Giải mã sự liên quan của chuyến đi này với chính sách “chuyển trọng tâm chiến lược sang châu Á – Thái Bình Dương” mà chính phủ của ông Obama đã thực hiện 1 năm nay, các nhà phân tích cho rằng, thực chất của chiến lược này là nhằm ngăn chặn sự ảnh hưởng về kinh tế và chính trị đang ngày càng lớn dần của Trung Quốc ở khu vực này.
Ông Michael Green, cựu quan chức cấp cao của Nhà trắng, hiện là chuyên gia về các vấn đề bắc Á thuộc trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế Washington (CSIS) cho biết, xét từ nhiều góc độ khác nhau, việc tổng thống Obama đến thăm 3 nước Thái Lan, Myanmar và Campuchia đã chứng tỏ vị thế quan trọng của các nước Đông nam Á trong chính sách chuyển trọng tâm chiến lược sang châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ.
Thái Lan sợ trở thành “đầu cầu” trong chiến lược chuyển trọng tâm của Mỹ
Ông Green cho biết, đây là 3 quốc gia “có mối quan hệ phức tạp” với Mỹ và Trung Quốc. Tuy Thái Lan là đồng minh lâu năm của Mỹ tại châu Á nhưng mấy năm gần đây họ đang dần nghiêng về phía Trung Quốc.
Sau cuộc chính biến quân sự Thái Lan năm 2006, sự thay đổi này đã bắt đầu rõ nét hơn, Hoa Kỳ đã buộc phải xem xét lại quan hệ hợp tác quốc phòng với Thái Lan và trì hoãn viện trợ cho Thái trong hơn 1 năm. Kết quả một cuộc thăm dò dân ý tổ chức năm 2009 đã cho thấy, ngoài Trung Quốc ra, Thái Lan chính là mối đe dọa lớn nhất của Mỹ ở châu Á.
Tổng thống Obama đang chiêm ngưỡng pho tượng phật khổng lồ
ở chùa Wat Pho Royal ở Bangkok, ngày 18/11/2012
Mới đây, chính phủ Thái Lan đã thẳng thừng từ chối đề nghị của Cục hàng không vũ trụ Quốc gia Mỹ (NASA) về việc cho phép sử dụng căn cứ không quân Utapao ở đông nam Bangkok để nghiên cứu tầng khí quyển. Sự việc này chính là sự phản ánh những mâu thuẫn trong tư tưởng dựa dẫm vào Mỹ hay nghiêng về Trung Quốc của Thái Lan.
Người Thái lo lắng Mỹ có ý đồ biến nước mình thành một căn cứ quân sự trong chính sách chuyển hướng về châu Á – Thái Bình Dương. Hơn nữa, trong vấn đề tăng cường quan hệ Mỹ - Thái, họ cũng không có những động thái chứng minh thiện ý trong các vấn đề phi quân sự như: anh ninh lương thực, an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường, điều này càng làm cho người Thái thất vọng.
Chuyên mục Thời chính của tờ “Dân tộc” (The Nation) - Thái Lan cũng mới có bài phân tích về vấn đề này. Họ cho rằng, từ trước đến nay, Thái thường đáp ứng đầy đủ những đề nghị hợp tác bí mật của Mỹ liên quan đến sử dụng các căn cứ không quân và bảo đảm hậu cần, phục vụ cho chiến lược quân sự của Mỹ. Nhưng ngược lại, Mỹ chỉ quan tâm đến vấn đề an ninh quốc gia của mình chứ không để ý đến quyền lợi của đồng minh. Cũng có báo của Thái Lan cho rằng, sau chuyến thăm lần này của tổng thống Obama, Thái và Mỹ sẽ phải ký kết những hiệp ước hợp tác quân sự một cách rõ ràng.
Tổng thống Obama và Ngoại trưởng Hillary Clinton vẫy tay chào người dân Myanmar
Ông Green chỉ ra, ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực này đang ngày càng lớn, họ rất chú trọng đến các biện pháp hai bên cùng có lợi nên đã xây dựng nên một hình tượng tốt đẹp trong con mắt Thái Lan. Sau cuộc đảo chính quân sự năm 2006, vị thế của Trung Quốc càng ngày càng được củng cố bởi vì Mỹ không ủng hộ cuộc chính biến này, còn Trung Quốc thì rất khôn khéo khi khẳng định, họ không có ý kiến gì vì đó là vấn đề nội bộ của người Thái.
Myanmar mượn tay Mỹ để hạ thấp ảnh hưởng của Trung Quốc
Trước đây, Mỹ và các nước phương Tây luôn o ép chính phủ quân sự Myanmar, vô hình trung đã biến Trung Quốc trở thành đồng minh lớn nhất của họ. Trung Quốc đã đổ rất nhiều tiền của giúp Myanmar xây dựng cơ sở hạ tầng, đập thủy điện, lắp đặt hệ thống đường ống khí đốt thiên nhiên, vừa giúp phát triển kinh tế Myanmar vừa đáp ứng nhu cầu năng lượng đang ngày một gia tăng ở khu vực phía tây Trung Quốc.
