Tiên dược “thôi sơn”
“Thần y” vừa đấm, vừa... xoa
Trong khi nghỉ ngơi chờ đợi đến lượt “chữa trị” bệnh, tôi ra đầu làng ngồi uống nước mía. Trong câu chuyện qua lại, chị chủ quán bán nước mía dưới gốc xà cừ hỏi: “Ông này chữa có khỏi không mà nhiều người tìm đến thế hả chú?”. Thế chưa biết tên “thầy” này à? Tôi hỏi lại thì được chị chủ quán kể lể. “Bụt chùa nhà không thiêng thì phải chú ạ. Ở làng chẳng có ai đến chữa bệnh ở nhà ông này cả. Cách đây ít lâu, có một người chữa đau lưng nhưng bị ông ấy đấm cho một quả đã bỏ chạy bán sống, bán chết…”.
Cách bắt bệnh của “thầy” ai cũng như một. Thế mà bệnh nhân đến rất đông. Khi chúng tôi có mặt, xe ô tô đỗ kín ngoài cổng, trong sân có rất nhiều xe máy. Điều kỳ lạ là “bệnh viện” của “thầy” là căn nhà ngói ba gian, nằm cạnh ngôi nhà cao tầng, nơi sinh hoạt của gia đình. Lúc này đang có 4 bệnh nhân nằm trên giường chờ thầy trị bệnh. Tôi hỏi người phụ nữ bên cạnh thì được biết, chị ở Thái Nguyên đến đây từ sớm. Chị bảo nghe thấy tiếng tăm “thầy” từ lâu giờ mới đến chữa lần đầu. Tôi để ý, cách chữa trị của “thầy” thì thấy ai cũng giống ai, đều nằm xông thuốc sau đó hỏi bệnh nhân đau ở đâu thì đấm mạnh vào đó 3 phát thật mạnh.
Quan sát kỹ “bệnh viện” có tổng cộng 10 chiếc giường đơn để bệnh nhân nằm xông thuốc. Trên tường cạnh mấy chiếc giường treo một bức hoạ về hệ cơ, xương của con người. Nhưng hình ảnh dễ nhìn nhất là bức ảnh chụp chân dung “thầy” đang hành “nghề” được phóng to. Trong ảnh, “thầy” đang cười với nắm đấm giơ cao giáng xuống một phụ nữ đang ngồi cúi đầu. Đang nhòm ngó quanh phòng thì thầy xuất hiện. Giờ tôi mới hiểu cách gọi nghe có vẻ xách mé của người dân thôn Đoài Giáp khi nói về “thầy”- Chanh chóp. “Thầy” gì mà bé tí, bé tẹo, còm nhom như người của những năm 1945. Vừa ngẫm nghĩ trong đầu, tôi vừa hình dung tại sao con người ấy lại có thể “kỳ tài” đến thế. Chữa bách bệnh mà toàn bệnh hiểm nghèo.
Người đàn ông nằm xông thuốc cách tôi 1 giường, bị đau xương hông và xương sống nên nằm im thin thít. “Thầy” bảo ngồi dậy mãi mới gượng được. Anh này ngồi dậy, lưng dính đầy thuốc. “Thầy” phán: “Lưng đỏ tấy như thế này là ngấm thuốc rất tốt đấy”. Nào! Ngồi thẳng lưng và đầu hơi cúi xuống. Vừa xong “mệnh lệnh” của “thầy” thì anh này đón nhận “viên thuốc” đầu tiên, đó là cú “thôi sơn” nện hết sức vào lưng. Một tiếng “hự” trong cổ họng bệnh nhân phát ra. Tôi bủn rủn chân tay vì cú đấm của vị “thần y”, nhưng chưa hết. Một cú tiếp theo mạnh hơn trời giáng khiến mặt bệnh nhân biến dạng vì căng cơ hết mực để chịu đựng… Tôi đếm đúng 3 phát trời giáng như thế. Khi ra về, “thầy” đưa cho gói thuốc lá và dặn nhớ đun uống ngày 3 bát. Mỗi lần như vậy là bệnh nhân “cảm ơn” “thầy” 200 nghìn đồng.
