Đã là trọng án thì những hậu quả để lại đều rất đau lòng và xót xa. Thế nhưng, trọng án do người tâm thần gây ra, nỗi đau ấy còn nhân lên nhiều lần bởi những nạn nhân gánh chịu không ai khác chính là người vợ trẻ và đứa con thơ - những người ruột thịt thân yêu của gia đình.
Nước mắt chảy ngược vào trong
Rạng sáng ngày 14/4/2012 đã trở nên ám ảnh với người dân thôn Hoàng Dương, xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn khi họ phải chứng kiến cảnh hết sức đau lòng xảy ra tại gia đình chị Nguyễn Thị H. Đứa con gái mới lọt lòng, chưa kịp bén hơi mẹ đã phải lìa đời một cách oan ức. Tiếng khóc dạ đề trong những ngày đầu có mặt trên cuộc đời của em bé như làm “kích động” thần kinh vốn đã không bình thường của Nguyễn Văn Hưởng (SN 1970) - bố đẻ của em bé.
Thấy vợ dỗ mãi, con vẫn không nín, thay vì giúp vợ tiếp tục dỗ con thì Hưởng lại xông vào… bóp cổ con gái. Hai người phụ nữ yếu ớt là mẹ đẻ Hưởng và vợ đã vội vàng giằng cứu em bé nhưng chỉ mới 12 ngày tuổi, em bé vẫn còn đỏ hỏn đã từ giã cõi đời mà em chỉ vừa mới có mặt. Công an huyện Sóc Sơn đã bắt Hưởng vào bệnh viện tâm thần, con gái mất, chị H như cũng phát điên theo chồng, không khí tan thương và u ám bao trùm căn nhà…
Cũng xuất phát từ căn bệnh tâm thần, trước đó không lâu, Lê Công Đại (SN 1974) ở thôn Chóng, xã Yên Bài, huyện Ba Vì đã mê muội dùng dao đâm chết vợ mình vào lúc đêm khuya rồi cắt cổ tự tử nhưng được cứu thoát. Khác với nhiều đối tượng tâm thần, Đại là người bình thường, mãi đến gần đây mới có biểu hiện của người tâm thần. Hơn 3 năm nay, Đại chọn vườn nhà để ngủ, chứ không chịu ở trong phòng. Mỗi lần Đại cầm gối ra vườn là vợ của Đại - Chị Lê Thị D (SN 1975) lại lẽo đẽo đi theo dỗ dành chồng vào nhà ngủ.
Đáp lại sự quan tâm, lo lắng của người vợ là những trận đòn, cái bạt tai như trời giáng của Đại nhưng người vợ ấy không nản lòng, tiếp tục khuyên nhủ, đưa chồng đi chữa trị khắp nơi. Nhưng căn bệnh tâm thần ấy không thuyên giảm. Và trong một buổi tối định mệnh khi chị D lại lật đật chạy theo chồng để dỗ dành như các ngày khác thì bất ngờ, Đại đã cầm dao, vung tay chém vào đầu vợ làm chị D chết ngay trên sân nhà. Đại dùng chính con dao ấy cắt cổ tự vẫn nhưng đã được cứu thoát. Vợ chết, chồng tâm thần, 4 đứa con nhỏ nheo nhóc, trong đó đứa lớn nhất mới 11 tuổi, đứa nhỏ nhất cũng chỉ được 16 tháng tuổi bơ vơ.
Đây chỉ là 2 trong tổng số 6 vụ án trọng án nặng do người tâm thần gây ra xảy ra trên địa bàn HN từ đầu năm đến nay. Theo thống kê của phòng Cảnh sát hình sự, CATP, trọng án do người tâm thần gây ra tăng mạnh một cách bất ngờ. Số vụ án của 4 tháng đầu năm nay còn lớn hơn cả năm 2011 (4 vụ), chưa kể các vụ nhỏ, gây thương tích nhẹ xảy ra tại các quận/huyện, xã/phường.
Đã là trọng án thì những hậu quả để lại đều rất đau lòng và xót xa. Thế nhưng, trọng án do người tâm thần gây ra, nỗi đau ấy còn nhân lên nhiều lần bởi những nạn nhân để họ trút những cơn thịnh nộ trong lúc lên cơn, phát bệnh đó không ai khác chính là người vợ trẻ - người phụ nữ đầu gối tay ấp và đứa con thơ - những người ruột thịt thân yêu nhất trong gia đình... Thậm chí, như trường hợp chị Chu Thị Huệ tại xã Yên Bài, huyện Ba Vì còn "ra tay" với chính con đẻ mình khi cháu mới tròn 5 tháng tuổi. Thủ phạm và nạn nhân đều là người một nhà - những thảm kịch này càng khiến người ta đau lòng và xót xa hơn rất nhiều, giận đấy nhưng cũng rất thương là vì thế.
