Được UBND xã Điện Thọ, Quảng Nam giới thiệu, chúng tôi đã tìm đến nhà anh Lê Công Hoa ( trú xã Điện Thọ, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam).
Sinh ra trong một gia đình có nề nếp, ở tuổi 30, anh Lê Công Hoa bước vào đời bằng nghề thợ mộc theo truyền thống của gia đình. Tưởng đâu, Hoa sẽ tìm niềm vui trong sự yêu thương, chia sẻ của cha mẹ và vợ con, thế nhưng sự háo thắng, nóng nảy đã đưa Hoa đến với những người bạn xấu, gây gổ đánh nhau và chỉ trong phút bồng bột, tương lai của Hoa đã tan biến.
Cái án 3 năm tù giam mà Hoa phải trả giá cho hành vi cố ý gây thương tích đã chôn vùi niềm tin và đưa gia đình vào cảnh khó khăn, bế tắc. Nhớ lại những ngày ở trại giam, Hoa không giấu được nước mắt. Ban ngày lao động, cải tạo, tối về vắt tay lên trán suy nghĩ, Hoa thấm thía cái giá phải trả cho sự bồng bột của mình.
Trong những ngày cải tạo ở Trại tạm giam tỉnh Quảng Nam, sự động viên, giáo dục tận tình của những cán bộ quản lý và tình thương của cha mẹ, tình yêu của người vợ trẻ và đứa con thơ đã khiến Hoa giác ngộ quyết tâm cải tạo tốt để có cơ hội làm lại cuộc đời, sớm hòa nhập cộng đồng.
Chính quyền địa phương đến thăm hỏi, động viên anh Hoa
Anh Hoa tâm sự: “Khi bước chân ra khỏi trại, bản thân tôi mặc cảm, suy nghĩ nhiều lắm, mình không phải người như thế này mà sao lại trở nên như vậy. Nhưng nhờ sự động viên của cha mẹ, vợ con, nhất là sự quan tâm của lãnh đạo xã, Ban công an xã, tôi mới vượt qua mặc cảm, tự tin trong giao tiếp xã hội. Từ đó mạnh dạn vay vốn làm ăn mở xưởng mộc nhở. Vợ tôi rất tin tư tưởng tôi".
Thời gian đầu tái hòa nhập cộng đồng, đối với Hoa quả không dễ dàng chút nào. Bản thân tự ti, mặc cảm nên Hoa rất sợ cái nhìn của bà con lối xóm, không dám chào hỏi hay chủ động bắt chuyện với bất kỳ ai. Nhưng chính tình thương yêu của gia đình và sự quan tâm của chính quyền địa phương đã thôi thúc anh trở về với nẻo sáng hoàn lương, quyết tâm trở thành một công dân tốt, là niềm tự hào cho cha mẹ, vợ con.
Được gia đình và chính quyền địa phương động viên, cộng với ý thức bản thân, Hoa đã vượt qua mặc cảm, bắt tay vào làm kinh tế. Vốn là một thợ mộc lành nghề, anh tìm tòi, mày mò thêm từ những mẫu hàng mới, đẹp, vay mượn của gia đình mở một xưởng mộc ngay tại nhà với số vốn gần 100 triệu đồng, thu hút được 7-8 thợ, trong đó có một trường hợp cùng cảnh ngộ như anh. Từ sự chịu khó, cần mẫn được tích lũy, đến nay, Hoa đã là một chủ xưởng mộc lương thiện, chăm chỉ làm ăn, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.
“Ai cũng có lần vấp ngã, những làm thế nào biết đứng lên để sửa đổi"
Đồng chí Lê Văn Cảm - Chủ tịch UBND xã Điện Thọ, huyện Điện Bàn nói thêm về anh Hoa: “Ai cũng có lần vấp ngã, những làm thế nào biết đứng lên để sửa đổi. Anh Lê Công Hoa là một tấm gương biết đứng lên ngay chỗ vấp ngã của mình …”.
Chị Trần Thị Thu Tân – Vợ anh Lê Công Hoa không khỏi xúc động khi nhắc đến khoảng thời gian đó: "Từ khi anh về, biết phấn đấu vượt qua mặc cảm, tu chí làm ăn, tôi rất mừng".
Anh Hoa mong rằng, sẽ giúp một phần nào đó cho mọi người, địa phương và cho chính bản thân anh, giúp cho xã hội ngày càng tốt đẹp hơn. Người đời vẫn bảo "sa ngã có năm bảy đường nhưng hoàn lương chỉ duy một lối", và thật may, anh Lê Công Hoa đã kịp quay lại trở thành một công dân tốt, là người con, người chồng, người cha mẫu mực trong gia đình.