Lệnh bắt giữ được đưa ra sau khi nhiều vệ sĩ của ông Hashemi khai báo rằng ông này có liên quan tới những vụ ám sát và tấn công nhằm vào một số quan chức an ninh và chính phủ Iraq, trong đó có vụ ám sát nhằm vào Thủ tướng Mouri al Maliki hôm 3-12 vừa qua tại Vùng Xanh.
Bộ Nội vụ cũng đã công bố một đoạn băng ghi âm lời thú tội của 3 phần tử khủng bố là thành viên trong mạng lưới an ninh của ông Hashemi. Trong đoạn băng được phát sóng trên đài truyền hình nhà nước Iraq, những người này nói rằng, họ được ông Hashemi thuê giết người, gồm việc cài bom bên đường và bắn các nhân viên an ninh, quan chức chính phủ. Một người nói rằng đích thân ông Hashemi đã trao 3.000 USD tiền thưởng cho anh ta. Tuy nhiên, danh tính của 3 người này hiện vẫn chưa được xác định một cách độc lập.
Hội đồng Thẩm phán Tối cao Iraq đã thành lập một ủy ban để điều tra những cáo buộc trên. Trước đó, ông Hashemi cũng đã bị cấm xuất cảnh. Ông Hashemi hiện đang ở Kurdistan, một khu vực bán tự trị ở miền Bắc Iraq. Kurdistan có chính quyền và lực lượng an ninh riêng, nên nhà chức trách Iraq khó có thể bắt giữ ông Hashemi ngay lập tức.
Ông Hashemi đã bác bỏ những cáo buộc trên. Trước đó, ông Hashemi đã chỉ trích chính phủ của Thủ tướng Nouri al-Maliki đã cố ý gây phiền nhiễu sau khi máy bay chở ông bị hoãn hơn 3 giờ tại sân bay Baghdad. Lực lượng an ninh đã bắt giữ 3 vệ sĩ của ông Hashemi trên đường trở về từ sân bay Baghdad, đồng thời tăng cường lực lượng quân sự quanh khu vực nhà riêng của ông Hashemi.
Theo giới quan sát, vụ bắt giữ ông Hashemi không chỉ có nguy cơ thổi bùng ngọn lửa căng thẳng phe phái tại Iraq, mà còn khiến thỏa thuận chia sẻ quyền lực mong manh tại Iraq giữa cộng đồng người Shiite, người Sunni và người Kurd có thể đổ vỡ bất cứ lúc nào, đẩy đất nước đứng bên bờ vực nội chiến. Hôm 17-12 vừa qua, chỉ vài ngày sau khi Mỹ tuyên bố chính thức kết thúc chiến dịch quân sự tại nước này, chính trường Iraq đã bùng nổ một cuộc khủng hoảng mới khi khối chính trị của phái Sunni tuyên bố tẩy chay quốc hội nhằm phản đối Thủ tướng Nouri al - Maliki. Ông Hashemi cũng là một trong những nhà lãnh đạo của khối này.
Bạo lực tại Iraq những năm gần đây đã giảm mạnh so với thời kỳ đỉnh điểm của những cuộc tấn công tự sát hồi năm 2007-2008. Tuy nhiên, những căng thẳng giáo phái vẫn hiện diện trong đời sống chính trị Iraq và động thái mới nhất này khiến nhiều người lo ngại Iraq lại rơi vào vòng xoáy bạo lực.