ngọc Lâm, quận Long Biên chia sẻ: “Hiện nay, vấn đề mà người dân chúng tôi quan tâm nhiều nhất đó là hiện tượng “cân điêu” của những người bán hàng tại các khu chợ. Mặc dù, người nội trợ phải trả tiền cho con cá, cân thịt,…trên khối lượng thực tế, song khó lòng mà biết được người bán có cân đủ, cân chính xác thực phẩm đó hay không. Nhiều khi, tôi phải trả tiền để mua 1 kg thịt cho người bán hàng ngoài chợ, nhưng về đến nhà cân lại chỉ còn 800 – 900 gam. Bực mình, nhưng cũng không biết phải làm gì, biết khiếu nại ở đâu. Cuối cùng chỉ có người mua là chịu thiệt thòi”

Những lo lắng của người tiêu dùng sẽ được Luật Đo lường mới quy định trong trường hợp người có hành vi vi phạm hành chính về đo lường sẽ bị xử lý vi phạm hành chính, phạt tiền bằng từ 1 đến 5 lần số tiền thu lợi bất chính. Cá nhân, tổ chức vi phạm còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung, thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả và thực hiện các quy định khác của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Đặc biệt, lần đầu tiên việc xã hội hóa các dịch vụ kỹ thuật liên quan đến đo lường như kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường được quy định cụ thể tại Luật này.

Anh Nguyễn Hoàng Hà, Giám đốc công ty kinh doanh bất động sản trên địa bàn quận Hoàn Kiếm cho rằng: “Đảm bảo chất lượng, định lượng hàng hoá khi người tiêu dùng phải trả bằng tiền để mua được những sản phẩm mà mình sử dụng là điều hoàn toàn công bằng. Song thực tế hiện nay cho thấy, nhiều cây xăng còn làm ăn gian dối để “ăn chặn” của người dân là điều rất đáng buồn. Nhiều hôm tôi đổ xăng cùng một số tiền, nhưng mỗi cây xăng lại cho ra những kết quả khác nhau, chỗ đầy, chỗ vơi, nhìn chung là không nơi nào giống nơi nào. Tôi cho rằng cần thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân về những sai phạm của họ để người dân được hưởng quyền lợi chính đáng và doanh nghiệp cũng làm ăn nghiêm chỉnh hơn”.

Theo Luật đo lường mới, trong trường hợp phát hiện tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm nghiêm trọng pháp luật về đo lường hoặc sau khi đã yêu cầu thực hiện các biện pháp khắc phục mà tổ chức, cá nhân đó vẫn tiếp tục vi phạm thì đoàn kiểm tra được quyền yêu cầu dừng ngay hành vi vi phạm, niêm phong chuẩn đo lường, phương tiện đo, hàng đóng gói sẵn không phù hợp quy định, đồng thời báo cáo ngay với cơ quan thực hiện kiểm tra nhà nước về đo lường để kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý. Trong việc xử lý có biện pháp công khai trên phương tiện thông tin đại chúng tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân và những sai phạm.

Phạt tiền từ 1-5 lần số tiền thu lợi bất chính

Đây là lần đầu tiên việc xã hội hóa các dịch vụ kỹ thuật liên quan đến đo lường như kiểm định, hiệu chuẩn, chuẩn đo lường được quy định cụ thể trong nội dung của Luật Đo lường. Luật cho phép các cơ quan quản lý nhà nước về đo lường chủ động tiến hành kiểm tra, cảnh báo cho người tiêu dùng, kiến nghị xử lý vi phạm và công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng những vi phạm về đo lường. Đặc biệt, Luật Đo lường 2011 đã có quy định về mức phạt tiền từ 1 - 5 lần số tiền thu lợi bất chính trong suốt quá trình vi phạm mà có. Những trường hợp kiểm định phương tiện đo lường như đồng hồ đo điện, nước, taxi là đối tượng cần có sự kiểm định đối chứng nhằm mục đích thay đổi tổ chức kiểm định. Ví dụ việc kiểm định đồng hồ nước, thay vì một tổ chức kỹ thuật đã kiểm định lần trước thì một tổ chức độc lập khác sẽ có nhiệm vụ kiểm định định kỳ. Làm như vậy sẽ tránh được tình trạng đơn vị kiểm định với đối tượng được kiểm định hợp tác với nhau để chỉnh sửa cho sai lệch phương tiện đo theo hướng bất lợi cho một bên nào đó. Ngoài biện pháp tăng mức xử phạt bằng tiền, truy thu số tiền gian lận, trong Luật cũng bổ sung một số chế tài khác như đình chỉ kinh doanh có thời hạn, vĩnh viễn hoặc xử lý hình sự tuỳ theo mức độ vi phạm đối với các hành vi cố tình tái phạm gian lận về đo lường và gian lận về đo lường với giá trị lớn. Theo quy định của Luật mới, biện pháp thực hiện lấy mẫu để kiểm tra trước khi xuất trình quyết định sẽ được triển khai. Đây là hình thức tổ chức kiểm tra “bí mật” mà nhiều nước trên thế giới đã áp dụng. Hình thức này sẽ thực sự hiệu quả đối với các cuộc kiểm tra về tình hình gian lận xăng dầu. 

