Cây lược vàng có phải là “thần dược”?

(ANTĐ) - Bắt đầu từ cuối năm 2008, tại một số tỉnh, thành phố rộ lên thông tin về cây lược vàng có thể chữa được bách bệnh. Rất nhiều trung tâm nghiên cứu đã vào cuộc và kết quả cho thấy, cũng như nhiều loại cây đã được “đồn thổi” trước đây, cũng chỉ có những công dụng nhất định, nhưng từ sự thiếu hiểu biết đã dẫn đến thông tin đó là những loại “thần dược”.

Cây lược vàng có phải là “thần dược”?

(ANTĐ) - Bắt đầu từ cuối năm 2008, tại một số tỉnh, thành phố rộ lên thông tin về cây lược vàng có thể chữa được bách bệnh. Rất nhiều trung tâm nghiên cứu đã vào cuộc và kết quả cho thấy, cũng như nhiều loại cây đã được “đồn thổi” trước đây, cũng chỉ có những công dụng nhất định, nhưng từ sự thiếu hiểu biết đã dẫn đến thông tin đó là những loại “thần dược”.

Theo thầy thuốc ưu tú, dược sỹ chuyên khoa II Đỗ Huy Bích thì cây lược vàng là một loại cây cỏ bình thường, có nguồn gốc ở Mexico, được di thực sang nước Nga, rồi đến Việt Nam (đầu tiên là tỉnh Thanh Hóa). Nay đã phát triển rộng ra nhiều tỉnh khác, đặc biệt là Hà Nội. ở chợ cây Hoàng Hoa Thám, người ta háo hức đổ xô đi mua cây lược vàng với giá cao, có khi đến 40-50.000 đồng/cây.

Đã có thời điểm, cây được liệt vào loại hàng bán chạy, cung không đủ cầu. Cây có tên khác là lan vòi, địa lan vòi, lan rũ, ban đầu, cây lược vàng được coi là một loại cây cảnh như cây thiết mộc lan, vạn niên thanh. Sở dĩ nó trở nên “nổi tiếng” có công dụng chữa được bách bệnh là nhờ một bài báo đăng trên Tạp chí 30 K “Sức khỏe và Đời sống” của Nga mà tác giả là Vladimir Ogarkov.

Theo lời kể của những người từng dùng, lược vàng có thể chữa được các bệnh: viêm răng, lợi, niêm mạc miệng, viêm họng, rượu ngâm lược vàng (thân, lá) chữa các bệnh khối u nội tạng, điều trị sau phẫu thuật cắt bỏ khối u, bệnh dạ dày, gan, đường tiết niệu, tiểu đường, tim mạch... Lá cũng có thể dùng để xoa bóp chữa chấn thương do va đập, đau nhức, thoái hóa khớp xương, đốt sống... Đây là một loài cây dễ trồng và mọc nhanh như khoai lang, cắt bất kỳ một nhánh nào cắm xuống đất cũng sống.

Có thể cây lược vàng là một dược liệu quý nhưng cũng có thể chỉ là cây thuốc dân gian bình thường vì Việt Nam chưa có một công trình khoa học chuyên sâu nào nghiên cứu về tác dụng sinh học, liều dùng và cả độc tính của cây lược vàng. Không rõ nó được đưa vào nước ta từ khi nào, nhưng trong các sách về hệ thực vật cũng như sách cây thuốc Việt Nam thì không tìm thấy tên cây này. TS Nguyễn Duy Thuần, Phó Viện trưởng Viện Dược liệu - Bộ Y tế, cho rằng không thể có một loại thuốc nào có thể chữa bách bệnh.

Trong đông y, cách sử dụng thuốc không bao giờ giống nhau, tùy theo từng thể trạng. Vì vậy, sẽ rất nguy hại nếu người dân chữa bệnh theo lời đồn thổi. Ông Thuần dẫn chứng, trước đây cũng có một thời gian dư luận đồn thổi về nấm cổ linh chi, rồi đổ xô tìm mua với giá “cắt cổ”. Tuy nhiên, sau 3 năm nghiên cứu, các nhà khoa học đưa ra kết luận: Nấm cổ linh chi chỉ có tác dụng miễn dịch chút ít, công dụng chẳng khác gì linh chi thường.

Và vì đây là một loại dược liệu có liên quan đến sức khỏe người dân nên Viện Dược liệu Bộ Y tế đã không đứng ngoài cuộc. Trước khi tiến hành nghiên cứu, nhóm nghiên cứu cho rằng dược liệu này có thể có tác dụng chống viêm, kháng khuẩn và tăng khả năng miễn dịch của cơ thể. Tuy nhiên, các kết quả thử tác dụng chống viêm cấp trên thực nghiệm với liều dùng tương đương với 50g dược liệu tươi/kg thể trọng cho thấy lược vàng không có tác dụng chống viêm, thậm chí cao chiết cồn 50% từ thân lược vàng còn tăng phản ứng viêm.

Và còn bất ngờ hơn cây thần dược đã làm... chết chuột thí nghiệm. Tại Việt Nam, cây lược vàng chưa được nghiên cứu mà chủ yếu mới chỉ được dùng chữa bệnh theo kinh nghiệm. Người dân sử dụng lá và thân cây lược vàng làm thuốc để chữa nhiều bệnh khác nhau như viêm đường hô hấp, viêm đường tiêu hóa, viêm tiết niệu, viêm khớp, đến các bệnh tim mạch, huyết áp, ung bướu.

Người Việt Nam thường có thói quen làm theo những người xung quanh và đôi khi chưa có căn cứ khoa học cũng đã tự mình cho rằng loại cây đó, con vật đó có thể chữa được bệnh. Tiến sỹ Trịnh Thị Điệp, Trưởng nhóm nghiên cứu về loại cây này thông tin rằng: Đây mới chỉ là những nghiên cứu bước đầu chưa khẳng định được rằng lược vàng có công dụng nhiều hơn hay tác hại nhiều hơn, vì thế người dân cần thận trọng khi sử dụng, không nên quá tin tưởng vào những lời truyền miệng mà phải có căn cứ khoa học.

Châu Anh