Tuy nhiên, trước sự phản đối của cư dân và các nhóm bảo vệ môi trường, vào năm 2011, tổng thống Thein Sein đã hủy bỏ kế hoạch xây dựng đập thủy điện Myitsone, công trình góp phần cung cấp điện cho Trung Quốc. Thông qua sự việc này, tổng thống Thein Sein cũng biểu thị khả năng Myanmar sẽ rời xa quỹ đạo của Trung Quốc. Thêm nữa, gần đây Mỹ đã quyết định dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt Myanmar và hứa hẹn giúp đỡ đất nước này xây dựng tiến trình dân chủ hóa và tiến hành cải cách, chính phủ Trung Quốc bắt đầu bày tỏ sự lo lắng là Mỹ sẽ làm giảm ảnh hưởng của Trung Quốc tại Myanmar.
Cặp bài trùng Obama và Hylary Clinton sẽ làm được gì trong chuyến công du Đông Nam Á?
Tuy nhiên, trên hành trình bay tới Mỹ thực hiện chuyến thăm lịch sử vào tháng 9 năm nay, tổng thổng Myanmar Thein Sein đã có chặng dừng chân ngắn tại Bắc Kinh. Ông đã bày tỏ ý nguyện của Myanmar là “cực kỳ quan tâm phát triển quan hệ với Trung Quốc, Myanmar sẽ không bao giờ thay đổi quan điểm coi Trung Quốc là người bạn lớn chân chính”. Và dĩ nhiên là dưới dự ủng hộ của chính phủ Thein Sein, dự án khai thác mỏ đồng do tập đoàn xây dựng điện lực Trung Quốc đảm nhận ở núi Latbadaung - Thành phố Monywa, vùng Sagaing đã được triển khai thuận lợi.
Tuy nhiên, trước nỗ lực của Mỹ nhằm tăng cường quan hệ với Myanmar, người Trung Quốc vẫn có cảm giác bất an. Mới đây, quan chức lãnh đạo của tỉnh Vân Nam đã bày tỏ thiện ý: “Chúng ta tin tưởng các nhà lãnh đạo Myanmar có đủ trí tuệ để dẫn dắt công cuộc cải cách, mở cửa của Myanmar. Họ nên biết rằng người Trung Quốc luôn là những người bạn thực sự của Myanmar”.
Campuchia: Điểm đến đau đầu nhất của tổng thống Obama
Campuchia là đồng minh quan trọng nhất của Trung Quốc ở khu vực Đông Nam Á. Trong chuyến công du lần này, đây chính là điểm dừng chân khiến ông Obama đau đầu nhất.
Người Mỹ cho rằng, hơn 20 năm dưới thời của thủ tướng Hun Sen tình hình nhân quyền ở quốc gia nghèo đói này là rất tồi tệ, ASEAN hy vọng tổng thống Obama có thể công khai đề nghị thủ tướng Hun Sen áp dụng các biện pháp cải cách thực sự, làm cho nhân dân Campuchia “có thể nhận được đầy đủ quyền con người và tự do giống như mỗi người dân Mỹ đang được hưởng”.
Đề cập đến hội nghị thượng đỉnh Đông Á tổ chức tại Phnom Penh, ông Matthew Goodman - cựu điều phối viên sự vụ APEC của Nhà Trắng, chủ nhiệm chương trình kinh tế - chính trị của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế cho biết, tại hội nghị thượng đỉnh Đông Á, Trung Quốc và lập trường cứng rắn của họ trong vấn đề chủ quyền đối với các vùng lãnh thổ tranh chấp trên biển nam Trung Hoa (biển Đông) với các quốc gia Đông nam Á sẽ trở thành chủ đề chính của hội nghị.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã tiếp thân mật Tổng thống Mỹ Obama
Ông Goodman cho biết thêm, có thể các nước thành viên Asean sẽ có những tranh cãi kịch liệt về vấn đề này, và tất nhiên sẽ đề cập đến vấn đề tuân thủ các quy định quốc tế về tự do hàng hải, tôn trọng công ước quốc tế và giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình…
Vấn đề biển Đông hiện nay đang là điểm nóng bùng nổ xung đột quân sự tiềm tàng nhất ở châu Á. Đối với Mỹ mà nói, Việt Nam - quốc gia “trước thù, sau bạn” và Philippin - quốc gia có hiệp ước đồng minh với Mỹ sẽ dẫn đầu trong tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc. Và đó là điều người Mỹ phải chú ý trong các biện pháp ngoại giao để hiện thực hóa chiến lược phong tỏa Trung Quốc.