Đồng chí Trần Ẩn (người mặc áo trắng ngoài cùng bên tay trái) trong
buổi giao lưu, học hỏi kinh nghiệm với chuyên gia nước ngoài
Chiến đấu với giặc lửa
Tháng 10-1962, sau 12 năm công tác trong Quân đội, Thiếu úy Trần Ẩn được điều chuyển về Đội PCCC, Sở Công an TP Hà Nội. Giữa năm 1966, đế quốc Mỹ mở đợt tấn công, đánh phá ồ ạt hệ thống dự trữ xăng dầu khu vực miền Bắc mà mở đầu là Tổng kho Xăng dầu Đức Giang. Giữa trưa 29-6-1966, 3 tốp máy bay Mỹ thay nhau ném bom liên tiếp khu vực Hà Nội. Tổng kho Xăng dầu Đức Giang chìm trong biển lửa.
Mặc dù có sự hỗ trợ của 12 xe chữa cháy, lực lượng Cảnh sát PCCC của 4 đội Phan Chu Trinh, Đại La, Gia Lâm và Lộc Hà sau nhiều giờ lăn xả nhưng đám cháy chưa có dấu hiệu bị đẩy lùi trong khi bình bọt khí CO2 lại hết. Nhiều phương án được đưa ra trong đó có cả việc đánh bom phá hủy một phần kho xăng tránh để lộ vị trí các bể chứa chưa bị phát hiện. Tuy nhiên, trong tình thế đó, đồng chí Trần Ẩn cùng các đồng đội thống nhất quyết định dùng nước để tiếp tục chữa cháy. Anh cùng các đồng đội chỉ với găng tay, áo bạt, mũ đồng đã dũng cảm lao vào các vị trí cháy lớn nhất để chia cắt nguồn lửa với khu vực. Từ đó thu hẹp vùng ngăn cách, sau đó, dồn tất cả nguồn nước phun thẳng vào điểm cháy nhằm dập tắt hẳn ngọn lửa. Sau 17 giờ vật lộn, giành giật từng bể xăng với giặc lửa, cơ bản đám cháy đã được khống chế. 12 bồn xăng lớn cùng hàng nghìn thùng phuy chứa tới 23 triệu lít xăng trên tổng số 25 triệu lít đã được các chiến sĩ PCCC Hà Nội đảm bảo an toàn.
Với chiến công này, Trần Ẩn - lúc bấy giờ đang là Trung úy, Trung đội Trưởng Trung đội 5 Đội PCCC Hà Nội đã vinh dự cùng các đồng đội trong Đội PCCC Hà Nội trao đổi kinh nghiệm dùng nước cứu cháy xăng với đoàn chuyên gia nước ngoài. Khi đó, chiến công này được ví như kỳ tích bởi chưa thấy ai có thể dùng nước dập tắt cháy xăng.
Những dự định dang dở
Anh Trần Quang Sơn, con trai của liệt sĩ Trần Ẩn (hiện đang công tác tại Công an huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình) kể lại: “Ngày ấy, tôi còn quá nhỏ để biết được những chiến công của cha mình. Sau này, khi lớn hơn, chú tôi, người trực tiếp ra Hà Nội liên hệ với đơn vị của bố có kể lại cho tôi về sự hy sinh anh dũng của ông”. Một năm sau chiến công cứu kho xăng Đức Giang, giặc Mỹ vẫn tiếp tục leo thang, đánh phá miền Bắc. Kho xăng Đức Giang tiếp tục là một trong những trọng điểm bị đánh phá ác liệt. Lúc này chị Nguyễn Thị Hậu (vợ liệt sĩ Trần Ẩn) đang mang thai đứa con thứ 2 ở tháng thứ 4.
Chiều 11-8-1967, khi đang trực tại đơn vị, Trần Ẩn nhận được điện thoại gấp từ huyện Gia Lâm yêu cầu lập tức chi viện cứu hỏa tại kho xăng Đức Giang. Đồng đội của anh kể lại, đúng vào buổi chiều định mệnh đó, đồng chí Nguyễn Văn Ngữ trở lại cơ quan lấy thuốc lá về chuẩn bị tổ chức lễ cưới. Hay tin kho xăng Đức Giang bị đánh phá ác liệt, anh cũng đi theo đồng chí Ẩn. Cả 2 lên chiếc xe sidecar nhằm hướng Đức Giang lao đi. Khi xe đi đến giữa cầu Long Biên thì từ xa một chiếc máy bay tiêm kích của Mỹ xuất hiện. Nhiều người chạy dạt đi tìm chỗ trú ẩn. Nhưng giữa lúc tình thế nguy cấp, 2 anh vẫn quyết định cho xe tiến thẳng qua để nhanh chóng chi viện cho Đức Giang. Đến giữa cầu, một quả rocket bắn xuống, làm đứt một nhịp, đồng thời thổi bay cả 2 anh xuống sông. Anh Sơn cho biết, “Sau này đồng đội của bố có kể lại cho tôi rằng, chiếc xe mà ông đi hôm đó vỡ nát, các bộ phận văng ra khắp nơi. Khi mọi người ra tới hiện trường chỉ thấy cánh tay của chú Ngữ vẫn bám chặt lấy tay lái xe còn thi thể của bố và chú đã bị rơi xuống sông”.
Chỉ vài tiếng sau thi thể của các anh đã được tìm thấy cách vị trí nơi các anh hy sinh không xa. Cả hai ra đi khi nhiều dự định vẫn còn dang dở, một người chưa được thấy mặt đứa con thứ 2, một người chưa kịp tổ chức đám cưới. Noi gương các anh, lực lượng Công an Hà Nội vẫn luôn giữ vững và phát huy truyền thống anh hùng bất khuất, sẵn sàng đối mặt với hiểm nguy để bảo vệ bình yên cho nhân dân, đất nước.