Cố bình tĩnh nhớ lại lời chủ cơ sở dặn, chị Mai nhẹ nhàng gỡ tay khách ra khỏi tay mình và dỗ ngọt: “Anh để yên cho em làm nào, không thì không khỏe được đâu”. Mặc kệ cô nhân viên liên tục thuyết phục, vị khách lè nhè vẫn tiếp tục có những hành động sàm sỡ. Chị đành bất lực bỏ ra ngoài và báo với chủ.
Chuyện này xảy ra vào buổi tối cuối tuần vừa rồi, chị Nguyễn Thị Tuyết Mai làm việc tại một cơ sở massage tại quận Gò Vấp, TP HCM, được chủ giao phục vụ cho một khách nam. Chị Mai là người khiếm thị theo nghề massage được hơn một năm nay. Đây chỉ là một trong số rất nhiều tình huống khó xử mà chị từng gặp.
“Thường phải thuyết phục khách thôi hành vi đứng đắn để tôi tiếp tục làm việc, nhưng khách đã có rượu vào thì đáng sợ lắm. Bỏ dở việc ra ngoài chỉ là giải pháp cuối cùng khi tôi đã bất lực, vì nó rất dễ khiến khách bực bội rồi gây sự”, người phụ nữ cho biết.
Nữ massage khiếm thị. Ảnh: Xuân Hường. |
Thợ bị khách quấy rối khi hành nghề massage đã đành, với thợ khiếm thị, tình trạng này như “chuyện thường ngày ở huyện”.
Ông Võ Minh Ý, quản lý cơ sở massage Thành Công ở quận Gò Vấp không ngại ngần chia sẻ về những rủi ro khi kinh doanh dịch vụ này. Ông cho biết, hầu hết cơ sở massage do người khiếm thị phụ trách thường thiết kế không bắt mắt do eo hẹp về vốn và hướng tới khách bình dân. Nhiều khách vãng lai ngại ngần khi bước vào.
“Khách đàng hoàng thì ít, mà những người say xỉn vào yêu cầu bậy bạ thì nhiều”, viên quản lý nói. “Khổ nhất là mấy nhân viên nữ, đang làm việc thì bị “đòi hỏi”, thuyết phục không được đành phải bỏ chạy ra ngoài. Nhiều khách bỏ về, nhưng cũng có người nổi giận đến quầy đập bàn đòi trả lại tiền vé".
Ông Ý thú thực "những lần đầu khách không được "chiều" nên nổi giận, tôi hoảng lắm, sau thành quen". Và ông tự nhủ: "Chỉ cần mình làm ăn trong sạch thì không ai làm gì được mình”.
Ông Trần Kỷ, Chủ tịch Hội người mù quận Gò Vấp khẳng định tình trạng thợ massage mù bị quấy rối là có thật và khá phổ biến. Do đó Hội người mù khuyến cáo nhân viên massage khiếm thị hết sức lưu ý khi chọn nơi làm việc, hoặc liên hệ với hội người mù tại địa phương ngay khi cần giúp đỡ.
"Một số cơ sở massage khiếm thị là do người sáng mắt mở ra và tuyển người mù vào làm thợ. Trong số này có cả những ông bà chủ ép người mù đáp ứng đòi hỏi sai trái của khách để làm lợi cho mình", ông Kỷ nhấn mạnh.
Một nam nhân viên mù đang làm việc tại cơ sở massage khiếm thị ở quận Gò Vấp. Ảnh: NVCC. |
Massage là phương pháp chữa bệnh bằng y học cổ truyền gồm xoa bóp, bấm huyệt, xông hơi... Nhiều năm nay công việc này được cho là phù hợp nhất với người khiếm thị. Tất cả thợ massage khiếm thị đều phải trải qua những khóa học bài bản để được nhận chứng chỉ hành nghề do Viện Y Dược học dân tộc cấp. Thế nhưng, nếu bỏ qua tình trạng quấy rối thợ, nhiều khách có tâm lý e ngại khi thư giãn dưới bàn tay của người mù.
Ông Châu Cao Minh, chủ cơ sở massage Đôi tay người mù cho biết, hầu hết khách vãng lai biết nhân viên ở đây là người mù thì đều e ngại bỏ đi. “Họ bảo rằng thợ bình thường thiếu gì mà phải để cho người mù vừa massage vừa mò. Tôi cho rằng họ không hiểu người mù cũng làm việc bình thường, chỉ cần họ thử một lần chắc chắn sẽ nghĩ khác”, ông Minh nói.
Bà Nguyễn Việt Ngà, giáo viên massage thuộc Viện Y Dược học dân tộc TP HCM, nói rằng người mù khi xoa bóp hoàn toàn tập trung vào từng động tác tay từ đầu đến cuối nên sẽ tạo hiệu quả thậm chí cao hơn người sáng mắt. “Điều này được chính những chuyên gia công nhận”, bà Ngà cho hay.
Các nhân viên massage khiếm thị chuẩn bị cho một ngày làm việc. Ảnh: Xuân Hường. |
Trong suy nghĩ của nhiều người mù, nghề massage là một công việc mưu sinh thực sự đã thay đổi cuộc đời họ. Chị Nguyễn Duy Linh (Bến Tre) là một trường hợp như thế. Đang là một cô thợ may lành nghề, năm 24 tuổi, chị bất ngờ trở nên mù lòa vì biến chứng của bệnh viêm xoang. “Tôi rơi vào khủng hoảng, quanh quẩn trong nhà như một cái bóng suốt một năm sau đó. Chỉ khi quyết định tham gia vào Hội người mù tại địa phương và được giới thiệu học nghề massage, tôi mới thôi cảm giác mình là người vô dụng”, chị chia sẻ.
Chị Linh bây giờ là nhân viên của một cơ sở massage tại TP HCM cùng với 7 nhân viên khác cũng đều là người khiếm thị. Một ngày, chị kiếm được trung bình 60.000 đồng từ công việc xoa bóp - bấm huyệt - xông hơi này.
Công việc này còn tạo cơ hội cho anh Hồng Huệ (Sóc Trăng) tìm được “một nửa” của mình. Anh Huệ quen chị Thúy Kiều, cô gái mù cùng quê trong khóa học massage tại Nha Trang. Hoàn tất khóa, hai anh chị cùng đi làm và nên vợ chồng ít lâu sau đó. Hơn một năm cùng sống và làm nghề với anh Huệ ở TP HCM, chị Thúy Kiều nghỉ việc, về quê để chăm sóc cho niềm hy vọng mới của gia đình - một bé gái khỏe mạnh vừa được 4 tháng tuổi.
Chị Tuyết Mai cũng nói rằng chị cảm thấy hạnh phúc khi có nghề trong tay và có thể tự nuôi sống bản thân bằng chính sức lao động của mình. "Tôi chỉ mong mọi người sẽ dần công nhận khả năng của người mù và tạo điều kiện cho chúng tôi được làm việc một cách chân chính", chị Mai tâm sự.