Hình ảnh người bác sỹ luôn đem lại sự tin cậy cho người dân. (Ảnh minh họa)
Đủ chiêu lách luật
Là người hàng ngày đọc báo và xem truyền hình, bà Nguyễn Thị Dịu - cán bộ hưu trí ở phường Thành Công, quận Ba Đình chia sẻ: “Do có nhiều thời gian nên hầu như chương trình truyền hình nào, tờ báo nào có trong nhà tôi cũng xem, cũng đọc. Những chuyên mục tôi quan tâm nhất là tư vấn sức khỏe, các mẩu quảng cáo về thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh. Tôi thấy khá nhiều bác sỹ đóng vai trò là người giới thiệu về chức năng, công dụng của các loại thuốc, thực phẩm này. Quả thật cứ nhìn thấy người mặc áo blu trắng tôi đã thấy tin tưởng hơn nhiều bởi, họ có chuyên môn nên thông tin đưa ra sẽ chuẩn xác hơn. Cách đây không lâu trên truyền hình xuất hiện đoạn quảng cáo một loại thuốc cảm. Trong quảng cáo này, nhân vật nam cho biết, “nhiều năm qua ông đã đi khắp nơi “chăm sóc đồng bào vùng sâu, vùng xa” và do “áp lực công việc”, ông bị đau đầu và phải uống thuốc cảm này. Nhiều lần bị nhức đầu sổ mũi, tôi cũng mua loại thuốc cảm này về dùng thử nhưng không thấy tác dụng như mong đợi. Đúng là chẳng biết thế nào mà lần…”.
Chương trình tư vấn sức khỏe hiện được khá nhiều đài truyền hình khai thác. Tuy nhiên, để tránh bị cơ quan chức năng “soi”, việc quảng cáo thường được lồng vào các chuyên mục này một cách khéo léo. Như trong chương trình giao lưu trực tuyến về an toàn tình dục ở lứa tuổi học đường một đài truyền hình đã mời phó tiến sỹ chuyên về tình dục học đến tham gia, giao lưu với khán giả. Trong cuộc trò chuyện, vị khách này đã nhắc khéo về một loại thực phẩm chức năng giúp “bổ huyết, điều kinh” đối với các em gái. Cách quảng cáo này rất dễ đi vào lòng người, đủ sức thuyết phục người tiêu dùng sử dụng sản phẩm đó nhưng chi phí bỏ ra thấp hơn nhiều lần so với một chiến dịch quảng cáo rầm rộ.
Bên cạnh đó, một số bác sĩ, dược sĩ tham gia quảng cáo thuốc thường không công khai ca ngợi tác dụng sản phẩm mà chỉ thể hiện dưới dạng trả lời thắc mắc hoặc tư vấn sức khỏe cho bạn đọc. Ngoài ra, “chiêu” quảng cáo sử dụng tên tuổi và hình ảnh thầy thuốc phổ biến nhất hiện nay là đăng tải bài viết của bác sĩ về một chứng bệnh nào đó kèm theo hình ảnh sản phẩm. Chẳng hạn trên một tờ báo, bên dưới bài viết về bệnh béo phì của bác sĩ là mẫu quảng cáo loại thực phẩm chức năng giúp nhanh giảm béo. Với cách quảng cáo như thế này, cơ quan chức năng khó có thể xử lý được.
Nguyễn Đức Hoàng - nhân viên của một công ty quảng cáo và tổ chức sự kiện cho biết, chỉ cần một phút xuất hiện, mỗi bác sỹ đã được trả hàng nghìn USD. Đây cũng là lý do khiến hầu hết trong số họ khó có thể nói lời từ chối khi được đề nghị tham gia quảng cáo dù biết là vi phạm. Đối tượng tham gia chủ yếu là một số thầy thuốc nghỉ hưu hoặc không làm việc ở cơ quan nhà nước… Để lách luật, các đơn vị tổ chức sự kiện thường tổ chức các chương trình tư vấn tiêu dùng với thành phần gồm người dẫn chương trình, người tiêu dùng, bác sỹ.
Khó xử lý
Bác sỹ Vũ Minh Hiếu - Bệnh viện E cho rằng, tình trạng thầy thuốc cho phép nhà sản xuất hay công ty tiếp thị sản phẩm thuốc sử dụng tên tuổi và hình ảnh của mình, dù dưới hình thức nào là trái với y đức. Bởi khi thấy một bác sỹ nói về một loại thuốc nào đó, người tiêu dùng sẽ có cảm giác yên tâm hơn. Tuy vậy trên thực tế, tác dụng của loại thuốc này đến đâu bác sỹ… không chịu trách nhiệm. Trong trường hợp người sử dụng thuốc không thấy hiệu quả họ cũng chẳng biết kiện ai vì “thuận mua, vừa bán”, song khi đó hình ảnh của người thầy thuốc sẽ bị ảnh hưởng.
Luật sư Hoàng Huy Được, Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, Luật Bảo vệ người tiêu dùng đã có quy định cấm tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua hoạt động quảng cáo hoặc che giấu, cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác. Do vậy, nếu bác sỹ tham gia quảng cáo không đúng sẽ bị xử lý như các tổ chức cá nhân khác.
Bên cạnh đó, theo thông tư 13/BYT năm 2009 về hướng dẫn hoạt động thông tin, quảng cáo thuốc, Bộ Y tế nghiêm cấm lợi dụng hình thức thầy thuốc hướng dẫn cách phòng bệnh, chữa bệnh hoặc hướng dẫn sử dụng thuốc bằng các bài viết trên báo, bằng các chương trình phát thanh, truyền hình để quảng cáo thuốc. Khi bác sĩ tham gia hoạt động thông tin truyền thông mang tính chất giáo dục y tế cũng chỉ được đề cập đến các dữ liệu đã được xác minh, phải thận trọng và lưu ý về những tác động có thể có của những tuyên bố đối với công chúng. Dự thảo thông tư quy định về thông tin, quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) cũng nghiêm cấm các doanh nghiệp sử dụng, lợi dụng danh nghĩa, biểu tượng, hình ảnh, địa vị, uy tín, thư tín của tổ chức y tế, cán bộ y tế cho mục đích quảng cáo, hoặc dùng hình thức thư cảm ơn của người tiêu dùng để khuyên dùng và quảng cáo thực phẩm.
Quy định là vậy, nhưng trên thực tế hiện nay nhiều thầy thuốc vẫn nhận quảng cáo dưới nhiều hình thức khác nhau. Chẳng bác sỹ nào dại dột quảng cáo công khai theo kiểu “dùng cái này là tốt nhất” mà hầu hết họ chỉ xuất hiện để nói chuyện theo chuyên đề nên các cơ quan chức năng biết là quảng cáo nhưng không thể xử lý được. Còn nếu có xử phạt thì số tiền từ 5 - 10 triệu đồng đối với hành vi quảng cáo không có giấy phép hoặc quảng cáo quá nội dung cho phép cũng chỉ là... muỗi đốt inox.
Có một điều chắc chắn rằng khi một bác sỹ, người nổi tiếng quảng cáo cho một sản phẩm nào đó thì người tiêu dùng thường có niềm tin hơn, hiệu quả theo đó mà tăng lên rất nhiều. Việc cấm bác sỹ quảng cáo giới thiệu sản phẩm là điều không đơn giản vì đó là quyền công dân. Do đó, trong khi chờ các chế tài mạnh hơn từ phía cơ quan chức năng thì mỗi người tiêu dùng hãy tự bảo vệ lấy mình, thận trọng trước những lời quảng cáo có cánh…