LTS: Cô bé trong chiếc áo kẻ sọc, tóc đuôi gà lúc lắc sau lưng biết làm điệu bằng một chút son hồng và chì kẻ mắt. Hiền thật thà: "Cán bộ bảo có nhà báo tới thăm, em làm điệu một xíu". Cũng phải thôi, bởi bất cứ nơi nào có phụ nữ, có phái đẹp, ắt nơi ấy rạo rực bản năng làm đẹp của một nửa thế giới. Hiền còn rất trẻ. Cô gái ấy mới 17 tuổi - độ tuổi tràn căng xuân thì, nhựa sống. Song, chỉ vì một phút sai lầm, nông nổi, Hiền đã phải trả cái giá, quá đắt bằng 4 năm chôn vùi trăng rằm sau song sắt. Hiền bảo, khá lâu rồi không ai khơi gợi lại quá khứ lỗi lầm của em. Cho tới hôm nay, bằng những gợi mở của tôi, Hiền chầm chậm trở về khoảng trời kí ức. Dưới đây là những suy nghĩ rất thật của Hiền khi thụ án tại trại giam Đắc Trung (Đắk Lắk).
Con gái vàng ngỗ ngược
Tôi sinh ra trong một gia đình ấm êm, hạnh phúc với sự cưng chiều của ba mẹ. Kinh tế khá giả, ba mẹ yêu thương, anh em đoàn kết, dường như đó là bức tranh hoàn hảo, đáng mơ ước của tất cả mọi người. Thế nhưng, cuộc sống của chúng tôi bắt đầu xáo trộn khi tới tuổi trưởng thành. Như những con chim nhỏ có bộ lông cứng cáp, chúng tôi lần lượt rời khỏi vòng tay yêu thương của ba mẹ. Người đầu tiên khiến ba mẹ tôi phiền lòng là chị gái. Cho tới bây giời tôi vẫn không hiểu nguyên nhân đích xác khiến chị tôi quay lưng với gia đình và làm ba mẹ thất vọng. Hồi ấy còn nhỏ, tôi chỉ láng máng nhớ rằng, chị theo chồng, bỏ mặc tất cả mọi lời khuyên răn của ba mẹ. Chính chị phụ công lao sinh thành dưỡng dục của ba mẹ. Điều ấy khiến ba mẹ gạt nước mắt, từ mặt chị, coi như không có đứa con gái ấy trên đời.
Nhà chỉ còn tôi và anh trai. Bao nhiêu kỳ vọng, yêu thương, ba mẹ dồn cả cho 2 đứa. Thế nhưng, chính sự chiều chuộng, yêu thương vô điều kiện và có phần thiếu nghiêm khắc ấy, chúng tôi đã sa ngã vào những sai lầm tuổi trẻ. Trong một vụ ẩu đả lớn, anh tôi có dính líu và bị phạt 2 năm tù giam về tội cố ý gây thương tích. Ngày anh đi trại cải tạo, không khí gia đình tôi nặng nề như đưa đám. Mẹ buồn rầu, mắt hoe đỏ, bỏ bữa mấy ngày liền. Ba đi ra, đi vào thở dài nặng nhọc dài lê thê như nước mắt mẹ. Đó là cú sốc lớn đối với gia đình chúng tôi. Còn lại một mình tôi, dường như còn bao nhiêu tình cảm bị bào mòn còn sót lại, ba mẹ dồn cả vào tôi. Thay bằng việc trân trọng, nâng niu thứ tình cảm thiêng liêng còn lại nơi 2 tâm hồn chịu quá nhiều mát mát, đổ vỡ ấy, một lần nữa tôi giáng vào niềm tin của ba mẹ một đòn chí mạng.
Tôi vốn là một đứa trẻ ham chơi và tự tin. Một sự tự tin trẻ con và vô cùng ngốc nghếch. Tin rằng, kinh tế gia đình đủ vững mạnh để lo liệu cho tương lai sau này của đứa con gái quý hóa, tôi học hành chểnh mảng, thường xuyên la cà, tụ tập bạn bè. Ba mẹ tôi chiều tôi lắm. Lần sinh nhật thứ 14 của tôi, ba tặng tôi 2 triệu để tổ chức sinh nhật với bạn bè. Đối với một đứa trẻ mới 14 tuổi, đó hoàn toàn không phải khoản tiền nhỏ. Nhưng, đối với một kẻ ham chơi, "thạo" giá cả các mặt hàng xa xỉ ở hàng quán, cùng với sở thích ra oai, lên mặt đối với bạn bè như tôi, 2 triệu ấy thực sự rất bé nhỏ. Sau vụ tổ chức sinh nhật đình đám cùng đám bạn, số tiền 2 triệu ba cho không đủ chi trả, nợ hàng quán vẫn còn, tôi bắt đầu toan tính những ý đồ riêng trong đầu.
