Người tạo niềm tin cho nước Pháp

ANTĐ - Với gần 52% số phiếu giành được, ông Hollande đã trở thành tân Tổng thống Pháp, đặt dấu chấm hết cho thời kỳ cầm quyền của phe hữu kéo dài suốt từ năm 1995, đồng thời đưa ông Sarkozy trở thành Tổng thống đầu tiên trong lịch sử Pháp thất bại ở vòng hai của cuộc bầu cử.

Ông Francois Hollande cùng người ủng hộ ở Tulle 

Là cựu sinh viên trường Hành chính quốc gia, ông Hollande còn sở hữu những tấm bằng danh giá của các trường lớn khác như Học viện Thương mại Paris, Học viện Khoa học chính trị. Con đường chính trị của ông Hollande bắt đầu từ năm 1979, khi ông gia nhập đảng Xã hội Pháp và chỉ sau 2 năm ông đã trở thành cố vấn đặc biệt cho Tổng thống F. Mitterrand.

Tuy nhiên, con đường đến Điện Elysee của ông Hollande không phẳng lặng. Từng lãnh đạo đảng Xã hội Pháp suốt 11 năm (1997-2008), nổi lên như ứng cử viên sáng giá nhất của đảng Xã hội cho chức tổng thống ngay từ sau chiến thắng vang dội của phe tả trong cuộc bầu cử các vùng vào năm 2004, vậy mà gần một thập kỷ sau, giấc mơ quyền lực của ông Hollande mới thành hiện thực. 

Nay khi đã chính thức ngồi vào chiếc ghế tổng thống trong Điện Elysee nhưng phía trước ông Hollande vẫn là những thách thức, trước hết là trong lĩnh vực kinh tế, chủ đề nóng nhất trong chiến dịch tranh cử. Kinh tế Pháp đang gặp nhiều vấn đề, mục tiêu tăng trưởng mà người tiền nhiệm Sarkozy đặt ra trong năm 2012 là 1,7%, nhưng các số liệu thống kê quý I-2012 cho thấy con số đạt được chỉ 0,2%, còn dự báo cả năm có thể chỉ đạt 0,7%. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục có chiều hướng gia tăng và có thể vượt ngưỡng 10%, tức là sẽ có thêm 214.000 người thất nghiệp trong năm nay.

Tuyên bố trong chiến dịch tranh cử, ông Hollande hứa sẽ đánh thuế thu nhập tới mức 75% đối với tầng lớp người siêu giàu, đồng thời đòi thương lượng lại một hiệp ước của Liên minh châu Âu về việc giảm chi tiêu công nhằm ngăn chặn những cuộc khủng hoảng nợ công tương tự như cuộc khủng hoảng ở Hy Lạp. Mục tiêu mà ông Hollande đề ra là thay đổi chính sách “thắt lưng buộc bụng” đã không còn là lựa chọn duy nhất trong nỗ lực giảm thâm hụt ngân sách và đang gặp sự phản đối mạnh của người dân.

 Nhưng hiện mức nợ công của Pháp đã vượt ngưỡng 1.700 tỷ euro, trong đó phần lớn do các chủ nước ngoài nắm giữ. Dự kiến, mức nợ công của Pháp sẽ tăng trong năm nay và lên tới đỉnh điểm 89% GDP vào năm 2013. Nhiều chuyên gia tỏ ý nghi ngờ khả năng của ông Hollande trong việc quản lý chi tiêu công và tăng nguồn thu ngân sách. Trong khi đó, thâm hụt mậu dịch của Pháp trong năm 2011 đã tăng lên mức kỷ lục là 70 tỷ euro và chiều hướng này ngày càng trở nên nghiêm trọng. Điều đó chứng tỏ sự yếu kém của nền sản xuất và đặc biệt là của ngành công nghiệp Pháp, cho thấy nước này ngày càng tụt hậu so với đối tác và cũng là đối thủ Đức.

Người dân Pháp đang đặt nhiều kỳ vọng vào sự thay đổi và một diện mạo mới cho nước Pháp trên cả bình diện đối nội và đối ngoại với chiến thắng của ông Hollande.

“Rùa thắng thỏ”

Hãng tin France 24 đã ví như vậy khi nhận xét về chiến thắng của ông Francois Hollande. “Lịch sử đã chỉ ra rằng, trong cuộc đua giữa rùa và thỏ, chậm và chắc làm nên thành công”, tờ này viết.

Sự nghiệp chính trị của ông Francois Hollande thăng tiến chậm mà chắc nhưng điều mà cử tri Pháp nhớ về ông vẫn là hình ảnh một “Người đàn ông khiêm nhường”, trái ngược hẳn với vẻ hào nhoáng của ông Nicolas Sarkozy. Ông Francois Hollande, 57 tuổi, được người xem là người ôn hòa, nhã nhặn, dễ gần, thân thiện và đặc biệt hay cười. Ngay trận tranh luận nảy lửa trên truyền hình trước vòng 2 bầu cử, trong khi đối thủ Sarkozy khiêu khích, hùng hổ thì ông Hollande vẫn giữ thái độ hòa nhã, tự tin. Thường ngày ông hay đi làm bằng chiếc xe mô tô hai bánh Scooter. Gần đây người ta còn ghi lại được hình ảnh ông mua trái cây trong siêu thị Paris và ông nói sẽ vẫn tiếp tục “đi chợ” sau khi trúng cử “nếu tủ lạnh nhà tôi trống trơn”.
“Đệ nhất phu nhân” Pháp tương lai

Người phụ nữ luôn sát cánh với ông Francois Hollande hiện nay cho biết, bà sẵn sàng trở thành đệ nhất phu nhân nước Pháp tương lai nhưng trên hết, vẫn muốn làm một nhà báo, một bà mẹ đi làm. Bà Valérie Trierweiler-Massonneau, 47 tuổi, phóng viên mảng chính trị của tạp chí nổi tiếng Paris Match suốt 20 năm qua bày tỏ, bà có thể đảm nhiệm cả vai trò nghi thức đó mà vẫn đảm bảo sự nghiệp truyền thông, đồng thời tiếp tục chăm sóc cho 3 cậu con trai tuổi vị thành niên trong 2 cuộc hôn nhân trước.

Bạn gái của ông Holland, người tự nhận mình là “người vô tư và đơn giản” thổ lộ, khi có thời gian, bà và ông Hollande thường đi dạo ở vùng quê, ăn tối trên ghế sofa để thưởng thức một bộ phim hay cùng theo dõi tin tức vào tối chủ nhật. Đến nay, họ vẫn chưa công bố tình trạng hôn nhân chính thức.