ANTĐ - Đốt những nén nhang (hương) thơm song người tiêu dùng sẽ không khỏi giật mình khi biết, hầu hết các loại hương nhang được bày bán trên thị trường hiện nay, đều được tẩm các loại hóa chất để khi đốt tạo tàn hương cong, đẹp.
Đến làng Cao Thôn, xã Bảo Khê, Thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên, không ít người sẽ phải giật mình vì công nghệ làm hương siêu nhanh và siêu cong ở đây. Hiện xã Bảo Khê có hơn 80% gia đình sản xuất hương với 2 phương pháp thủ công và làm bằng máy.
Theo các hộ gia đình, hương ở đây có rất nhiều loại, khách hàng yêu cầu loại nào sẽ có loại đó.
Bụi mù mịt tại khu sản xuất
Trong vai một khách hàng đi hỏi mua hương, chúng tôi ghé vào nhà anh N., một cơ sở sản xuất hương lớn trong làng. Trên một diện tích rộng khoảng 300 m2, các loại hương được phơi la liệt trên các tấm tre, nứa ở ngoài sân. Đặc biệt, trong khu vực sản xuất hương, luôn nghi ngút bụi mùn cưa, các công nhân ở đây đầu tóc, quần áo đều bị bụi mùn cưa bám dày đặc.
Tại khu vực này, bụi dày đặc đến mức quần áo chúng tôi mặc, chỉ sau khoảng 10 phút đã chuyển qua thành màu vàng. Tóc tai, mặt mũi vàng đen lẫn lộn.
Theo anh N., cơ sở của anh hàng ngày sản xuất hàng trăm bó hay xuất đi các tỉnh như Hà Nội, Hà Tây, Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình,….
Khi được hỏi các nguyên liệu để chế biến hương nhang, anh N. cho biết, hiện nay do trầm rất hiếm nên người trong thôn đều lấy các thảo mộc là các loại thuốc bắc. Tuy nhiên, khi được hỏi về các thảo mộc này thì người dân đều cho rằng là bí quyết riêng, không thể tiết lộ.
Hương chuẩn bị được nhúng hóa chất
“Công thức pha chế là phải có mùn cưa, tăm hương, còn thuốc thang, thảo mộc là do từng nhà trộn vào, chứ không nhà nào giống nhà nào”, anh N. tiết lộ.
Cũng theo anh N., để hương đậu tàn đẹp và cong được sau khi đốt thì phải tẩm ướt một loại hóa chất. Nhưng cụ thể là loại hóa chất gì thì chính anh N. cũng không biết.
Hóa chất nhuộm hương
Chắc chắn phải tẩm ướp hóa chất. Khách hàng thích đốt hương đậu tàn vì tưởng là lộc nhưng ngược lại, đó chỉ là cách để để bán được hàng.
Người sản xuất hương
“Chắc chắn là phải tẩm ướp hóa chất. Còn tự nó đậu thì không thể đậu được, mà phải làm cho nó đậu. Tôi cũng không biết là chất gì, chỉ biết là khi ngâm với chất này chỉ cần đốt không, tăm tre cũng tự quăn lại. Khi cho thịt hương vào thì sẽ có độ quăn rất đẹp. Khách hàng thích đốt hương đậu tàn vì tưởng là lộc nhưng ngược lại, đó chỉ là cách để để bán được hàng”, anh N. cho biết.
Cũng theo anh N., mua loại hóa chất này rất dễ, giá không đắt, chỉ chưa đến 30.000 đồng là có một can 5 lít, có thể nhúng hàng trăm bó tăm hương.
Tiếp tục tìm hiểu quy trình sản xuất hương, chúng tôi đến cơ sở sản xuất hương N.Q của ông H. Do nghe nói được anh N. giới thiệu, nên ông H. khá cởi mở tiết lộ về quy trình này.
