“Đột nhập” hậu trường
Tác phẩm “Em Thúy” của danh họa Trần Văn Cẩn trước và sau khi phục chế
Tác phẩm của các danh họa Việt Nam như Nguyễn Phan Chánh, Tô Ngọc Vân… luôn nhận được sự mến mộ của những người yêu nghệ thuật trong và ngoài nước và là sự “thèm khát” của các nhà sưu tập. Vì thế, công việc phục chế các tác phẩm của các họa sỹ được đặc biệt quan tâm và sự can thiệp, xử lý cũng vô cùng tỉ mỉ.
Tới Trung tâm Phục chế tranh của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, sẽ chỉ thấy sự tĩnh lặng cùng tiếng quạt phe phẩy. Sự im lặng gần như tuyệt đối để người phục chế có đủ sự tĩnh tâm bóc tách từng lớp màu đang hư hỏng theo thời gian. Điều đặc biệt, công đoạn phục chế hoàn toàn phụ thuộc vào sự cảm nhận của người họa sỹ không có bất cứ hỗ trợ nào từ máy móc hay các phương tiện kỹ thuật hiện đại. Đây là điều hoàn toàn khác biệt so với quá trình phục chế tranh ở nước ngoài. Nếu như người thợ phục chế tranh ở Việt Nam chỉ dựa vào kinh nghiệm tích lũy trong quá trình làm việc và được truyền nghề từ các thế hệ trước để lại thì người thợ phục chế tranh ở nước ngoài lại được giúp đỡ và xác định chính xác các lớp màu bằng máy chụp X-quang.
Thế nhưng, cái khó ló cái khôn, nhiều tác phẩm tên tuổi của Việt Nam đã được trả lại giống như nguyên bản hoàn toàn bằng phương pháp thủ công. Với tranh sơn mài, nước ngoài có bàn ép để tạo mặt phẳng cho tranh thì người thợ phục chế tranh của Việt Nam chỉ có dụng cụ thô sơ là viên gạch. Trong quá trình phục chế 2 bức tranh sơn mài bị hỏng khá nặng “Hội chùa” của tác giả Lê Quốc Lập, “Nam - Bắc một nhà” của tác giả Nguyễn Văn Tỵ, nhóm phục chế tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam thấy việc dùng gạch không được phẳng đã tự chế ra những viên gang hình viên gạch bề dày 5cm, kích thước 20x10cm, trọng lượng: 3-6kg thô sơ, rẻ tiền nhưng lại rất hữu hiệu trong việc làm phẳng mặt tranh. Cứ như vậy, nhiều phương tiện hỗ trợ đã được sáng tạo trong quá trình làm việc và người thợ vẫn thực hiện công việc thủ công bằng việc “đọc” các lớp màu, các lớp sơn để hiểu các tác giả đã thực hiện vẽ tác phẩm ra sao.
Họa sỹ kiêm thợ thủ công
Các họa sỹ đang miệt mài phục chế tác phẩm “Em Thúy” của danh họa Trần Văn Cẩn
Công đoạn này nghe có vẻ khó hiểu nhưng rất cần thiết cho quá trình phục chế, bởi các tác phẩm được phục chế của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam phần lớn thuộc về các chất liệu mỹ thuật truyền thống như sơn mài, lụa và cả chất liệu sơn dầu của phương Tây. Các danh họa khi vẽ đã có sự chồng màu đối với tranh lụa, sự chồng lớp đối với tranh sơn mài. Do vậy, màu sắc mà người thưởng thức là đa sắc, tổng hợp màu. Nếu như không hiểu, không “đọc được” các họa sỹ đã xử lý màu sắc ra sao thì quá trình phục chế sẽ rất khó khăn. Có lẽ vậy nên người làm phục chế vừa là người thợ thủ công lành nghề vừa là người họa sỹ chuyên nghiệp. Hơn thế, cũng hiếm để tìm thấy một nghề nào lại đòi hỏi tính kiên nhẫn và tỉ mỉ như nghề phục chế tranh của các danh họa Việt Nam. Một sai sót nhỏ trong quá trình can thiệp sẽ để lại dấu vết mà vài chục năm sau mới lộ rõ và tác phẩm khi không giữ được hiện trạng thì cũng khó làm người xem thẩm thấu được hết cái đẹp của bức tranh.
Về công nghệ, Việt Nam còn thiếu đầu tư cho nghề phục chế tranh nhưng không phải bức tranh nào mang ra nước ngoài cũng đều được trả lại như nguyên bản. Bà Ánh Nguyệt, Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho biết “Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam từng gửi sang Đức 2 bức tranh sơn dầu nhờ can thiệp nhưng cũng chỉ có một bức xử lý được, còn một bức gửi trả lại. Hầu hết các tác phẩm bị hư hỏng nằm trong bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đều được phục chế tại trung tâm”. Vậy là, trong lĩnh vực phục chế tranh, máy móc không thể sánh với kinh nghiệm của thợ phục chế. Hơn thế, nghề phục chế tranh tại Việt Nam vẫn đang được thực hiện theo lối truyền nghề cộng với nền tảng kiến thức được đào tạo tại các trường mỹ thuật. Vì thế không khó hiểu tại trung tâm đang hình thành “họa sỹ gia đình” khi thế hệ cán bộ này nối tiếp thế hệ cán bộ khác cùng làm việc tại trung tâm và cũng nhờ họ mà nhiều tác phẩm của các danh họa Việt Nam được “cứu sống” và tiếp tục đồng hành cùng năm tháng.