Chiều nay, bão số 5 đổ bộ vào Hải Phòng - Nam Định

ANTĐ - Chưa bao giờ, hiện tượng 3 cơn bão liên tiếp tấn công đất liền nước ta lại xảy ra như tình thế hiện nay. Bão số 5 (Nesat) sẽ đổ bộ vào đất liền khu vực đồng bằng Bắc bộ hôm nay 30-9, trong khi đó, bão Nalgae cường độ cấp 10-11 đang tiến vào Biển Đông.
Chiều nay, bão số 5 đổ bộ vào Hải Phòng - Nam Định ảnh 1
Bộ chỉ huy biên phòng tỉnh Quảng Ninh kêu gọi tàu thuyền vào tránh bão


Bão số 5 gây mưa lớn diện rộng

Ông Nguyễn Xuân Diệu Chánh văn phòng BCĐ PCLB&TKCN Trung ương cho biết, trọng tâm bão số 5 đổ bộ sẽ là các tỉnh đồng bằng Bắc bộ và trung du miền núi phía Bắc. Ông Diệu cho biết, hiện khu vực này đang có hơn 1 triệu ha lúa mùa muộn còn xanh. Do đó, cần tập trung tiêu nước đệm, tránh gây ngập úng. Điện lực phải ưu tiên cho các trạm bơm tiêu úng cứu lúa.

Ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, vào chiều qua 29-9, bão số 5 đã tiến sát đảo Hải Nam và Lôi Châu (Trung Quốc), cường độ đạt cấp 12-13, giật cấp 14-15. Hiện bão số 5 vẫn di chuyển ổn định về hướng và cường độ, đến nửa đêm cùng ngày, bão số 5 tiến vào Vịnh Bắc bộ.

Theo dự báo của Trung tâm DBKTTV Trung ương, khoảng từ 13-16h chiều nay 30-9, bão số 5 sẽ đổ bộ vào đất liền. Vùng trọng tâm dự kiến là các tỉnh đồng bằng Bắc bộ, từ Hải Phòng đến Nam Định. “Đáng lưu ý, cơn bão này sau khi đổ bộ đi sâu vào đất liền vẫn còn tương đối mạnh. Do đó, vùng trung du miền núi phía Bắc có gió cấp 5-6, trục bão đi qua cấp 8-9 kèm theo mưa”, ông Tăng cho biết.

Về mưa trong và sau bão số 5, theo ông Tăng, mưa sẽ kéo dài trong vòng 3 ngày. Từ hôm nay, mưa sẽ diễn ra trên diện rộng các tỉnh ven biển, đồng bằng Bắc bộ. Lượng mưa tương đối đều, khoảng 100mm, nhiều nơi từ 300-400mm. Sau ngày 1-10, cường độ mưa giảm do sau khi bão vào có một đợt không khí lạnh mạnh tràn xuống. Hình thái thời tiết kết hợp này sẽ khiến mưa ở miền Bắc kéo dài hơn. Khu vực miền Trung, từ ngày 1-10 sẽ mưa trở lại.

Trong khi khắp các tỉnh miền Bắc, miền Trung đang căng mình để đón bão số 5 thì cơn bão Nalgae vào chiều 29-9 chỉ còn cách đảo Luzon (Philippines) khoảng 1.000km. Ông Tăng lo ngại: “Theo dự báo  bão Nalgae di chuyển rất ổn định theo hướng Tây Nam. Vào ngày 3-10 bão sẽ đi vào giữa Biển Đông, khả năng cao sẽ đâm thẳng vào nước ta. Khi vào giữa Biển Đông, bão Nalgae đạt cấp 12-13. Song cường độ lúc bão đổ bộ vào đất liền có thể thay đổi và cũng chưa xác định được trọng tâm bão sẽ vào đâu”.


Hoàn thành di dân trước 9h sáng nay

Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng cho biết, tàu Bình Minh trên đường vào Thanh Hóa tránh bão đã bị gãy bánh lái. Lực lượng cứu hộ vẫn chưa tiếp cận được. Trên tàu có 39 thuyền viên.

Trước tình hình bão dồn bão, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, bão số 5 là một cơn bão mạnh, đổ bộ vào nước ta, bão số 5 vẫn giữ nguyên cường độ cấp 11-12, giật cấp 13-14. Thêm vào đó, bão đổ bộ trùng thời điểm triều cường, nên sóng biển có thể dâng cao từ 3-5m. “Tôi yêu cầu các tỉnh, thành coi đây là cơn bão mạnh, nguy hiểm, vì vậy phải quyết liệt trong chỉ đạo”, Phó Thủ tướng yêu cầu. Những vùng đông dân cư dễ ngập úng phải di dân hoàn thành trước 9h sáng nay. Bộ Giáo dục và cáctỉnh, thành căn cứ theo tình hình địa phương để cho học sinh nghỉ học.

Phó Thủ tướng lưu ý, các tỉnh miền Bắc do lâu không có bão, lũ lớn nên dễ nảy sinh tâm lý chủ quan từ cán bộ tới nhân dân. Do đó, Phó Thủ tướng phân công 4 đoàn công tác đi các tỉnh ĐBSCL, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình và Nam Định để chỉ đạo phòng chống bão lũ.