Buổi chiều ngày 17/12/2009, sau khi tan học, tôi lên phố chơi cùng bạn. Đó là lần đầu tiên tôi gặp Nguyễn Thị Hồng Hạnh - một cô bạn chạc tuổi tôi. Ngồi nói chuyện cùng nhau, ngẫm về khoản nơ còn đọng lại, tôi bắt đầu thở vắn than dài vế thói "vung tay quá trán" của mình. Hạnh xui tôi về xin ba mẹ. Nhưng tôi thừa hiểu tính của họ. Chắc chắn ba mẹ sẽ không cho và còn mắng tôi nữa. Dù có trong tay chìa khoa tủ cất tiền của mẹ, nhưng tôi nào dám cả gan "thó trộm". Chỉ có ba chiều và thương tôi hơn cả, có lẽ về lấy của ba sẽ an toàn hơn. Nói là làm, tôi rủ Hạnh về cùng tôi. Nào ngờ, đó cũng là buổi chiều, tôi gây nên họa lớn.
ảnh minh họa
Trở về nhà, thấy ba đang ngồi ở phòng khách. Đúng như "tiên liệu" từ trước, ba không cho tôi tiền mà còn buông lời trách cứ. Lúc ấy, Hạnh chộp lấy cái túi quần của ba, vì trước đó nó phát hiện ra túi quần ba căng phồng, đoán ba có tiền trong đó. Tôi không hề hay biết Hạnh mang theo một con dao nhỏ và nhanh tay rạch túi quần ba. Trong lúc xô đẩy, tôi cuống quýt giữ lấy tay ba, phần vì sợ ba đánh Hạnh, phần để cho Hạnh lẹ tay lấy tiền trong túi. Sợ Hạnh làm ba bị thương, tôi còn hét lên: "Đừng đâm ba tao". Hạnh chạy đi trước, tôi nhìn ba rồi cũng vụt chạy ra khỏi nhà, lao vào màn đêm hun hút.
Khi đuổi kịp Hạnh, tôi và Hạnh mang tiền ra đếm. Cả cọc tiền lẻ dày cộp cộng lại chỉ có 500 ngàn, hai đứa chia nhau rồi từ biệt từ ấy không gặp lại. Ngoái nhìn lại đường về nhà xa tít tắp, không còn lối trở về, tôi dạt nhà lang bạt nay đây mai đó ở nhà bạn bè và nhà nghỉ.
Đắng nghẹn khi ba má viết đơn kiện con gái và nước mắt hối hận ngày gặp gỡ
Suốt 7 ngày bỏ nhà lang thang không về nhà, tôi không hề nghe ngóng được bất cứ tin tức gì của ba mẹ. Cho tới, một tối lên mạng chát chít cùng bạn bè, nhỏ bạn gần nhà tôi báo tin: "Ba mẹ đang tìm bạn đó. Nghe đâu ba mẹ báo công an vì bạn cướp tiền của họ". Không tin vào những lời bạn nói, tôi đứng phắt dậy, rời khỏi quán và đi thẳng về nhà hỏi mẹ nhằm xác minh lời bạn nó. Hôm đó vào đúng ngày lễ giáng sinh.
Ba mẹ ngạc nhiên tột cùng khi thấy đứa con gái hư hỏng xuất hiện trước cửa nhà vào đúng ngày lễ. Ba mẹ không đánh tôi như dự cảm, họ thở dài nhìn rồi ngồi xuống chiếc ghế nhỏ ở phòng khách. Tôi đi vào, lặng yên ngồi đối diện. Khó khăn lắm, tôi mới thốt ra được từ xin lỗi ba mẹ. Mẹ tôi gạt nước mắt thừa nhận đã viết đơn tố cáo tôi với cơ quan công an. Mẹ bảo, ba mẹ đã quá nuông chiều tôi nên tôi mới ngỗ nghịch, làm điều càn quấy như vậy. Ba mẹ sợ lơi lỏng tôi thêm một lần sẽ vĩnh viễn mất tôi nên nhờ sự can thiệp của pháp luật. Lúc ấy, tôi mới biết số tiền Hạnh lấy được từ túi quần của ba không phải 500 ngàn như cô ấy nói, mà còn một cọc tiền chẵn 2 triệu đồng Hạnh lén cất riêng. Nếu ba mẹ không nói, có lẽ tôi vẫn đinh ninh tin tưởng cô bạn vàng xảo quyệt. Mẹ khóc rất nhiều, tôi cũng khóc. Mẹ không khóc vì tiếc tiền, hẳn nhiên là vậy. Có lẽ mẹ khóc vì bất lực trước lỗi lầm của những khúc ruột mẹ sinh ra. Mẹ có 3 người con, đứa quay lưng lại với gia đình, đứa tù tội và giờ còn lại một đứa duy nhất cũng chuẩn bị vướng vào vòng lao lý. Còn ba, vẫn tiếng thở dài lê thê như nước mắt của mẹ đặc quánh gian phòng khách lạnh lẽo ngày lễ.
