Tôi lấy chồng năm 23 tuổi. Chồng tôi hơn tôi 6 tuổi. Anh ở tỉnh lẻ, lên Hà Nội lập nghiệp. Gia đình tôi ở Hà Nội, nhưng chúng tôi không thuộc hàng "danh gia vọng tộc". Nói cách khác, nhà tôi cũng nghèo, khi lấy nhau, chúng tôi hiểu rằng sẽ phải lập nghiệp từ hai bàn tay trắng. Hồi đầu, tôi và anh thuê một căn nhà nhỏ, giá chỉ 1 triệu/tháng ở gần nhà ngoại. Tôi làm việc văn phòng còn anh cũng mới xin việc ở một công ty xây dựng. Lương của tôi trả tiền thuê nhà là hết.
Vì thế tiền ăn uống, chi tiêu còn lại đều trông cả vào anh. Tối biết anh đã phải cố gắng làm việc chăm chỉ tối ngày. Tôi thương anh lắm nhưng chẳng biết làm cách nào đỡ đần anh cả. Trước hết vì năng lực, sức khỏe tôi có hạn, sau đó nghề nghiệp của tôi cũng không thể làm thêm để "cá kiếm". Tôi tự nhủ là phải cố gắng làm tốt vai trò của người vợ. Tôi sẽ thu vén gia đình để biến đó thành tổ ấm, nơi sẽ đón anh về sau mỗi ngày lao động mệt nhọc.
Đặt mục tiêu phải để dành được một khoản tiền để mua nhà riêng trong tương lai nên tôi hạn chế chi tiêu tối đa. Đồ dùng trong nhà tôi cũng rất đơn giản. Hàng ngày đi chợ, tôi mua rất ít thực phẩm. Vào bữa cơm, có miếng gì ngon tôi đều gắp vào bát chồng bát con. Còn tôi, lùa canh xuông với cơm cũng xong bữa. Ban đầu, chồng tôi không ăn và bảo tôi cứ chi tiêu, ăn uống phải tốt thì mới khỏe mạnh được. Tôi sợ anh buồn nên nói dối rằng tôi đang muốn giảm cân, với lại tôi không thích ăn cơm, tôi sẽ uống sữa bù vào nên anh không lo. Nhìn chồng con ăn tôi thấy thật ấm lòng. Bữa tối dọn đi, còn ít thức ăn thừa nào, tôi lại bỏ vào cặp lồng, sáng hôm sau tôi gom góp lại, thổi ít cơm nóng mang đến cơ quan ăn trưa.
Để chồng khỏi lo, tôi bảo ăn cơm tự nấu cho an toàn, không sợ bị ngộ độc. Kỳ thực là tôi sợ ăn ngoài tốn kém. Biết chồng đi làm xây dựng mệt lắm nên khi anh về nhà, tôi không bao giờ để anh động tay động chân vào việc gì. Tôi cứ hết giờ đi làm là phi như bay về nhà vì biết có hàng tỷ thứ việc đang đợi. Nào là đón con, đi chợ, nấu cơm, giặt giũ, lau nhà lau cửa. Nhiều lúc tôi thấy làm mấy công việc đó còn mệt hơn là đi làm. Ở cơ quan, việc văn phòng của tôi cũng nhẹ nhàng, phòng làm việc lại có điều hòa bật mát lạnh. Còn về nhà, chỉ có vài chục mét vuông, vừa chật chội vừa nóng nực. Ở cơ quan, tôi xinh tươi bao nhiêu thì về nhà bễ bãi bấy nhiêu. Quần thì xắn móng lợn, áo cũng... "bật lo xo" nhầu nhĩ.
Nhà ngoại tôi không giàu, nhưng thực sự hồi chưa lấy chồng, cuộc sống của tôi không quá vất vả đến thế. Tôi không phải lo cho ai, có thể đi đâu tùy thích. Hồi học đại học, tôi đến trường buổi sáng còn buổi chiều nhiều hôm đạp xe lượn lờ với đám bạn quanh Hà Nội. Có lúc hứng lên thì lên Hồ Tây hóng gió, khi lại ra ruộng hoa ở Nhật Tân ngắm trời mây. Tôi cũng dư dả thời gian, có thể nằm nhà nghe những bản nhạc yêu thích. Bạn gọi là bật dậy, đi mua sắm, cà-phê cà pháo tám chuyện tít mù.
Giờ thì mọi việc chấm dứt cả. Sau tôi là mấy cái tàu há mồm. Lương hai vợ chồng hàng tháng, tôi phải chia ra thành từng tiểu mục, khoản này trả tiền điện, khoản này trả tiền nước, tiền nhà, rồi tiền chợ búa... Nhiều lúc thấy muốn nổ tung cái đầu. Việc chơi bời, cà phê, ăn hàng với tôi cũng đã trở thành điều gì đó xa xỉ. Thi thoảng, trên đường về nhà, tôi đi qua mấy cửa hàng kem ngày trước thời sinh viên tôi hay vào, tôi bỗng thấy luyến tiếc điều gì. Lúc đó cũng hứng lắm, thèm ăn một que kem mát lạnh lắm. Nhưng tôi chẳng dám dừng lại vì nghĩ sẽ tốn một khoản tiền, dù nó chẳng nhiều nhặn gì.
