Lối vào hang Hỏa Tiễn đã được sửa sang lại khang trang
Một hang với ba tên gọi
Hang Hỏa Tiễn nằm ở thị trấn Hoàng Mai, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, cách quốc lộ 1A khoảng 800m. Đây là hang động tự nhiên nằm trong dãy núi Eo Kin thuộc thị trấn Hoàng Mai. Hang quay mặt về hướng Đông, có diện tích 96m2, cửa hang có chiều cao 5m, rộng 8m, chiều dài của hang từ ngoài vào trong là 12m, từ ngoài vào trong thu hẹp dần, trước cửa có nhiều khối đá tảng lớn. Hang được chia làm 2 nhánh chính và một số hốc nhỏ chứa được vài người, nhánh thứ nhất diện tích 18m2, rộng 3,1m, sâu 6m. Nhánh thứ 2 rộng 1,5m, sâu 8m, phía trên có nhiều thạch nhũ tạo cho hang vẻ đẹp hoang sơ đồng thời là địa điểm lý tưởng làm nơi trú ẩn.
Với địa hình đặc biệt, trong chiến tranh chống ngoại xâm 1954-1975, hang đá này được tổ 4, đơn vị C271 đội 27 TNXP chọn làm nơi trú ẩn trong thời gian phục vụ bảo vệ huyết mạch giao thông tại khu vực Hoàng Mai. Ngày 28-4-1966, máy bay địch bắn tên lửa (hỏa tiễn) làm 33 chiến sỹ TNXP hy sinh. Kể từ đó, hang được mang tên Hỏa Tiễn.
Ngoài tên gọi hang Hỏa Tiễn, di tích còn có tên là hang Tổ 4 vì 33 liệt sỹ TNXP hy sinh tại hang đều thuộc tổ sản xuất số 4 có nhiệm vụ khai thác đá phục vụ san lấp, sửa chữa tuyến đường sắt, đường bộ khu vực Hoàng Mai; và một tên gọi khác là hang Khì.
Ngày định mệnh
Rời hang Hỏa Tiễn, chúng tôi ngược chuyến xe ra Bắc để tìm gặp bà Nguyễn Thị Toán, hiện ở thôn Bạch Xá, xã Hoàng Đông, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, nhân chứng sống đặc biệt sau sự kiện bi tráng tại hang Hỏa Tiễn năm xưa. Xe dừng ở ngôi làng cách Hà Nội 50km. Men theo con đường nhỏ chừng 4km hỏi nhà cựu TNXP Nguyễn Thị Toán, không chỉ người già mà ngay cả các cháu học sinh trường làng cũng biết. “Nhà bà Toán ở cuối làng Bạch Xá. Các chú đến nghe bà Toán kể chuyện sống lại từ quan tài phải không?“, một cậu học sinh tôi gặp trên đường làng nhanh nhảu.
Đón chúng tôi trong ngôi nhà giản dị cuối làng là người phụ nữ luống tuổi, có nước da đen sạm, gương mặt hiền hậu, mái tóc đã lẫn 2 màu đen trắng nhưng cử chỉ của bà thì còn nhanh thoăn thoắt. Nghe hỏi về câu chuyện ở tuyến lửa Hoàng Mai năm xưa, bà ngồi im lặng một lúc. “Đã lâu rồi tôi chưa có dịp qua Hoàng Mai để thắp nén hương cho đồng đội. Các anh (chị) đã hi sinh trong giây phút ngắn ngủi quá. Chính tôi cũng không nghĩ mình là người may mắn sống sót sau ngày bi thương đó”, nói rồi, bà kể chúng tôi nghe về quãng thời gian làm TNXP giữa mưa bom bão đạn.
Như bao chàng trai cô gái thời chiến khác, lúc 17 tuổi cô gái Nguyễn Thị Toán hăng hái lên đường tình nguyện tham gia vào TNXP. Tháng 4-1965, khi Bộ Giao thông Vận tải thành lập, đơn vị C271 đội 27 “Ba sẵn sàng” được chuyển giao cho Tổng cục Đường sắt để đáp ứng yêu cầu bảo vệ tuyến đường sắt huyết mạch và sản xuất đá phục vụ kịp thời cho công tác bảo đảm giao thông, khu vực Thanh Hóa - Vinh, trong đó tập trung tăng cường cho mặt trận Hoàng Mai ở Quỳnh Lưu (Nghệ An). Đơn vị C271 được phân thành nhiều tổ đội, mỗi tổ đội đảm đương một nhiệm vụ khác nhau như: nạo vét kênh nhà Lê; bốc dỡ hàng hóa tại ga Hoàng Mai; bảo vệ an toàn đường sắt, đường bộ từ khe nước Lạnh vào cầu Hoàng Mai... Trong đó, tổ 4 có 36 đồng chí (14 nam, 22 nữ) với nhiệm vụ khai thác đá để xây dựng đoạn đường vào ga Hoàng Mai và khắc phục kịp thời các sự cố trên tuyến đường sắt khi bom giặc đánh phá. Cô thanh niên Nguyễn Thị Toán lúc đó tròn 18 tuổi, được phân về tổ 4.
