Nhận biết tình trạng phù nề 

(ANTĐ) - Phù là một triệu chứng của hội chứng tiền sản giật và của nhiều bệnh khác (tim, gan, thận, thiếu máu…), thường gặp nhiều ở phụ nữ mang thai, nhất là trong ba tháng cuối của thai kỳ. Do đó, đối với phụ nữ mang thai, việc phát hiện phù nề rất quan trọng, sẽ giúp phát hiện sớm các bệnh trên để nhanh chóng điều trị tránh gây hậu quả xấu đến người mẹ và trẻ sau này.

Người mang thai:

Nhận biết tình trạng phù nề 

(ANTĐ) - Phù là một triệu chứng của hội chứng tiền sản giật và của nhiều bệnh khác (tim, gan, thận, thiếu máu…), thường gặp nhiều ở phụ nữ mang thai, nhất là trong ba tháng cuối của thai kỳ. Do đó, đối với phụ nữ mang thai, việc phát hiện phù nề rất quan trọng, sẽ giúp phát hiện sớm các bệnh trên để nhanh chóng điều trị tránh gây hậu quả xấu đến người mẹ và trẻ sau này.

Để tự mình phát hiện bệnh, người có thai có thể theo dõi và quan sát các dấu hiệu sau:

1. Khuôn mặt

Khuôn mặt sau khi ngủ dậy, soi gương nếu thấy mặt bất chợt to hơn bình thường, hơi “phị” ra, mi trên hai mắt “nặng như chì” thì rất có khả năng đã bị phù.

2. Các chi 

Khi bị phù các ngón tay sẽ to lên. Đối với chân, khi quan sát chân, cần chú ý các vùng như mắt cá, đầu gối của hai chân, nơi có các đầu xương lồi lên tạo ra các hố lõm. Nếu mu bàn chân, cẳng chân sưng to; phù nhẹ thì các hố quanh các mấu xương sẽ như bị “đầy” lên thì chắc chắn đã bị phù nề.

Khám thai định kỳ để phát hiện sớm tình trạng phù nề
Khám thai định kỳ để phát hiện sớm tình trạng phù nề

Dùng ngón tay ấn vào mấu lồi của hai mắt cá chân hoặc vào mặt trong của xương ống quyển cẳng chân (là những nơi có xương nằm sát dưới da), nếu thấy da các nơi ấn đó bị lõm xuống và lâu đầy lên như cũ thì chứng tỏ các chỗ đó bị ứ nước (phù hoặc xuống máu chân).

Phù là biểu hiện bên ngoài của tình trạng ứ nước trong cơ thể. Phù nề nặng thì biểu hiện bên ngoài rất rõ ràng, hầu như ai cũng có thể nhận biết đó là thấy sưng (nhưng thường không kèm đau) ở mắt, mặt, chân tay hay ở bụng. Đặc biệt khi nắn, bóp vào vùng da bị phù có thể thấy nơi đó bị lõm xuống khá lâu mới đầy lên được. Tuy nhiên, trong trường hợp phù nhẹ thì nhiều khi xác định không dễ dàng.

Cần phân biệt rõ giữa phù và xuống máu chân. Trường hợp thai đã lớn, tử cung to đè vào các mạch máu vùng chậu hông, cản trở phần nào máu chảy về tim thì hai chi dưới của thai phụ có thể cứ buổi chiều lại hơi bị sưng.

Đây là hiện tượng xuống máu. Để phân biệt xuống máu chân với phù, khi ngồi nghỉ hay nằm ngủ, thử dùng gối để gác chân lên cao, nếu là xuống máu chân thì buổi sáng ngủ dậy, chân sẽ trở lại bình thường, nếu ngược lại thì là bị phù.

3. Cân nặng

Nếu thai nghén phát triển bình thường thì trong suốt thai kỳ, người phụ nữ có thể tăng thêm trung bình 12kg (trong đó 3 tháng đầu chỉ tăng khoảng 1kg, ba tháng giữa tăng trung bình 5kg và vào 3 tháng cuối tăng khoảng 6kg). Nếu thấy cân tăng nhanh, quá mức bình thường thì khả năng bị phù nề rất cao. Thời gian theo dõi những tháng đầu chỉ cần nửa tháng/lần, còn vào ba tháng cuối cần mỗi tuần/lần. Khi đã nghi ngờ bị phù, phải theo dõi liên tục hàng ngày.

4. Số lần đi tiểu và lượng nước tiểu

Đối với phụ nữ mang thai, sự bài tiết nước tiểu không khác  nhiều so với trước. Mùa hè tiểu ít hơn mùa đông, số lượng mỗi ngày trung bình từ 1,2 đến 1,5 lít nhưng số lần đi tiểu trong ngày có thể nhiều hơn do tử cung to dần lên đè vào bàng quang gây kích thích mót tiểu. Nếu thấy ăn uống vẫn bình thường mà tiểu tiện lại ít đi cả về số lần lẫn số lượng thì phải chú ý phát hiện các dấu hiệu khác của phù.

BS. Nguyễn Thiết