Trải lòng của nữ đại gia bất động sản khi ngồi trong trại giam

ANTĐ - Vào nhà giam đối với tôi không hoàn toàn là đắng cay, đau đớn bởi "thuốc đắng dã tật" và đó là liều thuốc đắng nhất mà tôi đã từng uống để mang bình yên đến từ tận trong tâm.

Suy cho cùng, cuộc đời con người, ai cũng có lúc đỉnh cao, ai cũng có lúc rơi xuống vực, nên không thể cứ mãi đau khổ về việc mình tụt dốc được. Chúng ta ai cũng có lúc làm tốt, ai cũng có lúc làm những việc tồi tệ nhưng mình phải biết nhìn ra, đó là chuyện đương nhiên trong xã hội với như dòng xoáy cuộc đời, nếu rơi phải vòng xoáy nào thì mình phải chấp nhận, cố gắng khắc phục và vươn lên để sống. Những việc đã qua rồi, giờ dẫu có hối hận cũng không thể thay đổi được quá khứ nữa. Vào nhà giam đối với tôi không hoàn toàn là đắng cay, đau đớn bởi "thuốc đắng dã tật" và đó là liều thuốc đắng nhất mà tôi đã từng uống để mang bình yên đến từ tận trong tâm.

Tôi tên là Phan Thị Tám, sinh năm 1957 tại Đồng Tháp. Tốt nghiệp trường Cao Đẳng sư Phạm của tỉnh, tôi làm giáo viên dạy văn tại một trường cấp 2 của thị trấn. Lấy chồng cũng làm giáo viên nên cuộc sống gia đình tôi bình yên lắm. Thế nhưng ngày đó, lương giáo viên còn thấp nên cuộc sống của hai vợ chồng và hai đứa con nhỏ rất bấp bênh. Vốn yêu thích việc may vá thêu thùa nên tôi quyết định nhận việc may vá ngoài giờ để kiếm đồng ra đồng vào để còn có tiền mua sữa cho con.

Chồng tôi bên cạnh việc dạy học cũng phụ giúp vợ để cuộc sống gia đình được đầy đủ hơn. Hơn 2 năm sau, khi bắt đầu có nhiều khách hơn, tích cóp được chút vốn, nhà lại ở mặt phố nên tôi và chồng bàn nhau việc mở tiệm may. Chúng tôi may những bộ áo bà ba, áo dài và comle.

Khi khách đến may đồ ngày càng nhiều, tôi phải thuê thêm người về làm. Dần dà, tiệm may nhỏ của hai vợ chồng tôi đã biến thành xưởng may khá lớn với 15 nhân công. Khách hàng của chúng tôi không chỉ là những khách lẻ mà còn là những công ty, những nhà máy, trường học trên khắp địa bàn tỉnh đặt may đồng phục. Trong đời, tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ làm kinh tế, nhưng rồi vì miếng cơm manh áo, tôi đã làm một cách say sưa. Thế nhưng, khi lợi nhuận quá lớn, con người ta thường bị ảo tưởng và dễ dẫn đến những sai lầm ảnh hưởng đến cả cuộc đời. Sau này, khi đã thất bại, tôi nghiệm ra điều đó.

Công việc làm ăn ngày càng phát đạt, nên mỗi năm, chúng tôi tiết kiệm được hàng trăm triệu. Năm 2000, khi nhu cầu ăn uống giải trí của người dân bắt đầu tăng lên, chồng tôi quyết định mở một nhà hàng lớn và một khách sạn ở khu vực trung tâm của thành phố. Trong khi đó, tôi tiếp tục quản lý và mở rộng xưởng may. Vì cả hai đều bận rộn với việc kinh doanh nên chúng tôi quyết định nghỉ việc dạy học ở trường để tập trung cho việc làm giàu. Chúng tôi lấy tên của hai con trai để đặt tên cho tiệm may và chuỗi nhà hàng, khách sạn của hai vợ chồng là "Song Hải". Tôi lúc nào cũng nghĩ hai vợ chồng tôi có phúc lớn lắm nên không chỉ việc làm ăn của chúng tôi phát đạt mà hai con của chúng tôi cũng học hành giỏi giang và nghe lời ba mẹ.