Lật giở mấy trang nhật ký, bà Toán hồi tưởng lại những ngày bà cùng các đồng đội sống chung với tiếng bom ở hỏa tuyến. “Những ngày bấy giờ, bom đạn của giặc ngày đêm quần phá tuyến đường huyết mạch của ta, mà ác liệt nhất chính là tuyến lửa Hoàng Mai. Có hôm giặc trút cùng lúc hàng chục quả bom hạng lớn khiến tuyến đường bị xé nát, xe cộ không lưu thông được. Không kể ngày đêm, đơn vị tôi quên ăn quên ngủ san lấp đường để xe ta chở nhu yếu phẩm, đạn dược vào miền Nam, lúc hết san lấp đường thì chúng tôi làm nhiệm vụ khai thác đá ở Hoàng Mai...”, bà Toán kể lại.
Thế rồi, trong một lần đang cùng đồng đội san lấp hố bom ở gần hang Khì - Hoàng Mai (thuộc xã Quỳnh Thiện, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) thì máy bay địch bay sát phóng một quả tên lửa làm sập cửa hang Khì. 33 đồng đội của bà mãi mãi ra đi.
Bà Toán hồi tưởng: “Hôm đó khoảng gần 9h sáng 28-4-1966, tổ tôi đang làm việc ở mỏ đá thì tổ trưởng Thắm ra lệnh và hướng dẫn mọi người chạy vào hang Khì ẩn nấp. Khi mọi người vừa chạy tới cách cửa hang khoảng 30m thì máy bay địch nhào tới phóng ngay một quả tên lửa vào đúng miệng hang khiến hàng trăm khối đất đá đổ sập xuống. 34 người trong đó có cả tôi bị vùi lấp trong lớp đất đá. Tôi chỉ nhớ lúc đó tôi cũng mê man bất tỉnh, toàn thân không cử động được nhưng tai thì vẫn nghe loáng thoáng tiếng kêu cứu thất thanh của đồng đội. Nghe rõ nhất là tiếng chị Đặng Thị Doanh kêu đồng đội “Anh em ơi! Có ai còn sống không?”. Rồi có đồng đội rên rỉ trong tuyệt vọng vì đá đè nát hết người và chân tay. Nhưng rồi sau đó tôi không biết gì nữa...”.
Bà Nguyễn Thị Toán kể lại câu chuyện 46 năm về trước
Trở về từ cõi chết
Sau một ngày đêm cật lực đào bới, đến sáng hôm sau người dân mới khơi thông được cửa hang. Một cảnh tượng đau lòng hiện ra trước mắt 34 TNXP chỉ còn là 34 thi thể nằm bất động, người bị đá đè nát tay chân, có người cơ thể không được nguyên vẹn. Duy nhất chỉ có chị Trần Thị Loan được mọi người phát hiện đang động đậy và thở nên lập tức được chuyển đi Hà Nội cứu chữa, tuy nhiên chị Loan mất sau đó 4 tháng vì vết thương quá nặng.
33 thi thể được đồng đội đặt ngay ngắn trong những chiếc quan tài dã chiến, không gian u ám, tiếng khóc xé lòng của những người đang sống vang vọng rừng núi. Đúng lúc chuẩn bị đến giờ làm lễ đậy nắp quan tài thì bỗng nhiên có một tiếng kêu nhỏ phát ra từ chiếc quan tài của bà Toán. Mọi người ai cũng sợ, nhưng tiếng kêu tiếp tục vang lên rõ hơn. Mọi người tiến đến thì thấy giọng nói của bà Toán thật, cơ thể cử động nên đã vội vã đưa ra ngoài...
“Lúc mọi người tắm rửa cho tôi, đưa vào quan tài tôi không hề biết. Mãi tới khi tôi tỉnh dậy thì thấy cơ thể đau nhức, không cất được thành lời mà chỉ lí nhí, mở mắt ra nhìn thì phát hiện mình nằm trong hòm rồi”, bà Toán kể.
Qua 3 tháng chữa trị, bà Toán đã bình phục, nhưng sức khỏe yếu nên được giới thiệu về làm công tác giữ trẻ cho các công nhân tại mỏ đá Phủ Lý. Đến năm 1971 bà về quê với thương tật 4/4, sau đó lập gia đình với một cựu TNXP. Đến nay, 4 người con của họ đều đã được dựng vợ gả chồng. Cuộc sống khó khăn, nên dù trên cơ thể có tới 7 vết thương chủ yếu do mảnh đạn găm vào người, những lúc trái gió trở trời là cơn đau lại hành hạ, ngày ngày bà vẫn phải lăn lộn việc đồng áng. Lúc chia tay chúng tôi, bà chỉ nói lên một ước mong duy nhất của mình: “Các chú về qua Hoàng Mai, giúp tôi thắp cho đồng đội một nén hương…”.