Những chiêu thức giả đồ cổ
Kinh nghiệm hơn 20 năm làm nghề phục chế, H tự hào có thể phân biệt đâu là đồ gốm sứ mới, đâu là đồ cổ “xịn”, đâu là hàng “vá”. Với cách nung gốm xưa, đất sét có chứa chất khoáng như Fe dưới dạng bụi li ti lẫn một số tạp chất, nên khi nung thường để lại các bọt khí màu nâu, thậm chí là đen. Nếu đồ gốm sứ nào hạt khí đều, chắc chắn là hàng giả cổ. Tuy nhiên giới làm giả biết cách tạo nốt gỉ trên men bằng dùng bút điện châm, song các nốt này đều, dễ bị phát hiện.
Để tạo những thứ cổ hơn, trông không bóng bẩy, hơi mờ, có dấu hiệu lột men, các thợ làm giả thường phun một hỗn hợp chất lỏng dạng bùn có chứa Silic dioxyt để tạo màng trong và nốt gỉ, nung lại với nhiệt độ thấp rồi làm lạnh đột ngột để tạo men rạn, sau đó đem ngâm với nước tiểu, dấm làm mờ hoa văn, đôi khi người ta còn gắn thêm cát vào đế cho giống với cách tạo sản phẩm trên đế bàn xoay ngày xưa, nên việc xác định bằng mắt và kinh nghiệm cũng rất khó khăn ngay với cả dân chuyên nghiệp.
Lợi - một người bán đồ đồng cổ trên đường Lê Công Kiều, quận 1 cho biết: Với đồ “mông” lấy cốt cổ mà… chỉnh hình lại thì người chơi đỡ bị thiệt, nhưng nếu làm giả cổ mà bán giá trên trời, đích thị là lừa đảo. Nhiều đồ trang sức bằng vàng cổ, các tay quai, mối nối thường được hàn mềm bằng chì hay thiếc, hàn cứng bằng đồng, vàng nhưng đồ giả khi nhìn trên kính hiển vi điện tử mới phát hiện các phần mạ vàng có cadmi.
Nhiều tay giả cổ còn sử dụng cả máy x-quang bệnh viện để lừa những nhà sưu tập khi những điểm mà khách thường yêu cầu kiểm tra sẽ được đính những dấu hiệu nhận biết lên món đồ, tạo những dải màu trùng với bảng so sánh niên đại, và qua mặt được các kỹ thuật viên quang phổ. Thế mới có chuyện, một đại gia tên T mua được chiếc thạp đồng Đông Sơn còn nguyên bản, không sứt mẻ trị giá lên đến tỷ đồng. Thạp được xác định niên đại qua sự phân hủy của thori, uran, kali trên bề mặt đồng. Nhiều năm sau cũng chính ông T đành nuốt nước mắt vào trong khi được một chuyên gia hàng đầu cổ vật nói là đồ giả cổ. Tức mình, ông T dùng đèn khò… phá hủy “cổ vật”, sau nhiều lớp mảng gỉ xanh, hóa ra bên trong cốt là vỏ lon coca, bên ngoài được “bắn” từng lớp khoáng chất pha đồng cùng thời với nguyên mẫu, rất công phu, khiến chiếc thạp vừa nhẹ, vừa có màu thời gian mà việc xác định niên đại bằng các máy đo thông thường đều… bó tay. Những “cao thủ” này đã qua mặt nhiều chuyên gia cổ vật khi sử dụng khoáng chất có từ hàng nghìn năm trước để tạo dáng và hoa văn bên ngoài.
