Cử tri Pháp đi bỏ phiếu bầu Tổng thống hôm 6-5
Bộ Nội vụ Pháp cho biết, tính đến trưa ngày 6-5, đã có gần 1/3 trong tổng số 46 triệu cử tri Pháp đi bỏ phiếu, tỷ lệ này cao hơn so với cuộc bầu cử Tổng thống vòng 1 hôm 22-4. Tổng thống Sarkozy cùng phu nhân Carla Bruni - Sarkozy đi bỏ phiếu tại một trường trung học ở quận 16, Paris, trong khi đối thủ Hollande cùng bạn gái Valerie Trierweiler bỏ phiếu tại thành phố quê hương Tulle, miền Trung nước Pháp, nơi ông làm thị trưởng từ năm 2001-2008.
Trong cuộc bầu cử vòng 1, ông Hollande đã giành được 28,63% phiếu bầu, so với 27,18% phiếu của ông Sarkozy. Trong những ngày cuối cùng của chiến dịch tranh cử, hai ứng viên tăng cường lôi kéo sự ủng hộ từ cử tri của những ứng viên dừng chân ở vòng 1 là bà Marine Le Pen và ông Francois Bayrou. Bà Le Pen, Chủ tịch Đảng Mặt trận quốc gia, giành được 18% số phiếu ở vòng bầu cử đầu tiên, tuyên bố bà bỏ phiếu trắng trong cuộc bầu cử vòng 2. Các nhà quan sát cho rằng, nhiều cử tri ủng hộ bà Le Pen cũng sẽ làm vậy. Trong khi đó, ông Bayrou, Chủ tịch Phong trào dân chủ, đạt được 9% tổng số phiếu hôm 22-4, cho biết ủng hộ ứng viên đảng Xã hội Francois Hollande.
Theo kết quả các cuộc thăm dò ý kiến hôm 4-5, có dấu hiệu cho thấy ông Sarkozy có khả năng thu hẹp khoảng cách so với đối thủ. Tuy nhiên, những lo ngại về tăng trưởng kinh tế trì trệ, thất nghiệp gia tăng và những biện pháp “thắt lưng buộc bụng” của Chính phủ đã khiến nhiều cử tri quay sang ủng hộ đảng Xã hội. Nhiều cử tri Pháp cũng tỏ ra không ưa phong cách hào nhoáng của Tổng thống Sarkozy trong 5 năm nắm quyền, trong khi chào đón cam kết của ông Hollande là trở thành một “Tổng thống khiêm nhường”. Nếu đắc cử, ông Hollande sẽ trở thành Tổng thống Pháp đầu tiên của đảng Xã hội sau ông Francois Mitterrand. Luật bầu cử Pháp cấm không được công bố kết quả thăm dò ý kiến trước khi các điểm bỏ phiếu đóng cửa lúc 20h (giờ địa phương) ngày 6-5.