Hôm 25/9, Hải quân Trung Quốc chính thức tiếp nhận đưa vào phục vụ tàu sân bay Liêu Ninh. Cho tới thời điểm này, Trung Quốc chưa một lần công bố thông số kỹ thuật chính thức về con tàu, mọi thông tin chủ yếu được giới chuyên gia quốc tế đoán định dựa theo thông số trước đây của tàu Varyag.
Tương tự, hệ thống phòng vệ của tàu cũng nằm trong vòng bí mật. Theo thiết kế tàu Varyag cũ, hệ thống vũ khí trên tàu gồm: pháo phòng không tầm gần, tên lửa phòng không tầm ngắn/tầm trung, hệ thống săn ngầm và tổ hợp tên lửa hành trình đối hạm tầm xa có khả năng tiêu diệt tàu sân bay. Hệ thống vũ khí đó được xem là tương đương khu trục hạm, tuần dương hạm.
Với cách thiết kế như vậy, Varyag của Hải quân Nga hoàn toàn có khả năng tác chiến độc lập trên biển mà không cần đơn vị tàu hộ tống. Nhưng cách bố trí này cũng làm nó không thể mang nhiều máy bay tiêm kích trên hạm (giới hạn 17 chiếc).
Tàu sân bay Liêu Ninh (số hiệu 16) trang bị hệ thống vũ khí phòng không tầm thấp |
Đối với tàu sân bay Trung Quốc, theo các thông tin về số lượng máy bay mang trên tàu, gồm khoảng 30 chiếc J-15. Nhiều khả năng Trung Quốc không đi theo lối mòn của Nga trang bị vũ khí hạng nặng cho Liêu Ninh. Thay vào đó, Liêu Ninh sẽ lắp hệ thống vũ khí phòng không tầm thấp hạng nhẹ, việc bảo vệ tàu phụ thuộc nhiều vào đội tàu hộ tống đi kèm. Với cách thiết kế này, Liêu Ninh có nhiều không gian để chứa máy bay hơn.
Qua những bức ảnh gần đây về tàu sân bay Liêu Ninh, bước đầu có thể nhận diện ra 2 loại vũ khí phòng vệ trên tàu gồm tổ hợp tên lửa FL-3000N và tổ hợp pháo cao tốc Type 1030.
Trong đó:
- Tổ hợp tên lửa đối không FL-3000N thiết kế tiêu diệt tất cả mục tiêu trên không tầm dưới 10km (gồm máy bay, trực thăng, tên lửa hành trình đối hạm). Tàu sân bay Liêu Ninh được trang bị 4 bệ phóng FL-3000N, mỗi bệ lắp 18 quả tên lửa.
Đạn tên lửa có chiều dài 2m, đường kích thân 0,12m, tầm bắn tối đa 9km (đánh chặn mục tiêu bay cận âm) hoặc 6km (đánh chặn mục tiêu siêu âm). Tên lửa sử dụng hệ dẫn đường kết hợp gồm đầu tự dẫn radar thụ động và tự dẫn ảnh nhiệt.
Tổ hợp tên lửa đối không tầm thấp FL-3000N. |
Hệ thống điều khiển hỏa lực của FL-3000N có thể đồng thời điều khiển 2 bệ phóng cùng lúc. Hệ thống này hoạt động hoàn toàn tự động không cần sự can thiệp của con người.
Theo các chuyên gia quốc tế, tổ hợp FL-3000N được cho là có nhiều đặc điểm giống với tổ hợp phòng không RIM-116 RAM trang bị trên tàu chiến, tàu sân bay Mỹ.
Nếu tên lửa đối phương vượt qua được những “mũi tên lửa” TY-90, chúng sẽ phải đối mặt với các tổ hợp pháo phòng không Type 1030.
- Tổ hợp pháo phòng không tầm cực gần Type 1030 do Trung Quốc tự thiết kế để tiêu diệt tất cả mục tiêu trên không. Trên tàu Liêu Ninh bố trí 3 tổ hợp Type 1030 ở phía trước và phía sau.
Tổ hợp Type 1030 trang bị pháo tự động 10 nòng cỡ 30mm và hệ thống điều khiển hỏa lực. Trong đó, pháo 10 nòng cỡ 30mm có tốc độ bắn lên tới 9.000-10.000 phát/phút, tầm bắn khoảng 5.000m.
Với tốc độ bắn cực cao như vậy thì Type 1030 có xác suất trúng mục tiêu rất lớn. Vì, trong tác chiến phòng không dùng pháo, bắn càng nhiều đạn càng tốt, nó sẽ tạo ra mật độ hỏa lực dày nhờ đó việc trúng mục tiêu càng dễ hơn.
Tổ hợp pháo phòng không cao tốc Type 1030. |
Hệ thống điều khiển hỏa lực gồm một radar và thiết bị ngắm quang – điện tử đặt ngay trên tháp pháo. Không có nhiều thông tin tầm phát hiện mục tiêu của 2 thiết bị này nhưng có lẽ nó rơi ở phạm vi dưới 10km.
Ngoài FL-3000N và Type 1030, Liêu Ninh còn trang bị hệ thống rocket săn ngầm (12 đạn) tầm gần nằm ở đuôi tàu.
Nhìn chung, hệ thống phòng vệ của tàu sân bay Liêu Ninh tương đối hiện đại. Nhưng, vũ khí này chỉ hiệu quả ở tầm 10km đổ lại, quá gần, quá nguy hiểm với tàu sân bay. Vì thế, chắc chắn tàu sân bay Liêu Ninh cần một đội tàu hộ tống hùng hậu như biên đội tàu sân bay Mỹ.
Nhiều khả năng, nhiệm vụ bảo vệ tàu sân bay được giao phó cho khu trục hạm có năng lực phòng không tầm xa như: lớp Lan Châu Type 051C trang bị hệ thống tên lửa đối không S-300FM (tầm bắn tới 150km) hoặc lớp Lữ Đại II Type 052C trang bị hệ thống tên lửa đối không HQ-9 (tầm bắn tới 200km).