Cấp cứu người bị ngạt nước

(ANTĐ) - Mùa mưa lũ vẫn chưa qua. Ngay giữa đường phố Hà Nội, khi một cơn mưa lớn đi qua, nguy cơ ngạt nước (còn gọi là chết đuối, đuối nước) hoàn toàn có thể xảy ra. Dù bạn ở nông thôn hay thành thị, bạn vẫn nên trang bị những kiến thức để cấp cứu người bị ngạt nước bất kể lúc nào.

Cấp cứu người bị ngạt nước

(ANTĐ) - Mùa mưa lũ vẫn chưa qua. Ngay giữa đường phố Hà Nội, khi một cơn mưa lớn đi qua, nguy cơ ngạt nước (còn gọi là chết đuối, đuối nước) hoàn toàn có thể xảy ra. Dù bạn ở nông thôn hay thành thị, bạn vẫn nên trang bị những kiến thức để cấp cứu người bị ngạt nước bất kể lúc nào.

Thanh niên quận 2, TP Hồ Chí Minh thực hành sơ cấp cứu người ngạt nước
Thanh niên quận 2, TP Hồ Chí Minh thực hành sơ cấp cứu người ngạt nước

Nguyên tắc “bất di bất dịch”

Người bị ngạt nước thường bị mê man, ngừng tim, ngừng thở và giảm thân nhiệt. Trong dạ dày và phổi thường có nước. Vì thế, việc cấp cứu người ngạt nước phải đảm bảo 2 phương châm (sơ cứu tại chỗ, tích cực, đúng phương pháp; Kiên trì cấp cứu trong nhiều giờ) và 3 yêu cầu (Làm thông thoáng đường hô hấp; Đưa được nhiều oxy cho nạn nhân; Chống lại rối loạn tuần hoàn và hô hấp).

Hiện nay, có rất nhiều người khi lao xuống cứu người bị nước cuốn trôi cũng đã phải chung số phận. Có thể là do một phần trong thời điểm đó, người cứu không đủ bình tĩnh và thời gian để thực hiện đúng những nguyên tắc trong cứu người chết đuối. Khi thấy người đang trôi trong nước, nếu có điều kiện thì đuổi theo, nắm tóc nạn nhân, đưa đầu họ nhô lên khỏi mặt nước. Sau đó, tát nhanh 3 cái thật mạnh vào má để gây phản xạ thở và hồi tỉnh rồi mới quàng tay qua nách, dìu nạn nhân vào bờ. Khi chân người đi cứu chạm đến đất, ngay lập tức làm động tác hô hấp miệng - miệng.

Khi đã đưa được nạn nhân lên bờ, để nạn nhân nằm sấp, người cứu nạn vòng 2 tay qua bụng, nâng bụng dốc đầu xuống để nước ở dạ dày và phổi dốc ra. Làm 10 lần. Nếu nạn nhân là trẻ nhỏ, cầm 2 chân dốc ngược, phát vào mông 5 cái. Các động tác trên làm không quá 1 phút. Lúc này, tuyệt đối không nên vác bệnh nhân chạy đi tìm người cấp cứu, vì sẽ mất thời gian quý báu, dù chỉ 1 phút.

Sau những động tác trên, để nạn nhân nằm ngửa, cổ ưỡn, đầu nghiêng về một bên. Dùng khăn hay gạc lau sạch mũi, miệng, họng. Cần tiến hành ngay hô hấp miệng - miệng. Nếu ngừng tim thì phải ấn tim ngoài lồng ngực cho đến khi tim đập, phổi thở trở lại, hoặc đến khi tốp cấp cứu tuyến trên đến chi viện.

Bạn có thể thấy nỗ lực của mình có thành công hay không nhờ quan sát những dấu hiệu sau: Sau khi ấn tim và thổi ngạt mà thấy nạn nhân giãy giụa, kêu rên hoặc còn hôn mê nhưng có mạch và tự thở thì hy vọng có thể sống sót. Lúc này, việc tiếp theo là vận chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để điều trị. Trên đường đi cần phải truyền dịch, thở oxy, ủ ấm cho nạn nhân. Còn nếu như sau một giờ cấp cứu mà tim không đập, phổi không thở trở lại thì việc cứu nạn nhân coi như không kết quả.

Những kỹ thuật cần thiết

Muốn cứu được người, bạn phải biết cách hà hơi thổi ngạt. Trước tiên, hãy móc và lau sạch chất nôn trong miệng nạn nhân. Bạn - người cứu nạn ngồi bên trái. Bàn tay trái đỡ gáy, bàn tay phải để lên trán nạn nhân sao cho đầu nạn nhân ưỡn ngửa. Dùng ngón cái và ngón trỏ tay phải bóp mũi nạn nhân. Hít một hơi thở sâu, áp miệng vào miệng nạn nhân rồi dùng hết sức thổi vào phổi nạn nhân. Thấy lồng ngực nạn nhân phồng lên là đúng cách. 

Kỹ thuật xoa bóp tim ngoài lồng ngực cũng hết sức quan trọng. Nạn nhân phải được đặt trên một nền đất cứng trên bờ hay trên thuyền. Người cứu nạn quỳ bên phải nạn nhân. Đấm vào vùng trước tim 5 cái rồi bắt chéo hai bàn tay (trái dưới, phải trên), đặt lòng bàn tay lên phần dưới xương ức nạn nhân, ấn thật mạnh sao cho mỗi lần ấn, người khác có thể bắt thấy mạch ở cổ tay hay mạch đùi của nạn nhân, không sợ nạn nhân bị gãy xương sườn. Nếu có hai người cứu nạn thì một người ấn tim, một người thổi ngạt. Nếu chỉ có một người cứu nạn thì vừa ấn tim, vừa thổi ngạt. Nguyên tắc là ấn tim 5 lần, thổi ngạt 1 lần.

Không phải chỗ nào bạn cần cũng có cán bộ y tế. Bởi thế, để tự cứu mình và những người xung quanh, hãy trang bị những kiến thức tối thiểu.

Phương Dung