Theo tin được đăng tải chính thức tại cổng thông tin của Bộ năng lượng Myanmar ngày 18/01, chính phủ Myanmar đã quyết định mở gói thầu 18 lô dầu khí ngoài khơi Myanmar, mời thầu rộng rãi đến tất cả các nhà thầu quốc tế có “hảo ý”.
Đây là kế hoạch đấu thầu năng lượng trên biển lần thứ 2 kể từ năm 2011 trở lại đây của chính phủ Myanmar. Hồ sơ dự thầu sẽ được tiếp nhận trong vòng 2 tháng tới, công ty nào trúng thầu sẽ ký kết hợp đồng khai phá với công ty năng lượng quốc doanh Myanmar.
Tổng thống Mỹ Barak Obama và ngoại trưởng Hilary Clinton vẫy chào người dân Myanmar
Thôg tin trên cho biết, Myanmar có khoảng 50 lô dầu khí hải dương, số lượng mời thầu lần này chiếm khoảng trên 1/3 số lô dầu khí mà họ có. Trong lần đấu thầu đầu tiên vào tháng 8 năm 2011, đại bộ phận các công ty tham gia dự thầu đều đến từ châu Á, kết quả là các công ty nước ngoài đã trúng thầu 9 trên tổng số 18 lô dầu khí.
Nhưng đến lần đấu thầu này, các nước phương Tây đều đã dỡ bỏ lệnh cấm vận kinh tế đối với Myanmar, chắc chắn lần đấu thầu này sẽ thu hút rất nhiều nhà thầu quốc tế, mà chắc chắn trong đó không thể thiếu các nhà thầu Mỹ, Nhật, đây chính là điều mà Trung Quốc lo ngại nhất cho đưa con cưng của họ là Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC).
Các nhà thầu Nhật Bản thì thực sự không đáng ngại, Nhật Bản chỉ mạnh về lĩnh vực lọc, hóa dầu, tuy nhiên các nhà thầu Mỹ, Australia… đều là các tâp đoàn khai thác dầu khí hàng đầu thế giới, Trung Quốc lo lắng chính phủ Myanmar sẽ có sự thiên lệch trong đánh giá các hồ sơ mời thầu.
Sư lo lắng của Trung Quốc không phải là không có cơ sở, bắt đầu bằng sự kiện chính phủ Myanmar hoãn cuộc đấu thầu 10 lô dầu khí trên bờ và 10 lô ngoài khơi năm 2012 để chiều lòng một số tập đoàn phương Tây và cho đến bây giờ vòng 2 cuộc đấu thầu này lại được tái khởi động với 18 lô dầu khí ngoài khơi.
Cái bắt tay nồng ấm của Tổng thống Myanmar U Thein Sein dành cho Phó Thủ tướng
kiêm Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso
Khi đó, vào tháng 9 năm 2012, chính phủ Myanmar đã quyết định mời thầu quốc tế 20 lô dầu khí, kế hoạch đấu thầu triển khai rất thuận lợi trong giai đoạn đầu khi cũng đa số các công ty dự thầu đến từ châu Á, tuy vậy sau khi một số tập đoàn khai thác phương Tây như Conoco Phillips, Hess Corp, Royal Dutch Shell, BP, BG Group và tập đoàn Woodside Petroleum của Australia ngỏ ý muốn tham gia đấu thầu, thì chính phủ Myanmar đã quyết định hoãn cuộc đấu thầu này với lí do cần thêm thời gian để họ hoàn thiện các quy định về “tính minh bạch, môi trường, xã hội và các tác động đến hệ sinh thái”.
Với khoảng 11-23 nghìn tỷ mét khối khí gas trong các mỏ dự trữ và mức sản lượng khai thác mỗi ngày 19.600 thùng dầu và 1.475 tỷ mét khối khí gas, chính phủ Myanmar đang dự định đẩy mạnh nền công nghiệp khai thác và lọc, hóa dầu để làm xương sống cho toàn bộ nền kinh tế, đây cũng chính là cơ hội hợp tác làm ăn lớn đối với các tập đoàn dầu khí nước ngoài.
Trước đây, khi Myanmar còn là “sân sau” của Trung Quốc thì tất nhiên người Trung Quốc chẳng hề phải lo lắng, nhưng kể từ khi “mùa xuân Myanmar” ập đến mang theo “hoa cỏ phương Tây” thì lập tức trong 3 dự án đầu tư lớn của Trung Quốc vào Myanmar phát sinh 2 vấn đề nổi cộm: kế hoạch xây dựng đập nước khổng lồ Myitsone trên sông Irawadi có tổng vốn đầu tư 3,6 tỷ USD đã bị đình chỉ, dự án khai thác mỏ đồng do tập đoàn xây dựng điện lực Trung Quốc đảm nhận ở núi Latbadaung - Thành phố Monywa, vùng Sagaing trị giá 1 tỷ USD cũng phải ngừng khai thác. Gần đây, Trung Quốc và Myanmar còn có một số mâu thuẫn trong vấn đề Myanmar dùng máy bay truy kích phiến quân Kachin khiến chúng phải chạy trốn sang lãnh thổ Trung Quốc, gây nhiều rắc rối ở khu vực Vân Nam - Trung Quốc.
Trung Quốc lo sợ những nguồn lợi dầu khí béo bở sẽ vuột khỏi tay mình
Hiện nay, quan hệ giữa Myanmar và các nước phương Tây đứng đầu là Mỹ, Nhật hiện đang ngày càng nồng ấm. Tổng thống Mỹ Obama đã đến Yangoon mang theo rất nhiều cam kết hợp tác về quân sự và kinh tế, Nhật đang dần rút vốn đầu tư khỏi Trung Quốc, chuyển hướng đầu tư sang Myanmar. Người Trung Quốc lo lắng chính các vấn đề về chính trị sẽ ảnh hưởng đến đầu tư về kinh tế, họ sợ rằng từ nay trở về sau Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) sẽ không có cơ hội nào trong các cuộc đấu thầu dầu khí ở mảnh đất đã từng là “sân sau” của mình.