Khí thải công nghiệp đang làm tăng hiệu ứng nhà kính
Bình thường, Trái đất nhận năng lượng từ Mặt trời dưới dạng các bức xạ sóng ngắn làm bề mặt Trái đất nóng lên. Bề mặt Trái đất nóng lên lại bức xạ năng lượng vào khí quyển nhưng dưới dạng các bức xạ bước sóng dài, chủ yếu là các bức xạ nhiệt. Vì các bức xạ sóng dài không có khả năng xuyên qua “khí nhà kính” gồm chủ yếu là khí CO2, hơi nước…, nên bề mặt Trái đất tiếp tục ấm lên. Hiện tượng này được gọi là “hiệu ứng nhà kính”.
Chính nhờ “hiệu ứng nhà kính” mà nhiệt độ của bề mặt Trái đất mới thuận hòa như hiện nay. Còn nếu không, nhiệt độ Trái đất sẽ tụt xuống - 22 độ C. Nhưng nếu tác động của “hiệu ứng nhà kính” quá giới hạn thì Trái đất sẽ nóng dần lên, gây biến đổi khí hậu với hệ quả vô cùng nghiêm trọng. Các nhà khoa học đã xác định nguyên nhân chính gây nên “hiệu ứng nhà kính” là lượng khí CO2 và các loại khí thải giữ nhiệt mà loài người thải ra liên tục tăng theo thời gian.
Theo ước tính, kể từ khi thế giới bước vào kỷ nguyên công nghiệp năm 1750, khoảng 375 tỷ tấn carbon đã được thải vào khí quyển như khí CO2, chủ yếu do quá trình đốt cháy các nhiên liệu trong lòng đất. Khoảng một nửa khối lượng khí CO2 này tiếp tục tồn tại trong không khí, làm tăng “hiệu ứng nhà kính”. Nếu như không ngăn chặn kịp thời, nhiệt độ Trái đất có thể tăng thêm 4 độ C vào năm 2060, kéo theo băng ở hai cực sẽ tan làm mực nước biển dâng lên, nhiều vùng trên Trái đất sẽ chìm dưới biển. Trong khi đó, nhiều vùng khác lại hạn hán, nước mặn thấm vào mạch nước ngầm, hủy hoại nông nghiệp và ảnh hưởng đến việc cung cấp nước ngọt…
Chính vì thế mà năm 1997, 193 nước thành viên Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (UNFCCC) đã quyết định Nghị định thư Kyoto về cắt giảm “khí thải nhà kính”. Theo đó, 37 quốc gia gồm các nước công nghiệp và các nước đang chuyển sang nền kinh tế thị trường, phải cam kết và bắt buộc cắt giảm và hạn chế lượng khí thải, nhằm ngăn chặn những tác động nguy hiểm cho con người qua các địa tầng khí hậu.
Tuy nhiên, con đường đi tới mục tiêu mà Nghị định thư Kyoto đề ra không dễ dàng. Sau nhiều lần đàm phán mà không có đột phá nào, nhiệm vụ này ngày càng khó khăn hơn trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái và việc Nga, Nhật Bản và Canada rút khỏi Nghị định thư Kyoto. Các nước này cho rằng việc gia hạn nghị định này sẽ trở nên vô nghĩa nếu các nước đang phát triển mạnh mẽ và tạo ra phần lớn lượng khí thải như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Nam Phi không bị ràng buộc bởi bất cứ cam kết nào tương tự.
Chính vì thế mà trong 12 ngày họp tại Doha lần này, các đại biểu đến từ gần 200 nước trên thế giới phải tìm được tiếng nói chung trong việc gia hạn Nghị định thư Kyoto năm 1997. Trách nhiệm lịch sử trong việc cắt giảm khí thải, nguyên nhân chính dẫn đến “hiệu ứng nhà kính”, vẫn là chủ đề chính tại Hội nghị lần này. Người ta hy vọng Hội nghị sẽ đặt nền móng cho một hiệp định cắt giảm khí thải mở rộng đối với tất cả các nước, dự kiến khởi động đàm phán vào năm 2015 và có hiệu lực vào năm 2020. Tương lai của Trái đất phụ thuộc vào việc liệu các nước có giải quyết được thách thức căn bản của Nghị định thư Kyoto hay không.