 

Tôi có thể xấu hổ khí nói về bản thân nhưng chưa bao giờ tôi ngừng tự hào khi nói về các con. Con trai lớn của tôi giờ là một giám đốc doanh nghiệp tại Đồng Tháp và có một gia đình hạnh phúc với người con gái mà nó yêu thương. Con trai thứ hai của tôi vừa tốt nghiệp hạng ưu khoa Ngân hàng tại một trường Đại học ở Sài Gòn. Ngày tôi bị bắt, các con không hề oán thán tôi một câu mà chỉ động viên tôi sống một cách ý nghĩa, dẫu rằng đó là những ngày sống tách biệt với cuộc sống ngoài đời. Chúng là những đứa trẻ có học và rắn rỏi như chính ba mẹ của chúng vậy.

Vì lời con mà tôi có thêm lạc quan và bản lĩnh để sống. "Mẹ hãy sống cho hiện tại, đừng nghĩ về quá khứ mà hãy hướng về tương lai. Nếu tương lai không mỉm cười với mẹ, mẹ vẫn phải chấp nhận, mẹ nhé" - con trai của tôi đã viết cho tôi một bức thư trong tuần đầu tiên tôi ở tù, vỏn vẹn chỉ có 2 câu như thế, nhưng đó là phương châm sống trong những ngày còn lại của cuộc đời tôi.

Khi tôi bước sang tuổi 40, vợ chồng tôi quyết định chuyển lên Đắk Lắk để tiếp tục mở rộng việc kinh doanh. Tôi tiếp tục mở một tiệm may "Song Hải" thứ 2 ở Đắk Lắk và thêm một nhà hàng nữa ở vùng đất Tây Nguyên này. Nếu chúng tôi cứ nhẩn nha kinh doanh như thế, có lẽ giờ đây tôi đã không phải mặc bộ quần áo kẻ sọc này.

Thực ra, giống như xu hướng tích góp của bao nhiêu người khác, mỗi khi có tiền dư là tôi lại mua đất, mua nhà. Đợi khi giá lên, tôi lại bán đi để tiếp tục lấy vốn quay vòng mua những lô đất khác. Có những mảnh đất, tôi dễ dàng kiếm lãi vài trăm triệu chỉ sau 1 vài tháng. Từ việc chỉ mua một vài mảnh nhỏ để sau này cho 2 con lập gia đình có mái nhà yên ấm nhưng vì việc kiếm lãi sau khi bán mỗi mảnh đất quá dễ dàng, tôi bắt đầu nghĩ đến việc kinh doanh bất động sản.

Năm 2002, chồng tôi bị tai biến mạch máu não, sức khỏe yếu, không thể cáng đáng việc kinh doanh nhà hàng nữa nên đã về ở với con trai lớn của chúng tôi ở Đồng Tháp để dưỡng sức. Hai con đã đi làm, đi học và có cuộc sống riêng nên việc kinh doanh chỉ mình tôi tiếp quản. Tôi như say mê hơn với việc kiếm tiền khi mọi thứ đã ở sẵn trong tầm tay. Xưa kia việc kinh doanh kiếm tiền chỉ là để chiến đấu với nỗi lo về miếng cơm manh áo, nhưng khi cuộc sống vật chất của gia đình tôi đã đủ đầy, việc kiếm tiền với tôi là sự ham mê về lợi nhuận có được sau mỗi lần làm ăn, buôn bán.

Năm 2008, nhìn thấy cơ hội kiếm hàng chục tỷ đồng hiện hữu trước mắt, tôi quyết định dồn tất cả vốn liếng để đánh một quả đậm mà không hề nghĩ đến những rủi ro do thị trường bất động sản biến động. Bao nhiêu tiền trong tài khoản, tôi dốc ra hết, bao nhiêu lô đất đã mua, tôi bán hết, nhà may, nhà hàng, khách sạn tôi cũng đem thế chấp để dồn vốn mua lại dự án xây 18 biệt thự và 1 khu nghỉ dưỡng lớn tiêu chuẩn 5 sao trong Đà Nẵng. Tiền cá nhân không đủ, tôi còn thuyết phục một vài người bạn thân góp vốn để sau này chia lợi nhuận.

