Trong ngày 18/7 các đơn vị nghiệp vụ của sở Cảnh sát PCCC TP.HCM đang phối hợp cùng cơ quan chức năng quận 9, TP.HCM khám nghiệm hiện trường nhằm làm rõ nguyên nhân cũng như thống kê mức độ thiệt hại của vụ cháy xảy ra đêm 17/7 tại chùa Hội Sơn (số 1A1 đường Nguyễn Xiển, phường Long Bình, quận 9, TP.HCM). Theo đương kim trụ trì chùa Hội Sơn, là đại đức Thích Thiện Hảo thì “thiệt hại từ vụ cháy là không thể nào tính được”.
Chùa Hội Sơn trên 200 năm tuổi, bây giờ chỉ còn là lớp tro tàn
Theo thông tin ban đầu và xác nhận của đại đức Thích Thiện Hảo, khoảng 21h đêm 17/7 khu vực chánh điện của chùa bị mất điện; trong khi đó khu vực xung quanh và nhà dân gần đó vẫn sáng đèn.
Đến khoảng gần 22h thì bất ngờ ngôi chùa rơi vào tình trạng báo động khi có nhiều tiếng kêu la thông báo chánh điện của chùa bị cháy. Do vị trí chánh điện của chùa nằm ở nơi cao, bị mất điện nên công tác chữa cháy của lực lượng tại chỗ gặp khó khăn; đồng thời khu vực chánh điện toàn bằng gỗ cho nên ngọn lửa bén vào bùng phát dữ dội, trở thành biển lửa.
Kinh phật có giá trị vô giá cũng bị hư hại nghiêm trọng
Ngay sau khi tiếp nhận tin báo, phòng cảnh sát PCCC quận 9 đã điều động hàng chục lượt xe chuyên dụng cùng gần trăm cán bộ chiến sĩ đến hiện trường để triển khai công tác cứu chữa. Gần 30 phút sau khi có mặt tại hiện trường, lực lượng chuyên nghiệp đã khống chế hoàn toàn ngọn lửa, tuy nhiên toàn bộ chánh điện của chùa Hội Sơn có diện tích khoảng 200m2 đã bị thiêu trụi hoàn toàn.
Bên trong chánh điện có chứa nhiều cổ vật và tài sản có gia trị như: 30 tượng phật cổ, 15 bàn thờ, hàng trăm bộ kinh phật cổ, 6 thùng công đức… đã bị thiêu trụi hoặc hư hại nghiêm trọng. Theo đại đức Thích Thiện Hảo thì những tài sản nói trên là vô giá.
Được biết chùa Hội Sơn còn có tên gọi khác là Khánh Long, là tên vị hòa thượng thành đạo, người đã có công khai lập và trụ trì ngôi chùa này từ cuối thế kỷ 18. Từ khi khai lập cho đến nay chùa đã trải qua 13 đời sư trụ trì. Từ đó đến nay chùa có 1 lần được trùng kiến, mở rộng và 4 lần trùng tu.
Có thể nói chùa Hội Sơn là quần thể giao thoa kiến trúc và tín ngưỡng văn hóa Việt, Hoa, Kh’mer. Đến năm 1993 chùa được xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.