Mấy năm nay, tôi cũng chẳng có thời gian sống với những sở thích của thời con gái như nghe nhạc, xem phim tâm lý. Đừng nói đến việc vào rạp xem này xem nọ, ngay cả nhạc trên đài, phim trên tivi tôi cũng chẳng xem. Nhạc nhẽo gì nữa, về nhà là cắm mặt làm việc nhà. Việc vãn thì lại lao vào dạy con học. Còn phim, hễ vừa bật lên thì nhớ ra còn việc này việc nọ chưa làm, hoặc là con chạy đến đòi mẹ kể chuyện, mẹ chơi cùng. Tới khi con ngủ say, tôi có thể yên tĩnh xem phim thì mắt đã díp lại, nhiều lúc tôi ngủ lúc nào không biết. Giấc ngủ đến nhanh vì cơ thể quá mệt mỏi, rệu rã.
Vì mục tiêu kiếm nhiều tiền, tôi gần như "thả rông" chồng. Tôi không hỏi chồng đi đâu, làm gì miễn là anh hàng tháng mang tiền về nhà cho tôi. Nhà có hai đứa con nhưng bao năm, anh chưa phải đưa đón một đứa nào. Cứ sáng ra, anh trở dậy là đã có đồ ăn tôi để sẵn trên bàn. Anh chỉ việc ăn no rồi ra đường, phóng xe đi. Anh có thể đi nhẹ tênh bởi anh biết, đằng sau anh đã có tôi lo tất cả. Tôi sẽ thu dọn bãi chiến trường của bữa sáng, sau đó hấp tấp đưa con đi học, tôi lại đi làm. Chiều tối, khi đèn đường đã lên, chồng tôi mới trở về. Nhà cửa lúc đó cũng đã tinh tươm, cơm dẻo canh ngọt sẵn sàng. Anh tắm xong, ăn cơm là lên giường nằm nghỉ. Tôi thương anh vất vả, bôn ba cho mẹ con tôi nên cứ để anh như vậy.
Người ta nói đàn bà chân yếu tay mềm? Kỳ thực, nhiều lúc nhìn lại quãng thời gian trước, tôi không hiểu mình "chân yếu tay mềm" ở đâu. Tôi phải là "chân sắt tay sắt" mới đúng. Chồng tôi là nam giới, thế mà một năm cũng đôi ba bận khặc khừ, thậm chí là ốm nặng, "bết xê lết" trên giường. Anh rên hừ hừ, tôi phải cháo lão mấy ngày, rồi đánh gió, mua thuốc cho uống anh mới đi lại được. Còn tôi, mấy năm rồi chưa một lần biết ốm là gì. Thực ra, tôi cũng có lúc mệt mỏi, đau đầu... nhưng tôi không cho phép mình ốm. Tôi mà nằm đó thì ai lo cho con tôi, ai đưa con tôi đi học, đón con tôi về. Ai nấu cơm, dọn nhà. Thế là có ốm cũng phải gượng dậy mà làm. Kêu ca phỏng có ích gì. Chồng tôi đi suốt thế, tôi có muốn cũng chỉ là tự kêu với thân mình mà thôi. Với lại, tôi nghĩ nếu tôi ốm lại phải tốn tiền đi khám, mua thuốc nên thôi, cố mà khỏe lên. Quả là tôi khỏe thật. Đang ốm thế mà cắm mặt làm việc nhà xong cũng hết.
Cuộc sống của tôi cứ thế trôi qua. Chồng con tôi đã rất quen với việc hiện diện của tôi trong nhà rồi. Dần dà, vài năm sau kinh tế gia đình tôi cũng khá hơn. Tiền tiết kiệm được đủ giúp chúng tôi mua được căn nhà riêng. Nhà tuy nhỏ nhưng cũng là tài sản của chính mình. Tôi chấm dứt cảnh ở thuê, tạm bợ. Vài năm sau nữa, chúng tôi đổi căn nhà nhỏ, mua căn nhà lớn hơn, ở quận trung tâm hơn. Chúng tôi cũng đã "lên đời xe máy, sắm sửa được nhiều đồ đạc tiện nghi. Tôi cũng không còn phải lo tháng này thiếu tiền điện, tiền nước như trước nữa.
Nhưng, cái máu tiết kiệm của tôi dường như đã ngấm quá sâu rồi. Có tiền dư dả hơn nhưng tôi vẫn chưa đủ dũng cảm để "tiêu xài rộng rãi" hơn. Tôi lại đạt mục tiêu tiết kiệm để có tiền làm vốn cho con sau này. Tôi vẫn giữ thói quen sinh họat như xưa. Tôi ít khi nghĩ đến việc mua quần áo theo mốt. Trong khi các chị em cùng phòng nay diện đồ này, mai đồ kia, tôi vẫn mặc những bộ quần áo mua từ vài năm trước chỉ vì chúng... chưa rách và tôi thấy mặc vẫn được. Đi mua hàng, thấy chỗ nào hạ giá, bán rẻ là tôi sà vào, chỗ nào bán đắt một chút là tôi tránh xa. Ăn uống cũng vậy, tôi vẫn thích ăn sau chồng con. Có đồ gì thừa, cả nhà bảo đổ đi thì tôi lại vơ về phía mình, ăn cố cho khỏi phí.
