Kat là người yêu của tôi. Chúng tôi yêu nhau 4 năm. Thời gian không quá dài nhưng cũng đủ lâu để phải thấy khó khăn khi nói lời chia tay. Tình yêu của chúng tôi ngỡ là nồng nàn và sẽ kết thúc bằng một đám cưới đẹp đẽ nhưng rồi nó sụp đổ vì Kat không thể bước qua sự khác biệt về văn hóa. Chúng tôi chia tay chỉ vì cô không phải là người Việt Nam...
Tôi tên Huy, năm nay đã 29 tuổi. Tôi mới chia tay bạn gái sau 4 năm yêu nhau. Chúng tôi hoàn toàn cắt đứt liên lạc kể từ ngày bạn gái tôi quyết định dừng tình yêu của chúng tôi lại, mà đúng hơn, tôi không nhận bất cứ cuộc gọi "bạn bè" từ Kat, người yêu cũ của tôi.
Tôi là con một trong một gia đình giàu có. Người ngoài thường nói con một thì sung sướng vì được nhận toàn bộ tình yêu và sự quan tâm, chiều chuộng từ bố mẹ nhưng tôi thấy khác. Tôi thấy làm con một thật khó khăn và nhiều trách nhiệm. Bao nhiêu kì vọng của bố mẹ đều đặt lên vai con một và con một phải cố gắng để thực hiện cho bằng hết những kì vọng đó nếu không muốn làm bố mẹ mình thất vọng.
Tôi được chiều chuộng, tôi được sống sung sướng, tôi thoải mái tiêu tiền không suy nghĩ nhưng đổi lại, tôi không bao giờ được làm những việc mình thích. Trong nhà tôi, chỉ có "bố mẹ thích" và "bố mẹ muốn" chứ hoàn toàn không có chuyện "con thích" và "con muốn". Tốt nghiệp cấp ba, ước muốn của tôi là trở thành một nhà kinh tế và được học trong nước nhưng bố mẹ làm thủ tục du học cho tôi và tôi sang Anh để học về thiết kế thời trang. Mẹ nói đó là ước mơ của mẹ nhưng mẹ không thực hiện được vì khi đó, bà không có tiền bạc, không có điều kiện để ra nước ngoài và giờ, tôi sẽ thay bà thực hiện.
Tôi chấp nhận lên đường đi du học và học ngành mà mẹ muốn vì tôi đã quen với viêc đáp ứng những nhu cầu của bố mẹ. Tôi không biết nếu mình phá ngang, nhất quyết theo ngành mà tôi thích thì bố mẹ sẽ phản ứng thế nào. Tôi chưa bao giờ thử điều đó. Việc học không mang lại cho tôi nhiều hứng thú nhưng cuộc sống xa gia đình, xa bố mẹ, được tự lập và được sống tại một đất nước đẹp đẽ khiến tôi rất thoải mái. Trong khi nhiều sinh viên du học như tôi phải vất vả làm thêm để trang trải học phí và sinh hoạt hàng ngày thì tôi chẳng bao giờ phải lo về chuyện đó. Bố mẹ chỉ có mình tôi, hai người không bao giờ để tôi khổ.
Ngay năm đầu tiên học tại Anh, tôi gặp Kat. Cô là sinh viên cùng khoa với tôi. Kat sinh ra và lớn lên ở London. Cô sôi nổi, hay cười, thường kể chuyện vui và có khả năng sáng tạo kì lạ. Những mẫu thiết kế của Kat luôn mang những nét độc đáo khiến mọi người phải trầm trồ. Tôi và Kat yêu nhau rất tự nhiên. Cô nói cô yêu tôi vì tôi nhút nhát, yêu cô đến tháng thứ hai vẫn chưa dám có nụ hôn đầu tiên. Kat không biết, cô là người yêu đầu tiên của tôi còn tôi thì biết, trước tôi, Kat đã yêu hai người. Tôi không để ý chuyện đó. Người nước ngoài luôn nghĩ thoáng trong chuyện yêu đương. Tôi yêu Kat nên tôi cũng học cách nghĩ đó để không tự dằn vặt mình bởi nhưng ghen tuông.
Kết thúc chương trình học, tôi buộc phải trở về Việt Nam vì tôi là con một, tôi phải thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm của một người con đối với bố mẹ của mình dù nếu ở lại London, tôi sẽ có điều kiện để phát triển ngành thiết kế của mình hơn. Và hơn hết, tôi sẽ được ở gần người con gái tôi yêu. Mẹ không tất nhiên không đồng ý. Bà nói đã chuẩn bị tất cả cho tôi mở một cửa hàng thời trang và tôi sẽ là nhà thiết kế. Bà vẽ ra tương lai của tôi với những mẫu váy áo độc đáo rồi tôi sẽ là người nổi tiếng và bà sẽ hạnh phúc biết bao với điều đó. Mẹ không muôn tôi yêu Kat. Bà muốn có một cô con dâu Việt Nam nết na, thùy mị, giỏi nấu ăn và an phận ở nhà chăm lo cho gia đình. Mẹ sợ Kat sẽ cướp tôi khỏi mẹ.
