Thái Lan vừa thông qua dự thảo xây dựng đặc khu kinh tế Dawei - SEZ giáp với Myanmar. Theo quy hoạch, Dawei - SEZ nằm trong khu vực biên giới miền Tây Bắc Thái Lan giáp biên giới phía Nam Myanmar nhằm phát triển hành lang kinh tế kết nối miền Đông và miền Tây Thái Lan với quốc gia láng giềng có thể được xem như bàn đạp kinh tế ở Đông Nam Á.
Bản ghi nhớ về hợp tác phát triển Dawei - SEZ đã được chính phủ hai nước Thái Lan và Myanmar ký từ tháng 5-2008. Song việc triển khai dự án hợp tác lớn giữa hai nước mới trở lên “nóng” khi đích thân Tổng thống Myanmr U Thein Sein và nữ Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra cùng đến thị sát địa điểm xây dựng đặc khu kinh tế này vào trung tuần tháng 12-2012.
Theo Dự thảo quy hoạch, Dawei - SEZ có diện tích trong giai đoạn đầu khoảng 8,96 km2 do một công ty liên doanh phát triển hạ tầng giữa Thái Lan và Italian (ITD) thực hiện. Đặc khu kinh tế này bao gồm các cơ sở sản xuất những mặt hàng công nghiệp nhẹ như dệt may, thực phẩm, đồ gia dụng...
Để phục vụ đặc khu kinh tế Dawei - SEZ, phía Thái Lan chịu trách nhiệm thực hiện phát triển hạ tầng như xây dựng đường sá, cảng biển nước sâu, khu công nghiệp, nhà máy điện, hệ thống xử lý và cung cấp nước, thông tin, và đường sắt cao tốc... Thái Lan cũng có kế hoạch xây cây cầu hữu nghị thứ hai tại biên giới Thái Lan - Myanmar để giảm tình trạng ùn tắc giao thông trên cầu hữu nghị Thái Lan - Myanmar hiện nay.
Do quy mô và vốn đầu tư quá lớn, dự án phát triển đặc khu kinh tế Dawei - SEZ được chia thành nhiều giai đoạn phát triển, trong đó giai đoạn đầu dự kiến hoàn thành vào năm 2015 với vốn đầu tư khoảng 6,8 tỷ USD. Khi hoàn thành vào năm 2019, tổng vốn đầu tư vào đặc khu kinh tế này có thể lên tới con số khổng lồ là 50 tỷ USD.
Cũng do quy mô và đòi hỏi nguồn vốn quá lớn của Dawei - SEZ nên cũng có không ít ý kiến quan ngại của giới chuyên gia kinh tế và cả nhà đầu tư. Cho dù Chính phủ Thái Lan đã cam kết đầu tư 1 tỷ USD để xây dựng một tuyến đường sắt cao tốc từ nội địa nước này tới đặc khu kinh tế Dawei song giới đầu tư nước ngoài vẫn tỏ ra hoài nghi bỏ tiền vào khu vực được xem là xa xôi hẻo lánh trên biên giới Thái Lan-Myanmar trong khi các nhà đầu tư Nhật Bản và Hàn Quốc đều đang rất quan tâm tới Khu kinh tế Thilawa ở Rangoon, Myanmar.
Còn có đánh giá và tiếp cận khác nhau về Dawei - SEZ nhưng dự án đặc khu kinh tế này cũng cho thấy sự hấp dẫn của môi trường đầu tư ở Myanmar. Sau những cải cách mạnh mẽ cả về chính trị và kinh tế, quốc gia Đông Nam Á này đang thu hút sự quan tâm rất lớn của thế giới, đặc biệt là các nhà đầu tư.
Ngân hàng thế giới (WB) nhận định Myanmar đang thể hiện tăng trưởng kinh tế mạnh, là một “điểm sáng” ở châu Á có thể giúp thúc đẩy các nền kinh tế trong khu vực. Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng cho rằng, với cam kết cải cách mạnh mẽ, Myanmar có tiềm năng cải thiện rõ rệt đời sống người dân và nổi lên như một “ngôi sao” tiếp theo của châu Á.