Ông Ung Thanh Dũng, một người chơi đồ đồng cổ có tiếng ở TP.HCM cho biết, đồ giả thường được đổ khuôn theo nguyên mẫu cổ, làm mòn bề mặt bằng hóa chất để tạo ra một lớp mỏng thật giống, sau đó nghiền một khoáng chất thích hợp với đồ đồng thời Đông Sơn, Hùng Vương, Hán-Thương… dùng chất kết dính gắn lên bề mặt kim loại. Như đồ đồng thời Minh thế kỷ XV, đồ đồng mới được ngâm phèn nóng trong một lớp đất sét, sau đó dùng bàn chải quét hay để trong một lớp đất sét xử lý với dung dịch muối amoni và borat, cuối cùng là nung ở nhiệt độ thấp trong lò nhiều ngày. Cũng vì thế, theo ông Dũng, việc làm cũ, làm cho cổ đồ đồng, tiền cổ khá dễ, cứ phun hóa chất, chôn xuống đất một thời gian hoặc ngâm trong… phân hay để trên mái nhà ngoài trời lâu ngày, sẽ tạo ra malachit màu xanh lá cây Cu(OH)2CO3 hay azurit màu xanh nước biển Cu2(OH)3Cl, đồng màu đen brochantit Cu4SO4(OH)6 là thành… đồ cổ và có thể bán với giá cao gấp hàng chục lần. Điều nhận biết rõ nhất thật giả chỉ là đồ giả không đặc chắc, các lớp gỉ đồng mỏng có cả đồng nitrat, các khoáng chất dính trên mặt đồ đồng cổ khi chiếu tia cực tím sẽ phát quang, đồ đồng giả cổ khi đánh bóng dễ bay lớp phủ ngoài…
“Chơi” đồ cổ cũng phải có “trình”
TS.Nguyễn Đình Chiến - chuyên gia nghiên cứu cổ vật Việt Nam cho rằng, ngoài tận mắt tìm hiểu món đồ, còn phải hiểu tường tận từng dòng sản phẩm, sản xuất ở đâu, giai đoạn nào, hàng xuất đến vùng nào… để tìm ra nguyên liệu chế tác, cách thức sản xuất, hoa văn trang trí; hàng dùng thương mại, hoàng cung hay bình dân đều có những tiêu chuẩn riêng biệt mà chỉ có những trung tâm đấu giá lớn trên thế giới với những chuyên gia cổ vật uyên thâm mới đủ sức thẩm định. Ví dụ gốm sứ hoàng gia Trung Quốc, các sản phẩm nghệ thuật phải đạt đến độ tinh xảo nhất, sản phẩm không đạt sẽ bị hủy nên không thể có gốm sứ đời Minh, Thanh dùng trong hoàng cung vẽ rồng phượng tuyệt đẹp mà lại bị lỗi. Các sản phẩm thương mại được sản xuất nhằm phục vụ nhu cầu và thị hiếu người Đông Nam Á, đặc trưng của sản phẩm là lỗi lò, mà tùy theo kinh nghiệm của lò gốm mà tìm ra những lỗi đặc trưng và tính thật của sản phẩm.
Đó là lý do trong giới chơi cổ vật, câu cửa miệng an ủi là phải chấp nhận bỏ rất nhiều tiền “ngu” để mua kiến thức. Nhiều năm qua, khá nhiều đại gia mới nổi học đòi mua độc bình, chóe, thạp, bát… trị giá hàng chục triệu, hàng tỷ đồng để khoe sự sành điệu, giàu có, đến khi đành phải chia tay những món hàng “khủng” vì vỡ nợ, mới té ngửa ra đó là đồ giả cổ. Tất nhiên như TS. Nguyễn Đình Chiến phân tích, do nhu cầu, nghề làm đồ giả cổ được khuyến khích sản xuất, nhưng việc nhiều kẻ buôn bán lợi dụng tính hợp pháp của việc sản xuất, kinh doanh các mặt hàng giả cổ để đánh lừa khách hàng cần phải nghiêm trị, bởi nó làm phương hại đến lợi ích chính đáng của người tiêu dùng, gây hậu quả xấu về kinh tế - xã hội.
Theo một cán bộ Phòng An ninh văn hóa CATP.HCM, rất cần Nhà nước tạo điều kiện thành lập những trung tâm giám định, đấu giá cổ vật để giúp những người thực sự có nhu cầu thưởng thức cổ vật có điều kiện mua được những món hàng thật, giá trị.