Thời gian đầu khi mới về nước, khoảng ba tháng, tôi bay sang thăm Kat một lần. Tình yêu xa cách mới khốn khổ làm sao. Nỗi nhớ khiến con người ta vừa hạnh phúc vừa mệt mỏi. Tôi không thuyết phục Kat về Việt Nam với tôi vì tôi biết, cô là một người tài giỏi, một người có tài năng thực sự và cô cần có môi trường để phát triền tài năng của mình. Tôi không thể vì tình yêu của mình mà ích kỉ bắt cô từ bỏ tất cả. Thế nhưng chính Kat lại là người chủ động làm việc đó. Cô nói, cô sẽ đến Việt Nam, sẽ lấy tôi và sống cùng tôi tại đất nước của tôi. Tôi ngỡ ngàng khi nghe Kat nói điều đó. Tôi thậm chí không dám tin đó là sự thật. Chỉ khi đón Kat tại sân bay, ôm cô vào lòng, tôi mới tin Kat đã thực sự ở đây, trong vòng tay tôi và chúng tôi đang ở Việt Nam.
Dù không hài lòng nhưng mẹ không phản đối chuyện tình yêu của chúng tôi. Kat cùng tôi làm việc tại cửa hàng thời trang. Những mẫu thiết kế của cô không được đón nhận vì chúng quá độc đáo và mang dáng dấp của một miền văn hóa khác. Kat nói tôi cứ làm việc còn cô sẽ tự khám phá Việt Nam theo cách riêng của mình. Cô mua bản đồ và tự mình khám phá Hà Nội. Cô đi dọc Việt Nam một mình, đến những nơi mà tôi chưa từng đến dù tôi sinh ra và lớn lên ở Việt Nam.
Kat nói Việt Nam đẹp nhưng cô thấy không quen và thấy thật khó để sống ở đây. Cô không thích phải gặp và chào hỏi bố mẹ tôi mỗi ngày. Cô sống tự lập. Mấy năm mới gặp bố mẹ mình một lần, nên cô không hiểu được việc tại sao ngày nào chúng tôi cũng phải ngồi ăn cơm với bố mẹ tôi và khi ăn thì phải hết sức im lặng, không được trò chuyện nhiều và phải ăn ít để giữ lịch sự. Cuộc sống như thế quá gò bó với cô. Kat cũng không quen được với sự ồn ào của Hà Nội. London trầm và cổ kính. Cô nhớ những buổi sáng yên ả, chìm mình trong vẻ đẹp của thành phố nơi cô đã sống, đã lớn lên và đã trở thành một phần trong con người cô.
Kat sợ những tiếng ầm ĩ từ còi xe, tiếng người cãi vã nhau khi dừng đèn đỏ dù cô không hiểu họ nói gì. Những khác biệt ấy khiến Kat mệt mỏi. Có những ngày cô ở lì trong khách sạn và không muốn làm gì cả. Kat ở Việt Nam đúng 3 tháng và cô nói lời chia tay với tôi sau 3 tháng đó. Cô nói cô không thể sống ở đây cùng tôi được. Và vì tôi còn trách nhiệm với gia đình, với bố mẹ và cả với cửa hàng thời trang mà mẹ tôi mở ra nên chúng tôi không thể tiếp tục yêu nhau được nữa. Cô sợ những quy tắc của nhà tôi. Sự bất đồng ngôn ngữ khiến cô không hiểu được những giao tiếp trong nhà nhưng vẻ mặt của bố mẹ làm Kat sợ. Bố mẹ tôi không hài lòng với Kat nên thường giữ khuôn mặt nghiêm khắc, hai người hầu như không cười khi gặp Kat. Tôi không thể giữ Kat ở lại đây nên tôi không biết làm cách nào để giữ lại tình yêu của mình.
Kat về nước ngay sau khi nói chia tay. Điều đó có nghĩa rằng cô đã chuẩn bị mọi chuyện từ trước. Cô đặt vé về mà chẳng hề nói trước với tôi. Kat nói chúng tôi vẫn là bạn sau khi chia tay nhưng với tôi, điều đó thật khó. Tôi sợ khi nghe thấy giọng Kat, nhìn thấy hình ảnh của cô, tôi sẽ không kìm được tình yêu của mình. Mẹ bắt đầu lên lịch hẹn hò và mai mối cho tôi. Kat về, 3 tháng một lần, tôi lại bay sang London, chỉ để thấy cô từ xa. Cô không biết tôi đến và không biết tôi còn yêu cô nhiều như thế nào.
Khi tình yêu tan vỡ, tôi mới hiểu, tình đầu tan vỡ thì người trong cuộc đau khổ như thế nào. Kat là tình đầu của tôi và buồn làm sao khi chúng tôi chẳng thể đến được với nhau vì những khác biệt văn hóa. Có lẽ chúng tôi chưa từng cố gắng để dung hòa, cố gắng để thích nghi và vì thế, chúng tôi xa nhau. Mọi cuộc chia tay đều có một lí do để biện minh cho sự chia xa nhưng thực tế, chẳng lí do nào đủ sức để biện minh. Điều mà tôi hiểu ra khi chúng tôi chia tay đó là, chúng tôi đã yêu nhau chưa đủ.