Ông Võ Khắc Lương giới thiệu về chuồng ươm trứng ếch
“Răng em lại yêu anh hè?”
Tháng 2-1979, Võ Khắc Lương nhập ngũ bổ sung vào chiến trường Campuchia. Đến cuối năm ấy, trong một đợt cùng tiểu đội tập kích tiêu diệt cứ điểm đối phương, hạ sỹ Lương trúng phải đạn cối B41. Bị trọng thương, Lương bị vỡ nhãn cầu mắt phải lui về hậu tuyến. Năm 20 tuổi, Võ Khắc Lương trở về nhà với tỷ lệ thương tật 91% và cặp mắt để lại nơi chiến trường.
Quê nghèo những năm 1980 đói lả người, nghe câu đối lưu truyền hồi đó thì biết: “Năm tám mươi giá gạo tám mươi, Dân xứ Nghệ mặt vàng như nghệ”. Không ai nghĩ “anh mù” sẽ cưới vợ trong năm ấy. Bà Lưu Thị Lựu vẫn thỉnh thoảng hỏi vui chồng: “Anh hè, ngày nớ em cũng thuộc hàng xinh nhất nhì trong làng mà răng lại yêu anh, răng lại cưới anh mù hè?”. Nhưng rồi cũng chính chị tự trả lời: “Hồi đó nhà bọn tui ở cạnh nhau. Trước khi anh đi bộ đội tui cũng đã có quen. Hôm anh bị thương về, tui có chạy qua nhà đó. Nghĩ cũng thương anh lắm!”.
Hai vợ chồng trẻ sống với nhau trong túp lều tranh rách nát tựa bên cái ao nhỏ. Chị xắn tay cuốc đất vườn trồng rau, anh chẻ tăm tre bán. Thu nhập chẳng đủ để duy trì nồi cơm, anh bàn với vợ cải tạo cái ao để thả cá. “Những năm đầu cặp mắt vẫn còn đau lắm, thỉnh thoảng cúi xuống bê vật nặng là nhưng nhức trong hốc mắt. Thế mà vợ chồng tui cũng đào xong 2 cái ao” - ông Lương sửa lại cặp kính đen nói giọng tự hào.
Nhờ trại ếch mà thoát nghèo
Sau khi đào xong ao, ông Lương sốt sắng mua cá giống về thả. Ơn trời, ngay vụ đầu 2 cái ao đã cho thu về hơn 10 triệu thời điểm trước năm 2000. Có vốn, ông tiếp tục đầu tư gần 1 tạ cá giống.
Được một thời gian, ông quyết định mở thêm trang trại nuôi ếch. Ông lần mò vào tận Hà Tĩnh để học hỏi kinh nghiệm, quy trình chăn nuôi. Trở về với vốn kiến thức ít ỏi, ông mở trại trong sự can ngăn của vợ con. “Nhiều người hỏi lý do tui nuôi ếch. Tui nói rằng lúc đó con ếch ở Yên Thành còn hiếm, giá lại cao nên tui muốn nuôi thử” - ông Võ Khắc Lương bắt đầu câu chuyện về trại ếch của mình như thế.
Nuôi ếch công phu hơn nuôi cá. Ông phải mất hơn 1 tháng để chuẩn bị 15 khuông chuồng trại. Mỗi chuồng rộng từ 4-8m2. “Chuồng to chuồng nhỏ đều do ông ấy tự làm cả đó, mẹ con tui chỉ phụ giúp thôi chứ có biết chi đâu mà làm” - bà Lựu kể.
Cụ thể mô hình nuôi ếch của ông Lương có một chuồng sàn bê tông để ươm trứng, 1 khuông bể nuôi nòng nọc, 10 khuông nuôi ếch trưởng thành và 2 khuông nuôi ếch giống đẻ trứng. Tất cả chuồng trại đều được ông bố trí ven bờ 2 cái ao.
