Campuchia du ký

Xe túc túc và những đồng đô-la lẻ (P2)

ANTĐ - Xe túc túc là phương tiện giao thông phổ biến tại xứ sở Chùa Tháp; trong khi đó việc mua bán bằng đô-la Mỹ rất phổ biến, ngay tại các chợ cóc của Thủ đô Phnom Penh.
Xe túc túc và những đồng đô-la lẻ (P2) ảnh 1
Xe túc túc tại Thái Lan trông xịn hơn so với...

“Đặc sản” giao thông

Cùng được gọi là xe túc túc (tuk tuk), song xe túc túc tại Campuchia có phần khác so với xe túc túc tại Thái Lan. Tại Thái Lan, người ta chế ra một cái xe 3 bánh hoàn chỉnh, với phần mui xe bao trùm tới tận kính chắn gió, ngay phía đầu xe là 3 chiếc đèn pha to đùng. Thùng xe phía sau chỉ có 1 băng ghế duy nhất, ngồi được 2 người theo hướng nhìn thẳng vào gáy tài xế. Xe túc túc tại Thái Lan được coi như một dạng taxi, khi treo cả hộp đèn này trên nóc như xe ô tô.

Xe túc túc tại Campuchia thô sơ hơn: thùng xe riêng rẽ, có tới 2 băng ghế ngồi đối diện nhau và được kéo bởi 1 chiếc xe máy (dạng như xe Honda Wave tại Việt Nam). Việc gá thùng xe chở khách vào yên xe máy chỉ mất vài phút vì có khớp nối chế sẵn. Có lẽ chuẩn hơn, nên gọi loại xe này là xe lôi.

...xe túc túc ở Campuchia

Dù sao tại Phnom Penh- nơi mà xe buýt không hiện diện còn taxi rất hãn hữu, thì túc túc vẫn là phương tiện giao thông rẻ tiền và tiện lợi nhất. Buổi tối, khu quảng trường sông 4 mặt ở trung tâm Phnom Penh lộng gió, tôi cùng 5 người khác, leo lên một chiếc túc túc màu vàng, trả giá 5 đô-la để được chở đi một vòng quanh các phố trung tâm. Anh tài xế trạc tứ tuần kéo ga mãi mà gia tốc chiếc xe không bứt lên được là bao nhiêu. Đơn giản vì cục máy có vỏn vẹn 125cc phải tải đến 6 người cùng cái thùng xe nặng nề, nên quá tải.

Phải mất đến dăm trăm mét ì ạch ban đầu, chiếc xe mới chạy thanh thoát hơn. Ngoài cái mui phía trên, xe không che chắn xung quanh, nên chúng tôi cảm nhận rất rõ vài hạt mưa bay bay... Được cái đường phố ở thủ đô này không quá đông đúc như Hà Nội, nên chiếc xe không phải phanh gấp hay dừng đột ngột. Đang bon bon, bỗng một bánh xe chèn vào viên gạch giữa đường, làm cả thùng xe nảy tưng lên, vặn nghiêng về một bên. Trong lúc khách Việt Nam hét ầm lên, thì bác tài dường như đã quá quen với cảnh này, tỉnh queo tiếp tục tăng ga lao về phía trước.

 

Xe túc túc Thái Lan (ảnh trái) và xe túc túc Campuchia (ảnh phải)

Quy định về phương tiện giao thông tại Campuchia khá thoáng. Xe túc túc không giới hạn cụ thể được chở bao nhiêu khách/chuyến mà quan trọng là còn…nhét được người hay không. Cảnh người ngồi che kín cả thùng xe không quá khó để gặp trên đường. Không chỉ xe túc túc, mà ngay đến ô tô bán tải cũng được phép ngồi thoải mái từ thùng xe lên đến tận mui, thậm chí trong quan niệm, nhiều người dân bản địa còn cho rằng ngồi ở mui xe… an toàn hơn trong trường hợp xe lật (thoát ra nhanh hơn so với người ngồi trong ca-bin). Ngay cả việc đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy cũng chỉ cần chú ý đến người cầm lái, người ngồi sau cho thoải mái để đầu trần.

1 nơi, tiêu 3 loại tiền

Dù đã tham khảo trước một số thông tin về tiền tệ trước khi đặt chân lên xứ sở Chùa Tháp, song chỉ khi ở đây vài ngày, chúng tôi mới nhận ra sai lầm khi đổi sẵn tiền Riel Campuchia (đọc là Ria) từ trong nước.

Không cần đổi tiền Riel Campuchia, bạn có thể tiêu tiền đồng Việt Nam và
đô-la Mỹ thoải mái tại khu Chợ Mới này

Như đã nói ở phần 1, ngay khu vực cửa khẩu quốc tế (Mộc Bài- Việt Nam và Bavet- Campuchia), có một lượng đông đảo các chị em luôn miệng mời chào, với gói tiền cầm sẵn trên tay. Lời hứa hẹn rất dễ lọt tai là: “Anh chị cứ đổi tiền Riel, tiêu không hết, khi quay về chúng em lại đổi đúng tỉ giá cũ”, không chỉ hứa mà thực tế họ làm đúng như thế. Do tỉ giá chênh lệch chút ít khi vào sâu trong nội địa, nên các chị em ở cửa khẩu cũng kiếm được chút đỉnh từ việc đổi tiền này.

Tuy nhiên việc đổi sang tiền Riel là không thực sự cần thiết vì có thể tiêu tiền đồng Việt Nam ở tất cả các thành phố lớn của Campuchia như Phnom Penh hay Siem Reap, và đặc biệt người dân bản địa rất thích được trả bằng đô-la Mỹ. Cái gì cũng tính bằng đô-la lẻ trước tiên, khi phát giá: Đi xe túc túc: 3-5 đô-la; dừa tươi: 3 quả giá 2 đô-la; sim điện thoại: 3 đô-la... Thật lạ lùng là sau đô-la Mỹ, người Campuchia cũng rất thích mua bán bằng đồng Việt Nam (dù rằng tỉ giá tiền Việt thấp hơn chừng 5 lần).

Ngay cả những người bán hàng rong cũng mua bán bằng cả 3 loại tiền

Khu Chợ Mới (Phsa Thmay) nằm ở trung tâm Thủ đô Phnom Penh nổi tiếng với khăn quàng Krama đặc trưng và các tấm lụa dệt thủ công mang hình văn hóa dân gian Campuchia. Nơi đây cũng tập trung rất nhiều các mặt hàng đồ lưu niệm truyền thống và cả món cá khô Biển Hồ nổi tiếng.

Những người bán hàng đeo chiếc ví đựng tiền phía trước (bao bụng), trong đó có đủ thập cẩm cả 3 mệnh giá tiền nói trên. Chúng tôi thử làm khó một chị bán hàng bằng cách cùng một món đồ, yêu cầu báo giá đủ cả 3 mệnh giá. Gần như không phải suy nghĩ lâu, chị nói luôn: giá bằng này tiền Việt, bằng này tiền đô và bằng này tiền Riel. Sau khi mở máy tính ra bấm bấm chán chê, chúng tôi cùng phục lăn khi kết quả đúng những con số chị vừa nói. Thử thêm một vài món đồ khác, kết quả là tương tự, không hề có cảnh lợi dụng khách tù mù mệnh giá mà tìm cách gian lận.

(Phần 3: Những thợ ảnh lạ lùng ở khu đền Angkor)