Thế nhưng, năm 2009, thị trường bất động sản bắt đầu biến động cùng với cuộc suy thoái kinh tế và sự thay đổi một số chính sách vay vốn đầu tư của nhà nước nên hàng loạt những dự án bất động sản, những công trình xây dựng bị ngưng trệ và tê liệt hoàn toàn. Tôi là một con cá đáng thương trong hàng ngàn con cá khác vùng vẫy trong trận bão lũ ấy, dẫu có cố gắng ngoi lên nhưng không thể nào vượt qua được sự khắc nghiệt của thời thế. Những hóa đơn, những bản hợp đồng đã kí không thể thanh toán và giải quyết khiến tôi rơi vào trạng thái hoang mang tột độ. Khi không bán được sản phẩm, việc thu hồi vốn bị ngưng trệ, tôi không trả được hết số nợ mình đã vay. Những người đầu tư vốn dẫu là bạn thân, bạn tốt bao nhiêu năm trời, vì hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên cũng đồng loạt rút hết vốn lại. Việc không có khả năng trả nợ cộng với việc sơ suất về giấy tờ khi làm ăn với bạn bè nên tôi bị kiện ra tòa, bị khép vào tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và phải ngồi tù 15 năm.

Có nhiều phóng viên, nhà báo đã hỏi tôi rằng, tôi có cảm thấy tội lỗi, xấu hổ không khi việc tôi ngồi tù sẽ ảnh hướng đến danh dự và cuộc sống của chồng và các con. Tôi trả lời đương nhiên là tôi hiểu rõ điều đó và mỗi lần nghĩ đến, nước mắt tôi lại chảy ra.

Thế nhưng, suy cho cùng, cuộc đời con người, ai cũng có lúc đỉnh cao, ai cũng có lúc rơi xuống vực, nên không thể cứ mãi đau khổ về việc mình tụt dốc được. Chúng ta ai cũng có lúc làm tốt, ai cũng có lúc làm những việc tồi tệ nhưng mình phải biết nhìn ra đó là chuyện đương nhiên trong xã hội với như dòng xoáy cuộc đời, nếu rơi phải vòng xoáy nào thì mình phải chịu, cố gắng khắc phục và vươn lên để sống. Những việc đã qua rồi, giờ dẫu có hối hận cũng không thể thay đổi được quá khứ nữa nên hãy để cho thời gian làm xoa dịu những nỗi đau và làm các vết thương lành sẹo. Tôi tin rằng các con cũng sẽ hiểu những điều đó.

Giờ tôi đã ở trong tù, cuộc sống bỗng trở nên bình yên làm sao. Mọi thứ được lập trình sẵn như một công thức hoàn hảo và tôi chỉ việc thực hiện nó với sự bằng lòng và tĩnh tại từ trong tâm. Cuộc sống ở ngoài kia biết bao sóng gió, bộn bề và lo toan. Tôi đã phải căng mình để lập trình cho cuộc sống đó nhưng đã bị thất bại. Có nhiều người nói, tôi đã mất hết tất cả, cái dự án 18 căn biệt thự ấy cùng hệ thống nhà hàng, tiệm may, khách sạn, nhưng không phải đâu, tôi còn một tài sản quý giá mà không phải ai cũng có được đó là hai con và các cháu nội của tôi. Tôi phải sống khỏe, thực sự có ích dẫu cả khi ở tù để sớm có ngày, tôi được về với con cháu. Thực sự, 12 tháng trong trại giam là những tháng ngày bình yên nhất trong cuộc đời tôi. Rũ bỏ mọi lo toan, tính toán, cạm bẫy ngoài trần gian, tôi để lòng mình lắng lại và cảm thấy bình yên.