Cuối thu, đầu đông, khi những nương cải của đồng bào dân tộc Mông vào mùa thu hoạch, trước kia đồng bào chỉ trồng để dùng cho bữa ăn gia đình, sau vì rau nhiều, nhà lại gần đường nên 1 số người mang ra bày bán, lâu dần người dân quen mua, người cần bán cũng nhiều, thế là hình thành nên chợ.
Ban đầu chỉ có đồng bào Mông tụ họp, họ bán những mớ rau cải, củ gừng, mấy quả bí ngô hay mớ rau rừng, thang thuốc lá cây… vì là những sản vật sẵn có nên họ chỉ bán với 1 giá duy nhất - 5 nghìn đồng. Và vì người mua đã quen nên cũng không thấy ai mặc cả, họ chỉ lấy hàng và trả tiền cho người bán, lại còn hỏi thăm chuyện trò rất rôm rả như những người thân lâu ngày gặp nhau. Lâu dần người Thái, người Tày cũng mang những sản vật của mình đến góp vui, giờ thì chợ có thêm nhiều mặt hàng khác như quả vườn nhà, khoai nương, ngô, măng, hoa chuối hay những món gia vị đậm đà của những món ăn dân tộc, hoặc những món bánh của đồng bào dân tộc có thể mua về gia đình hay làm quà cho người thân, bạn bè đều ý nghĩa.
Chợ đã có từ 2, 3 năm nay và vẫn giữ được những nét giản dị, chân chất của vùng đồng bào dân tộc miền núi, chợ chưa có tên, chưa được quy hoạch thành chợ dân sinh nên người dân vẫn quen gọi là chợ “5 nghìn” hay chợ “một giá”.
Cùng khám phá nét đẹp giản dị của chợ “một giá” này:
Sản vật đem ra chợ đều là những thứ của nhà làm ra
Bánh trưng đen, đặc sản của dân tộc Tày
Những trái bí ngô đúng vụ
Phiên chợ tấp nập người bán, người mua
Đây là rau cải nương
Rau rừng xanh mướt
Rau rớn