Sau 40 năm, một "liệt sỹ" trở về chứa chan nước mắt

ANTĐ - Sau 40 năm được công nhận liệt sĩ, vào một ngày đầu tháng 8-2011, “liệt sĩ” Nguyễn Thị Ngọc bỗng trở về ngôi nhà của ba mẹ ngày xưa, nước mắt chứa chan trước bàn thờ chính mình...

Mới 15 tuổi, bà Nguyễn Thị Ngọc (1952, thôn 5, xã Tam Vinh, H. Phú Ninh, Quảng Nam) trốn nhà lên rừng theo cách mạng. Dấu chân của bà in dấu trên khắp chiến trường miền Trung- Tây Nguyên và Nam Bộ. Đến khi đất nước được giải phóng, gia đình nhận được giấy báo tử: bà Ngọc đã hy sinh. Sau 40 năm được công nhận liệt sĩ, vào một ngày đầu tháng 8-2011, “liệt sĩ” Nguyễn Thị Ngọc bỗng trở về ngôi nhà của ba mẹ ngày xưa, nước mắt chứa chan trước bàn thờ chính mình...

Chiến tranh và chia ly

Khi chúng tôi tìm đến nhà, bà Ngọc và những người thân vẫn chưa vơi nỗi bùi ngùi xúc động. Trong ngôi nhà nhỏ ấm áp, bà Ngọc kể cho chúng tôi nghe về nguyên nhân mình trở thành “liệt sĩ”: Quê hương Tam Vinh của bà trong những năm 1964 đến 1966 chiến sự xảy ra ác liệt, khu căn cứ Ao Lầy là trọng điểm đánh phá của địch. Nhà cửa, xóm làng bị đạn, bom cày xới. Không chịu cảnh áp bức, bà tự nguyện bỏ nhà lên rừng theo các anh, các chị làm du kích. Tại núi rừng Quảng Đà, sau gần 1 năm chiến đấu, bà được điều động về Trung đội 2, Đại đội 4 thuộc đơn vị cơ động Khu 5. Tại đây, bà vừa chiến đấu vừa làm cán bộ y tá phục vụ chiến trường.

Ngày 16-8-1967 trong lúc đơn vị bà tập kích vào Pleiku (Gia Lai), bà bị trọng thương. Đồng đội đã khiêng bà vượt qua lửa đạn về điều trị tại bệnh xá Quân khu 5 đóng tại H. Trà My. Tuy qua cơn tử nạn, nhưng bà đã vĩnh viễn mất đi một lá phổi bên trái cùng nhiều mảnh đạn găm vào đầu và cổ. Sau đó bà được đưa ra điều trị tại Bệnh viện E Hà Nội.

“Mất lá phổi đã đành, nhưng vết thương trên đốt sống cổ quá nặng, ảnh hưởng thần kinh đến tận bây giờ, khiến tui đau đớn vô cùng mỗi khi trở trời, có lúc tui không nhớ chi hết! Nhưng cũng may có đợt điều trị này mà tui đã quen và nên nghĩa vợ chồng với một thương binh tên là Bùi Văn Bé Hùng (Cai Lậy, Tiền Giang). Thế rồi sau khi sức khỏe ổn định, tôi đã quyết tâm xin được trở lại chiến trường”- bà Ngọc tâm sự.

Trở về đơn vị cũ vào cuối năm 1969, từ đây hai vợ chồng bà đã trải qua những năm tháng đạn bom ác liệt nhất của chiến trường Khu 5, Tây Nguyên và Nam Bộ. “Tôi đã cùng chồng sát cánh bên nhau cùng đơn vị chiến đấu cho đến ngày tiến về giải phóng Sài Gòn 30-4-1975. Sau đó tui cùng chồng về công tác tại Sở Y tế Tiền Giang, rồi về Bệnh viện Cái Bè. Đến năm 1982, vết thương cũ tái phát, lúc tỉnh, lúc mê nên tui xin nghỉ việc về quê chồng ở H. Cái Bè, Tiền Giang” – bà Ngọc nhớ lại.

“Liệt sĩ” Nguyễn Thị Ngọc đang kể về quãng đời của mình cho người thân nghe.

 “Liệt sĩ” Nguyễn Thị Ngọc đang kể về quãng đời của mình cho người thân nghe.

Ngày trở về!

Cuộc sống những ngày sau giải phóng quá cơ cực, bà cùng chồng về lại quê công tác. Vết thương tái phát. Rồi vòng quay cơm áo gạo tiền nuôi 5 đứa con ăn học cứ thế cuốn bà vào vòng xoáy của cuộc sống đời thường, nên đường về quê xa vời vợi. “Quê hương, cha mẹ ai mà không nhớ, không muốn về chú ơi! Nhưng sau ngày giải phóng vết thương cũ tái phát khiến tôi đau ốm triền miên, lúc tỉnh, lúc mê, điều kiện kinh tế thì quá khó khăn. Nhiều lúc tỉnh tui nhớ cha, nhớ mẹ nhớ quê nhà da diết, nhưng cuộc sống quá cơ cực… Cho đến hôm ni, con cái góp ít tiền, vay mượn thêm, mới đủ trang trải tìm về quê. Vậy mà đã 40 năm rồi!”, bà Ngọc chia sẻ.

Em ruột bà Ngọc, anh Nguyễn Văn Vận cho biết: “Bao nhiêu năm nay nhà thờ cúng chị. Sáng hôm 6-8, thấy hai người tìm vô nhà, tui cứ tưởng là khách lạ. Ai ngờ mới bước vào nhà nhìn tấm ảnh mình trên bàn thờ, chị òa khóc. Lúc đó tui không tin là chị của mình còn sống. Bởi sau ngày giải phóng, gia đình nhận được giấy báo tử, chị đã hy sinh không tìm được xác. Thế là chị được công nhận liệt sĩ từ đó đến nay”.

“Liệt sĩ” Nguyễn Thị Ngọc với tấm ảnh thờ mình và Bằng “Tổ quốc ghi công”.

“Liệt sĩ” Nguyễn Thị Ngọc với tấm ảnh thờ mình và Bằng “Tổ quốc ghi công”. 

Không chỉ được “Tổ quốc ghi công”, bao nhiêu năm qua, tên tuổi, quê quán của bà vẫn được khắc ghi trên tấm bia nghĩa trang liệt sĩ xã Tam Vinh (Phú Ninh). Chúng tôi đã cùng bà ra nghĩa trang. Bà lần tìm tên mình trên tấm bia đá rồi bật khóc. Ông Nguyễn Ý Chí, nguyên cán bộ Công an Khu 5, người đã tiễn chân bà ra Bắc nhớ lại: “Lần đó tui bảo chị sau ngày giải phóng nếu còn sống thì cố tìm về quê. Những năm sau giải phóng, tui cũng đã nhiều lần đi tìm hài cốt của chị, nhưng vô vọng. Ai ngờ hôm ni chị sống và trở về quê nhà!”.

Thật cảm động khi chứng kiến cảnh bà đứng lặng trước bàn thờ của mình và cảnh những người em ruột ôm bà trong nước mắt. Chiến tranh thật khắc nghiệt. Với bà cũng vậy. Nhưng ngày trở về đã xua tan tất cả. Chỉ còn là hạnh phúc tràn ngập và khơi lại một trong hàng ngàn câu chuyện cảm động về sự chia ly và đoàn tụ sau chiến tranh.