Ông Vũ Hồng Dương  (Thư ký Thứ Trưởng Bộ Tư pháp)

Thể hiện tính nhân văn sâu sắc

Nếu như trước đây Luật khiếu nại, tố cáo chỉ quy định người khiếu nại có quyền nhờ luật sư giúp đỡ về pháp luật trong quá trình khiếu nại thì Luật Khiếu nại năm 2011 quy định người khiếu nại được nhờ lLuật sư tư vấn về pháp luật hoặc ủy quyền cho luật sư khiếu nại để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Theo tôi, đây là một điểm mới, tiến bộ nhằm giúp cho người khiếu nại vốn “yếu thế” ít hiểu biết pháp luật được trợ giúp, nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, có thể ủy quyền toàn bộ cho luật sư thay mặt mình để tham gia giải quyết khiếu nại. Luật cũng quy định trong trường hợp người khiếu nại là người được trợ giúp pháp lý thì được nhờ trợ giúp viên pháp lý tư vấn hoặc ủy quyền cho họ khiếu nại để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Đây là quy định thể hiện tính nhân văn sâu sắc của nhà nước ta quan tâm đến các đối tượng chính sách, người nghèo, người già yếu cô đơn, đồng bào dân tộc thiểu số…Tôi cũng đặc biệt lưu ý đến quy định cho phép người khiếu nại có quyền yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan đang lưu giữ, quản lý thông tin, tài liệu liên quan tới nội dung khiếu nại, cung cấp tài liệu trong thời hạn 7 ngày (trừ thông tin, tài liệu thuộc bí mật nhà nước). Quy định này đã tạo điều kiện thuận lợi cho người khiếu nại tiếp cận với những tài liệu chứng cứ liên quan đến việc khiếu nại để làm cơ sở cho việc khiếu nại của mình – điều mà từ trước đến nay người khiếu nại thường bị làm khó. Hi vọng với những quy định tiến bộ và đầy tính nhân văn này, Luật Khiếu nại sẽ nhanh chóng đi vào cuộc sống.

Bà Trần Thị Mai (Cán bộ Công ty Cổ phần Bất động sản dầu khí)

Nhiều điểm mới ở Luật Tố cáo và Luật Lưu trữ

Luật Tố cáo năm 2011 quy định cụ thể và đầy đủ hơn về quyền và nghĩa vụ của người tố cáo, người bị tố cáo. Luật đã bổ sung thêm một số quyền của người tố cáo như quy định việc giữ bí mật họ, tên, địa chỉ, bút tích và thông tin cá nhân khác là quyền đương nhiên của người tố cáo. Luật cũng bổ sung quy định người bị tố cáo có quyền được nhận thông báo kết quả giải quyết tố cáo; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý người cố ý giải quyết tố cáo trái pháp luật; được xin lỗi, cải chính công khai do việc tố cáo, giải quyết tố cáo không đúng gây ra. Kế thừa quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo năm 1998, nguyên tắc xác định thẩm quyền giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ được Luật Tố cáo quy định cụ thể hơn. 

Còn đối với Luật Lưu trữ, lần đầu tiên Luật này quy định thời hạn được phép sử dụng rộng rãi đối với tài liệu có đóng dấu chỉ các mức độ mật. Cụ thể: sau 40 năm kể từ năm công việc kết thúc đối với tài liệu có dấu mật nhưng chưa được giải mật; sau 60 năm kể từ năm công việc kết thúc đối với tài liệu đóng dấu tối mật, tuyệt mật nhưng chưa được giải mật. Đặc biệt, quyền sở hữu đối với tài liệu lưu trữ đã được xác định bằng quy định: Nhà nước bảo đảm ngân sách, nguồn nhân lực trong việc bảo vệ, bảo quản an toàn, sử dụng có hiệu quả tài liệu phông lưu trữ quốc gia Việt Nam… Một điểm quan trọng nữa là Luật đã quy định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về lưu trữ. Nhằm ngăn chặn các hành vi làm phương hại đến tài liệu lưu trữ quốc gia, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân, Luật đã quy định cụ thể các hành vi bị cấm như cấm chiếm đoạt, làm hỏng, làm mất  tài liệu lưu trữ; làm giả, sửa chữa, làm sai lệch nội dung tài liệu lưu trữ; mua bán, chuyển giao, sử dụng tài liệu lưu trữ vào mục đích xâm hại lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, mang tài liệu lưu trữ ra nước ngoài trái phép…

Ông Hoàng Huy Được (Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư Hà Nội)