“Tốt nghiệp” ngành y trong tưởng tượng
Cánh bệnh nhân là đàn ông thì đỡ khiếp, chứ cánh phụ nữ thì chắc khiếp đến hết đời bởi cách chữa bệnh bằng bài thuốc… đấm. Vừa làm “thầy” vừa nói như bộc bạch. “Có phải ai cũng làm được nghề này đâu. Phải hiểu biết về cơ địa, cơ xương mới dám đấm mạnh như thế, chứ không gẫy xương người ta đi. Tôi là được người ta giúp đỡ…”- ông Chanh khẳng định. Tuy nhiên, tôi cắt lời là ai giúp mà ông có biệt tài vậy thì ông nói rằng, vị tối cao, siêu nhiên làm sao anh có thể biết được. Ông Chanh cho biết đấm mạnh như vậy để cho long vôi xương sống. Bởi lẽ tất cả các bệnh về xương đều liên quan đến xương sống. Giờ mình tác động mạnh vào xương sống sẽ giúp các mạch máu lưu thông… Tôi gặng hỏi mãi “thầy” Chanh mới khẳng định: “Tôi làm được là nhờ có người trên Thiên đình giúp. Phương pháp đấm chữa bệnh liên quan đến xương, cả thế giới chỉ mình tôi mới làm được”.
Nói như “thầy” thì ngành y của Việt Nam này kém quá. Thuốc tiêm, thuốc uống, thuốc bóp, thuốc dán… không thể bằng cú đấm của “thầy” được. Tôi vờ vịt, cuối cùng cũng thấy được thuốc “thầy” cho các bệnh nhân dùng, đó là vài loại lá cây vớ vẩn mà vợ “thầy” hái ngoài bờ rào. Chúng được giã nhỏ. Sau đó “thầy” gói chúng vào chiếc lá dáy. Bệnh nhân nào đến cũng được “thầy” phát cho một gói như vậy để xông. Cách duy nhất là đặt dưới thắt lưng rồi dùng bếp than hun nóng. Mỗi bếp “thầy” có lắp một chiếc quạt điện công suất nhỏ để điều chỉnh nhiệt độ.
Sở dĩ ông Chanh trở thành vị “thần y” mà mỗi người bệnh đến chữa trị đều khiếp sợ là vì trong giấc mơ “thầy” được người Thiên đình mách bảo, hành nghề này để cứu nhân độ thế. Sự tình cờ của giới siêu nhiên nào đó đã mách bảo ông Chanh hành nghề và trở thành “thần đấm” đến giờ chỉ có ông Chanh mới biết. Còn đối với người dân ở xứ Đoài thì ông Chanh lúc mới sinh bé tẹo như cái kẹo mút dở. Năm 20 tuổi, “thầy” vẫn bé tẹo, còi cọc. Vì thế bạn bè mới gọi “thầy” là Chanh chóp, tức là quá nhỏ và còi cọc. “Thầy” học hết lớp 7 rồi ở nhà chăn trâu và trông em. Từ đó đến khi lấy vợ “thầy” cũng vẫn làm nghề nông, chứ chưa từng theo học nghề bốc thuốc. Người dân thôn Đoài Giáp kể lại, “thầy” trở thành “thần đấm” sau một giấc mơ là có một vị thần nào đó truyền cho thầy bí kíp chữa bệnh. Trong cuộc nói chuyện, ông Chanh vẫn luôn khẳng định chắc như đinh đóng cột: “Tôi chữa bệnh là để cứu độ chúng sinh”.
Để hiểu rõ hơn về lý lịch của “thần y”, chúng tôi đã làm việc với ông Giang Mạnh Hoằng, chủ tịch UBND xã Đường Lâm, Sơn Tây. Ông Hoàng khẳng định, chính quyền xã đã nhiều lần kiểm tra hoạt động chữa trị bệnh của ông Chanh và đã giao Trạm y tế xã Đường Lâm kiểm tra xác minh về tình hình hoạt đông của vị “thần y” này. Ông Hoàng cho biết: “Tên thật của “thầy” là Phan Văn Chanh, sinh năm 1952. Ông Chanh đã làm việc này từ hơn chục năm nay, nhưng mạnh nhất là trong 2 năm gần đây. Chỉ có người ở xa đến chữa bệnh, chứ không một ai ở trong thôn, xã đến nhà ông Chanh chữa bệnh cả”. Cán bộ Trạm Y tế xã Đường Lâm cũng đã vào cuộc kiểm tra về “năng lực” khám, chữa bệnh của “thầy” Chanh. Kết quả là “thầy” Chanh chưa từng học một lớp nào liên quan đến ngành y cả. “Bệnh viện” của “thầy” là hoàn toàn tự phát, chứ chính quyền và cơ quan y tế không hề cấp phép. Trạm Y tế xã cũng đã từng nhắc nhở và yêu cầu “thần đấm” ngừng hoạt động. Tuy nhiên, đến nay “thầy” Chanh vẫn khám, chữa bệnh bình thường.