Mảnh vỡ tên lửa Unha-3 của Triều Tiên được Hải quân Hàn Quốc trục vớt
Theo các chuyên gia Hàn Quốc, kết luận này dựa trên việc phân tích 3,2 tấn mảnh vỡ hình trụ dài 7,6m, đường kính 2,4m từ tầng 1 của tên lửa Triều Tiên được các tàu hải quân Hàn Quốc trục vớt ở Biển Hoàng Hải. “Theo kết quả phân tích mảnh vỡ tên lửa 3 tầng Unha-3, chúng tôi cho rằng, tên lửa trên có khả năng đẩy một đầu đạn hạt nhân thô nặng 500-600kg bay hơn 10.000km, tức là có thể chạm tới lãnh thổ nước Mỹ”, một quan chức thuộc Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nói tại buổi họp báo hôm 23-12. Theo quan chức này, tên lửa của Triều Tiên đã sử dụng axít nitric khói đỏ, vốn có thể cất giữ được trong một thời gian dài ở nhiệt độ thường như một chất xúc tác ôxy hóa, trong khi các phương tiện để đưa các vật thể vào không gian thường dùng ôxy hóa lỏng để làm chất xúc tác ôxy hóa.
Những kết quả được công bố từ phía Hàn Quốc càng làm gia tăng những nghi ngờ của Mỹ và các nước phương Tây về vụ phóng tên lửa của Triều Tiên hôm 12-12 vừa qua. Họ cho rằng, vụ phóng trên thực chất là “vỏ bọc” cho một vụ thử nghiệm công nghệ tên lửa đạn đạo liên lục địa.
Trước đó 1 ngày, Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un đã ra lệnh phát triển các tên lửa lớn hơn. Trong bài phát biểu tại bữa tiệc với các chuyên gia, ông Kim Jong-Un đề nghị các nhà khoa học, chuyên gia kỹ thuật phóng thêm nhiều vệ tinh vào không gian, trong đó có các vệ tinh viễn thông và các tên lửa đẩy có khả năng lớn hơn. Ông Kim Jong-Un khẳng định, vụ phóng thành công vệ tinh hôm 12-12 chứng tỏ quyền hợp pháp và độc lập của Triều Tiên trong việc sử dụng không gian vì các mục đích hòa bình. Theo ông Kim Jong-Un, tên lửa, vệ tinh và các thiết bị giám sát do nước này hoàn toàn tự sản xuất.