Tỉnh táo và phòng ngừa ngay từ tiền hôn nhân
LS Phạm Thanh Tùng- Trưởng Văn phòng LS Phạm Hoàng, Đoàn Luật sư HN cho biết, những người mang chứng bệnh tâm thần, nhưng vẫn còn khả năng nhận thức thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự trước hành vi phạm tội của mình. Pháp luật chỉ miễn truy cứu trách nhiệm hình sự với những người bị bệnh tâm thần bẩm sinh hoặc mất hết năng lực hành vi. Tuy nhiên, với những người tâm thần, theo LS Phạm Thanh Tùng có lẽ không đặt nặng quá nhiều đến vần đề này. Điều khiến LS Tùng và nhiều người tham gia các vụ án do người tâm thần gây nên là câu hỏi về sự an toàn cho xã hội, cho tính mạng chính những người thân của họ.
Luật Hôn nhân và gia đình chỉ cấm người mất năng lực hành vi kết hôn, còn những người có tiền sử tâm thần, đã điều trị ổn định hoặc chỉ có dấu hiệu ở thể nhẹ vẫn được phép lập gia đình. Thế nhưng khi cuộc hôn nhân với những người có liên quan đến bệnh tâm thần đã để lại nhiều phiền toái, thậm chí là những hậu quả đau lòng như trên thì các chuyên gia về luật lại đặt ra vấn đề khác: Trước khi đi đến kết hôn với một người đã từng có tiền sử mắc bệnh tầm thần, dù là ở thể nhẹ hay dù có yêu thương và gắn bó thì vẫn rất cần phải có sự tỉnh táo cũng như tìm kiếm những giải pháp tốt nhất cho cuộc hôn nhân của cuộc đời mình, để không ai phải gánh chịu những kết cuộc buồn, những nỗi đau không thể hàn gắn được...
Giải pháp tốt nhất được các bác sỹ chuyên khoa về thần kinh đưa ra đó chính là kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân. "Tại nhiều nước, đây là yêu cầu bắt buộc với tất cả các cuộc hôn nhân chứ không chỉ dành riêng cho người tâm thần" - BS La Đức Cường, Giám đốc Bệnh viện tâm thần TƯ I trao đổi. Khi tham gia dịch vụ này, BS Cường cho rằng sẽ giúp bạn trẻ hiểu rõ tình trạng của nhau để họ có quyết định đúng đắn nhất và có lợi cho cuộc sống gia đình sau này, họ sẽ biết cách để chủ động chăm sóc nhau tốt hơn, giúp nhau phòng tránh, chữa trị kịp thời để tránh những hậu quả đáng tiếc…
Người tâm thần, theo các BS chuyên khoa, thường có những suy nghĩ hoang tưởng, không thể kiểm soát được suy nghĩ nên hành vi bộc phát rất nguy hiểm. Những biểu hiện của bệnh rất khó đoán trước nên nếu không biết cách chữa trị để bệnh tình thuyên giảm hay không biết cách kiểm soát, phòng ngừa thì người bệnh tâm thần khó có thể đảm bảo sự yên ổn cho cuộc sống gia đình và sự an toàn cho chính những người thân của mình.
Ngoài ra, có nhiều trường hợp lúc đầu kết hôn họ chưa bị bệnh hoặc bệnh chưa nặng. Trong quá trình sống chung, áp lực công việc, gánh nặng gia đình… khiến họ mất cân bằng tâm lý và là nguyên nhân bệnh như trường hợp của Lê Công Đại thôn Chóng, xã Yên Bài, huyện Ba Vì. Nếu người thân của họ không hiểu những vấn đề bệnh lý tâm thần của người bệnh, sẽ dẫn đến bực tức hoặc không điều trị kịp thời càng làm cho bệnh tình nặng hơn. Vì vậy, để tránh những rắc rối, gia đình người bệnh tâm thần cần có những kỹ năng chung sống cần thiết. BS Lý Trần Tình - Giám đốc Bệnh viện tâm thần HN cho rằng, không chỉ có thuốc là đủ mà với người tâm thần phải chăm sóc toàn diện, chú trọng chăm sóc về tâm lý; không xa lánh, kỳ thị, thể hiện thái độ chán ghét hoặc khổ sở; đưa đi khám và điều trị kịp thời khi phát hiện những bất thường ở người bệnh trước khi họ mất năng lực hành vi dân sự.
Khoảng 90% con của người mắc chứng tâm thần mãn tính (loạn thần) kết hôn với một người bình thường là an toàn, chỉ có 10% nguy cơ di truyền sang con. Nếu cả hai người tâm thần phân liệt kết hôn với nhau thì nguy cơ di truyền sang con cái, chiếm tỷ lệ gần 50%. Trong bất cứ tình huống nào, người mắc bệnh tâm thần cũng nên hạn chế sinh con để không ảnh hưởng đến sức khoe con cái sau này. |