“Niên vụ” đầu ông Lương bỏ ra 15 triệu đồng mua 1.500 con ếch giống về nuôi thử. “Mình vừa nuôi vừa học hỏi kinh nghiệm từ người khác. Nuôi ếch coi rứa chứ cũng không quá phức tạp nếu như đã nắm vững được kiến thức”- ông giới thiệu.
Sau 3 tháng, trại ếch của ông đã có thể xuất chuồng. Với giá 50.000 đồng/1kg, ngay vụ đầu ông đã thu về 30 triệu đồng, gấp đôi tiền bán cá. Ông còn giữ lại 200 cặp ếch giống để gây nguồn cho các vụ kế tiếp.
“Nhiều người biết tin gia đình tui nuôi trúng vụ ếch đã tìm đến học hỏi. Ngay ở xã Phú Thành cũng có không dưới 5 hộ mở trại nuôi, nhưng có vẻ không được “mát tay” cho lắm nên thu nhập không được như ý” - bà Lưu Thị Lựu nói.
Những vụ sau đó, ông mạnh dạn nuôi ếch với số lượng lớn. Hiện tại, trại ếch ông nuôi xấp xỉ 2 vạn con kể cả ếch giống. Cứ 1 năm 3 vụ, ông bán tổng cộng trên 3 tấn ếch thịt, thu nhập ròng 70-80 triệu đồng. Cộng thêm tiền bán cá, mỗi năm ông cũng “thong thả” thu nhập trăm triệu. Gia đình từng bước thoát đói nghèo và có cuộc sống khá giả.
Ông Lương ít nói nhưng làm nhiều, và đã làm thì phải đến nơi đến chốn. Bà Lựu cứ xuề xòa: “Năm nào đến mồng tám tháng ba, hỏi quà anh cũng chỉ có mỗi… nụ hôn thôi”. Chúng tôi cứ ngỡ đang nói chuyện với cặp vợ chồng son sẻ.
Nhiều người nói đùa “ông mù” sống trầm lặng vì chưa có con nối dõi. 7 cô con gái của ông đều ra đời trong niềm vui của vợ chồng. Chúng đều lành lặn, ngoan ngoãn. “Chúng là gia tài lớn nhất đời tui” - ông Lương nói giọng dứt khoát.
Những đứa con của ông cũng đã kịp khôn lớn. 3 đứa đầu là Võ Thu Hiền, Võ Thị Thỏa, Võ Thị Lượng đều đã tốt nghiệp Đại học và đi làm. Cháu Võ Thị Hường vừa tốt nghiệp trường Cao đẳng Giao thông vận tải, cháu Võ Thị Hán tốt nghiệp trường trung cấp Du lịch Nghệ An. Còn 1 cháu sắp thi đại học và đứa út đang học cấp 3.
“Con trai hay con gái cũng rứa cả, không phải bây giờ tôi mới nhận ra điều đó đâu. Những đứa con của tôi đều rất ngoan và đó là gia tài quý nhất của đời tui” - ông cảm thấy cần phải nhắc lại với chúng tôi thêm một lần nữa.
Đến nay trại ếch của ông có thêm 2 đứa con rể cùng xắn tay làm với bố. Nhưng tay ông vẫn chưa nghỉ ngơi. “Ông mù” vẫn đang có kế hoạch mở rộng thêm chuồng nuôi, đào thêm ao để thả cá. Hàng ngày nhiều khách đến tham quan đều thấy một ông mù mặc chiếc áo bạc màu giản dị, chân xăm xăm bước đi trước dẫn đường như thể ông còn nguyên cặp mắt sáng rõ lắm.
“Ngày bị thương mất đi cặp mắt tui cứ nghĩ đời rứa là hết, sống chỉ thêm khổ cho người khác. Nhưng số tui còn may chán, tui có vợ con, có gia đình, có sức khỏe để tiếp tục sống. Bây giờ cứ ngồi một chỗ là tui ngứa ngáy chân tay rồi”.