Đêm ấy, tôi ngủ cùng mẹ. Mẹ hít hà mùi tóc ngai ngái, nồng nồng của tôi cả đêm. Tôi vờ nhắm mắt nhưng cảm nhận rất rõ hơi thở khẽ khàng, ấm áp của mẹ phả vào tai, vào má. Mẹ trắng đêm không ngủ ngắm tôi, như thể, ngày mai, ngày kia tôi không còn trở về nữa.
Sáng sớm hôm sau, mẹ và ba đưa tôi lên đầu thú tại cơ quan công an. Tôi bị đưa vào khung hình phạt 7-15 năm với tội danh cướp tài sản, nhưng do tôi mới 14 tuổi, vẫn ở trong độ tuổi vị thành niên, cuối cùng mức án tôi phải gánh chịu là 4 năm tù giam. Với tôi, 4 năm là một con số thực sự khủng khiếp. Chỉ vì một phút nông nổi, tôi đã đánh mất tương lai của chính mình.
Tôi đi trại cải tạo, thêm một cú trời giáng vào sức khỏe vốn đã ở tình thế "ngàn cân treo sợi tóc" của ba. Tôi biết sức khỏe ba suy giảm từ lâu rồi. Khi còn ở ngoài, tôi cảm nhận được đau đớn giày vò ba từng đêm qua tiếng thở nặng nhọc, khò khè như dòng thác dữ dội bị chiếc đập chắn ngang lối. Sau này, khi không giấu được chúng tôi, mẹ báo tin ba mắc bệnh ung thư vòm họng và ung thư phổi. Căn bệnh hiểm nghèo áy lấy đi của ba từng chút sự sống nhỏ nhoi, thêm đứa con gái nghịch hư đốn là tôi, bệnh ba càng trọng.
Khoảng thời gian tôi đi trại cải tao, dù sức yếu nhưng ba vẫn lết tới thăm tôi. Ông nở nụ cười gầy guộc qua ô cửa vuông tí tẹo ở phòng thăm gặp xoa dịu bao nhiêu giày vò trong tôi. Bởi tôi hiểu, ba đã tha thứ cho đứa con gái tội lỗi này. Bẵng đi một thời gian khá lâu, tôi không thấy ba lên thăm, chỉ có mẹ đều đặn đến thăm mang theo đồ lưu kí, hỏi mẹ, nhưng bà luôn bảo ba phải ở nhà dưỡng sức. Rất lâu sau, tôi mới biết ba đã qua đời sau một khoảng thời gian dài chiến đấu với căn bệnh ung thư quái ác. Nhận được tin đó, tôi không giống như một đứa trẻ bình thường khóc bù lu bù loa lên cho mọi người biết. Tôi vẫn đi làm rẫy, làm cao su cùng các cô, các chị phạm nhân trong trại. Tôi vẫn cười nói như không hề có chuyên gì xảy ra. Chỉ khi đêm về, một mình đối diện với bốn bức tường lạnh lẽo, tiếng côn trùng vẳng xa vọng lại, tiếng thở nhè nhẹ, đều đặn của các chị xung quanh, tôi vùi mặt xuống chiếc gối nhỏ và để mặc nước mắt tuôn dài ướt hết cả mái tóc. Tôi chưa bao giờ nói với ba, rằng tôi yêu ông và tôi có tội với ông rất nhiều. Ba không còn bên tôi nữa, tôi mới thấm thía tình cha vĩ đại như thế nào.
Ngày sinh nhật tôi, biết con gái thích bánh kem, mẹ vào thăm và mang bánh kem vào trại giam cho tôi. Cùng các chị, các cô ở phòng tổ chức sinh nhật, nhìn chiếc bánh kem nhỏ nhắn, tôi phập phồng nước mắt. Ước gì, sinh nhật được quây quần bên ba, bên mẹ... Đó là sinh nhật chứa chan nước mắt. Những giọt nước mắt hối hận...
Sau này trở về, tôi sẽ không còn được gục đầu vào vai ba mà nũng nịu, không còn được ba xoa đầu như con nít nhỏ xíu, nhưng tôi luôn tin tưởng một điều: ba luôn dõi theo từng bước chân của tôi trong hành trình dài rộng sau này. Suy nghĩ ấy giúp tôi vững vàng và luôn thấy ấm áp. Với tôi, cải tạo tốt, trở về đoàn tụ với gia đình, phụng dưỡng, báo hiếu mẹ là cách tốt nhất để tạ tội với vong linh của ba và tạ lỗi với tuổi trăng rằm của mình. Trong mỗi đêm thao thức khó ngủ, tôi đều nhủ thầm: "Tôi ơi, đừng tuyệt vọng" giống như lời một bài hát nào đó tôi từng được nghe ba hát khi ông còn sống trên cõi đời.