Loại tên lửa siêu thanh này được Nga triển khai nghiên cứu cực kỳ bí mật, đến nay cả phiên hiệu, nhiệm vụ lẫn tính năng chiến, kỹ thuật của nó vẫn là một bí mật chưa có lời giải. Loạt thử nghiệm đầu tiên của loại tên lửa này đã diễn ra vào năm 2012 cũng tại bãi phóng Akhtubinsk - Astrakhan nhưng chưa phải là một thử nghiệm thực sự. Khi đó, tên lửa được phóng khỏi máy bay mẹ, khởi động động cơ tự thân tên lửa và chỉ bay thêm vài km với tốc độ hạ âm rồi tiếp đất.
Mục đích của lần thử nghiệm phóng trước đây của Nga chỉ đơn thuần là thử nghiệm khả năng xử lý của tên lửa trong quá trình bay và khảo nghiệm sự tương thích giữa hệ thống phóng và các thiết bị khác trên máy bay mẹ với tên lửa.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết, thời gian thử nghiệm loại tên lửa siêu thanh đạt tới vận tốc 5800km/h (tương đương Mach5) này được ấn định vào khoảng tháng 7 hoặc tháng 8 năm 2013 tại bãi phóng Akhtubinsk - Astrakhan. Trong đợt thử nghiệm sắp tới, các tham số kỹ thuật sẽ được nâng lên đúng với tính chất siêu thanh của tên lửa, nó sẽ bay với vận tốc siêu thanh trong một thời gian dài và động cơ của tên lửa cũng sẽ phải làm việc trong nhiều trạng thái khác nhau.
Hiện nay, tuy Mỹ được coi là nước đi đầu trong công nghệ siêu thanh nhưng trên thực tế Nga mới chính là nước đã ứng dụng thành công động cơ Ramjet, còn gọi là động cơ phản lực thẳng vào chế tạo tên lửa tác chiến, còn Mỹ hiện chưa có loại tên lửa siêu thanh nào mà vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm các thiết bị bay siêu thanh.
Động cơ Ramjet và biến thể của nó là Scramjet có cấu tạo khác với các loại động cơ phản lực thông thường: Thay vì sử dụng máy nén, động cơ phản lực thẳng dùng chính áp suất do luồng không khí ở tốc độ cao tạo ra để nén khí vào buồng đốt, điều này khiến động cơ Ramjet hoạt động hiệu quả ở các vận tốc rất lớn.
Ngay đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, các cơ cấu khoa học của Liên Xô đã nỗ lực phát triển rất nhiều loại tên lửa siêu thanh. Ví dụ như: Liên hiệp các nhà sản xuất khoa học công nghệ chế tạo máy NPO Mashinostroyenia (НПО Mашиностроения) chế tạo tên lửa X-80 Meteorit (Kh-80 hoặc AS-X-19 - NATO gọi là SS-N-24 Scorpion), sau đó lại tiếp tục chế tạo loại tên lửa siêu thanh mang mật danh 4002; Cục thiết kế chế tạo máy Raduga (Радуга) phát triển thành công tên lửa siêu thanh X-90 GELA (Kh-90 - AS-19 Koala). Ngoài ra đầu thập niên 70, Nga còn dựa trên cơ sở hệ thống tên lửa phòng không S-200 để chế tạo thành công tên lửa Kholod (холод). Năm 1991, tên lửa này đã thử nghiệm thành công đạt vận tốc 6000km/h, tuy nhiên dự án này đã bị hủy bỏ sau khi Liên Xô sụp đổ.
Hiện nay, rất ít người biết Liên hiệp các nhà sản xuất khoa học công nghệ chế tạo máy NPO Mashinostroyenia (НПО Mашиностроения) chính là một trong 2 thành viên (đại diện phía Nga) của công ty BrahMos Aerospace (liên doanh Nga - Ấn thành lập năm 1998 tại New Dehli). NPO chính là cha đẻ của loại tên lửa siêu thanh BrahMos nổi tiếng của Ấn Độ với vận tốc lên tới Mach5.
Ngoài dự án chế tạo tên lửa siêu thanh sắp được thử nghiệm, hiện Công ty vũ khí tên lửa chiến thuật của Nga đang nghiên cứu một loại tên lửa siêu thanh có vận tốc khủng khiếp tương đương Mach12 - Mach13 (gấp 12-13 lần tốc độ âm thanh). Công ty này chính là đơn vị chịu trách nhiệm chế tạo tên lửa cho máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 PAK FA Sukhoi T-50 của Nga.