Hà Nội sẵn sàng ứng phó

Ông Đỗ Đức Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và PCLB Hà Nội cho biết:
Trong ngày hôm qua 29-9, UBND TP đã có công điện khẩn gửi BCH PCLBU các quận huyện, các công ty thủy lợi, công viên cây xanh, Công ty Thoát nước Hà Nội yêu cầu triển khai các phương án phòng chống lụt bão đã dược phê duyệt. Văn phòng BCH PCLBU Hà Nội từ hôm nay 30-9, tăng cường ứng trực, các điếm canh đê trên địa bàn cũng phải ứng trực 24/24h.
- Các tuyến đê xung yếu trên địa bàn TP có gì đáng ngại không thưa ông?
- Ông Đỗ Đức Thịnh: Các tuyến đê xung yếu như sông Hồng, Đuống, Cà Lồ… hiện nước đang rất kiệt. Nên về khách quan mà nói, các tuyến đê xung yếu không có gì đáng lo ngại. Vấn đề đáng lo ngại nhất nếu bão số 5 đổ bộ gây mưa lớn sẽ gây ra úng ngập nội đồng và nội thành. Hiện, khu vực nội đồng phần lớn trà lúa mùa của nông dân vẫn chưa được thu hoạch, nếu mưa gây úng ngập dễ làm hư hỏng. Còn úng ngập nội thành sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày cũng như cuộc sống của người dân.
- Vậy BCH PCLBU TP có phương án cụ thể thế nào để ứng phó với 2 tình huống này?
- Ông Đỗ Đức Thịnh: BCH PCLBU TP đã có công điện yêu cầu các công ty khai thác công trình thủy lợi chuẩn bị sẵn sàng máy móc, thiết bị để ứng phó trong trường hợp mưa lớn gây ngập úng. Bơm tiêu nước đệm, các hồ, đập phải tháo nước đệm.
Còn đối với úng ngập nội thành thì Công ty Thoát nước Hà Nội triển khai các phương án chống úng ngập. Các trạm bơm Yên Sở, Đồng Bông 1, Đồng Bông 2 đã sẵn sàng. Đặc biệt, trạm bơm Yên Sở - một trong những trạm bơm chính, lúc nào cũng trong trạng thái vận hành cao, máy móc chuẩn bị đảm bảo để sẵn sàng tiêu thoát nước khi có mưa lớn xảy ra.
- Về phương tiện, vật tư PCLB thì sao?
- Ông Đỗ Đức Thịnh: phương tiện PCLB như xuồng, phao cứu hộ, đá, vật tư… đã trong trạng thái sẵn sàng, được giao cho từng đơn vị quản lý, sử dụng.
Bão Nesat gây thiệt hại nặng nề

Ngày 29-9, bão Nesat đổ bộ vào đảo Hải Nam của Trung Quốc sau khi quét qua khu đặc chính Hồng Kông và gây thiệt hại nặng nề ở Philippines hồi tuần trước. Đây là cơn bão được xem là mạnh nhất đổ bộ vào Trung Quốc trong năm nay.

Bão Nesat đã đổ bộ vào đảo Hải Nam vào lúc 14h30 với cường độ 151km/h  khiến nhà chức trách phải yêu cầu đóng cửa các trường học, hệ thống tàu phà cũng phải tạm dừng hoạt động. Khoảng 67 chuyến bay tại hai sân bay chính ở đảo Hải Nam cũng bị hoãn. Nhà chức trách đảo Hải Nam đã phải sơ tán 58.000 người trước khi bão đổ bộ.

Trước đó cùng ngày, bão Nesat đã quét qua Hồng Kông với sức gió 120km/h kèm theo mưa lớn cùng với những cơn sóng dữ dội khiến khu vực này bị tê liệt. Chính quyền khu đặc chính này đã phải liên tục ban hành một loạt mức độ cảnh báo bão. Các trường học, thị trường tài chính, doanh nghiệp và cơ quan chính phủ đã đồng loạt đóng cửa. Những con phố của trung tâm tài chính châu Á  này thường ngày vốn đông đúc giờ vắng bóng người. Đã có ít nhất 2 người bị thương vì gió mạnh gây đổ giàn giáo đè bẹp chiếc xe taxi, một người đàn ông khác cũng bị thương do cây đổ.

Trước đó, bão Nesat đổ bộ vào Philippines gây thiệt hại nặng nề với ít nhất 35 người thiệt mạng và 45 người khác bị mất tích. Cơn bão cũng gây ra ngập lụt tồi tệ nhất trong vòng hơn 1 thập kỷ qua tại Thủ đô Manila, khiến hàng chục nghìn người phải sơ tán. Trong khi đó, một cơn bão khác có tên Nalgea chỉ cách đảo Luzon 1.350km về phía đông. Theo dự báo, bão Nalgea hiện đang di chuyển với sức gió 100km/h sẽ đổ bộ vào Philippines vào ngày 1-10.