Một lần, lớp cũ của tôi gặp mặt. Tôi tần ngần đứng trước tủ quần áo, cũng chọn ra một bộ đẹp nhất trong số đó để mặc lên người. Tìm khắp nhà, may mà có một thỏi son mua từ... 2 năm trước, tôi đem ra quấy quá lên môi. Thú thực, tôi làm gì có son phấn đâu mà “tẩm ướp”. Cứ nghĩ thế là được, không ngờ đến hôm gặp mặt đó, tôi thấy mình như lạc từ thế kỷ trước trở về. Quần áo của tôi quê kệch, tôi là người duy nhất không son phấn, tóc tai không cắt kiểu mà chỉ búi tó đằng sau như…mẹ bổi. Tất nhiên, bạn bè giữ ý không ai chê tôi, duy chỉ lúc về, có cô bạn thân ngồi cùng bàn với tôi ngày trước vỗ vai nói nhỏ: "Trông cậu già đi nhiều quá".
Hôm đó về nhà, tôi ngắm mình trong gương. Quả là lâu rồi, tôi mới ngắm tôi lâu đến thế. Trước thì tôi chỉ nháo nhào vài nhát lược là thôi. Tôi thấy mình cũng già và hốc hác đi thật. Gò má tôi nhô cao, tóc điểm bạc. Quần áo thì bạc phếch. Đúng lúc đó, ở đằng sau gương là áo của chồng tôi, treo ở đó để đợi tôi giặt. Đó là bộ quần áo xịn, vải tốt trông rất sang. Tôi quên chưa kể, bây giờ chồng tôi đã lên trưởng phòng của công ty. Tôi biết vậy nên thường xuyên mua cho chồng quần áo đẹp, tốt giá một cái áo của anh có khi bằng 3 bộ quần áo của tôi.
Từ chuyện cái áo, tôi bỗng nhớ ra lâu rồi chồng tôi không rủ tôi đi cùng anh ra ngoài. Mỗi năm, cơ quan anh tổ chức họp mặt gia đình cán bộ, rồi hội hè, nghỉ mát, anh đều chỉ đưa các con đi mà bỏ tôi ở lại. Anh bảo: "Em già lắm, lại quê kệch, đi với anh chỉ làm anh xấu hổ. Người ta nhìn thấy lại bảo vợ chồng mình như đôi đũa lệch". Hồi trước, nghe câu nói này, tôi chỉ cười. Nhưng giờ, tôi lại thấy tủi thân vô cùng. Rồi chồng tôi trách cứ tôi không biết hưởng thụ, keo kiệt, nhếch nhác.
Đó là lần đầu tiên tôi thấy mình oải. Tôi nằm trên giường rồi thiếp đi. Tỉnh dậy thì đã tới bữa. Căn bếp vẫn nguội tanh. Hai con tôi vẫn hồn nhiên chơi trong nhà mà không nghĩ tới việc nấu nướng giúp mẹ. Lát sau thì chồng tôi về. Anh bực bội vì tôi bỏ bê việc nhà. Từ lâu, anh đã quen ỷ lại, coi tôi là ô sin. Tôi không làm thì đừng có mơ anh động chân động tay vào việc gì. Ngay lập tức, anh rủ các con ra hàng và vô tâm chẳng hỏi tôi muốn ăn gì. Anh bảo với lũ trẻ: "Mẹ con thì biết gì ăn ngon. Có mỳ tôm ở nhà rồi, tý mẹ úp lên ăn là được". Con gái út của tôi hồn nhiên vâng lời bố nhưng không quên quay lại dặn tôi: "Mẹ cứ ăn nhé. Con đi ăn, còn thừa gì sẽ mang về cho mẹ". Cái sự vô tư của con trẻ nhưng lần này sao mà làm tôi đau đớn. Như bố chúng, từ lâu chúng đã quen cách nghĩ bố con thì được quyền ăn ngon. Còn tôi thì ăn thừa, ăn đồ bỏ đi của cả nhà.
Bao nhiêu năm qua, tôi đã hy sinh bản thân, lo lắng cho chồng con bằng mọi giá. Dù có chết, tôi cũng không bao giờ nghĩ rằng mình lại thất bại thảm hại đến thế. Mà người đánh gục tôi-thật đau đớn-lại chính là chồng con tôi-những người tôi luôn nghĩ là quan trọng nhất trong cuộc đời này... Một người bạn thân của tôi nói rằng: Tôi đã sai. Hy sinh cho chồng con là đúng. Nhưng, không có nghĩa là hy sinh luôn cả bản thân mình. Trước khi yêu chồng, yêu con cũng như muốn họ tôn trọng mình, tôi hãy tự yêu và tôn trọng bản thân mình trước đã.