Theo ông H., tăm hương sau khi mua về sẽ được nhuộm và ngâm với một hóa chất đặc biệt. Ngay cả ông và người làm cũng không biết là hóa chất gì. Trước đây muốn làm hương đậu tàn (tức là hương sau khi đốt cháy xong, tàn hương có vòng uốn cong) cần có nắng từ sáng đến chiều. Nếu đang phơi mà trời đổ mưa thì coi như phải làm lại từ đầu. Còn bây giờ, việc làm hương cũng đỡ vất vả hơn chỉ cần ngâm vào hóa chất này, còn ngâm bao lâu và như thế nào tùy vào mỗi nhà.
Hóa chất nhuộm hương
Loại hóa chất mà ông H. cho tẩm hương được là một chất lỏng, có màu đỏ đục, như màu nhớt, mùi khét và hắc, rất khó chịu. Theo ông, chỉ cần nhúng và ngâm tăm hương vào một loại hóa chất tầm 3 – 5 phút rồi nhấc ra, sau đó đem cuộn thịt hương (mùn cưa) rồi đem phơi khô tầm nửa ngày, là có thể đóng gói xuất hàng đi các tỉnh.
Cũng theo ông H., cả thôn ông sản xuất hương nhang nhiều năm nay, nhưng chưa có cơ quan chức năng nào xuống kiểm tra về tính độc hại, hay ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân và công nhân như thế nào.
Việc sản xuất hương dùng hóa chất đã diễn ra gần chục năm nay, nhưng theo nhiều người dân, việc làm hương này là do thị trường chứ không phải do người làm muốn là được.
Theo ông H., tại thôn hiện nay không chỉ sản xuất tăm hương có tẩm hóa chất, mà nhiều hộ gia đình còn đặt mua tăm hương tại xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, Hà Nội.
3 phút là hương cong, đẹp
Để tìm hiểu thêm về loại hóa chất sản xuất hương, chúng tôi đã đến xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, Hà Nội. Đây cũng là vùng chuyên sản xuất tăm hương cung cấp cho nhiều cơ sở sản xuất. Điều đáng nói tăm hương ở đây 100% là tẩm hóa chất để hương có thể đậu tàn đẹp.
Xã có trên 90% hộ gia đình sản xuất tăm hương. Tùy theo yêu cầu của khách hàng mà sẽ nhuộm tẩm thêm hóa chất khác nhau.
Hương ngâm hóa chất để làm cho tàn cong
Tại cơ sở sản xuất tăm hương của gia đình ông Thoán, đây là một cơ sở sản xuất lớn vì mỗi ngày sản xuất khoảng 100 bó hương. Cũng theo ông, lượng tiêu thụ tăm hương hàng ngày khá lớn, có nhiều ngày thiếu tăm, gia đình ông phải sang mua thêm từ các hộ khác.
Muốn hương cong đẹp thì trộn 1 lít axit H3PO4 vào 10 - 12 lít nước lã. Sau đó khuấy đều và sau khi nhúng, thì ủ 3- 5 phút rồi rút ra phơi, rồi đem đến người làm hương để cho thịt hương vào.
Người sản xuất hương
Cũng theo ông Thoán, loại hóa chất được dùng để ngâm và tẩm vào tăm hương, chính là Acid Photphoric (H3PO4), tuỳ theo yêu cầu của khách mà gia đình ông sẽ tẩm lượng axit với nồng độ khác nhau.
“Muốn hương cong đẹp thì trộn 1 lít axit H3PO4 vào 10 - 12 lít nước lã. Sau đó khuấy đều và sau khi nhúng, thì ủ 3- 5 phút rồi rút ra phơi, rồi đem đến người làm hương để cho thịt hương vào”, ông Thoán tiết lộ.
Theo ông Thoán, việc sử dụng này rất độc hại cho sức khỏe, nhưng thị trường bắt buộc nên người dân phải làm. Cụ thể, theo ông, các hóa chất này ảnh hưởng đến đường hô hấp và nếu chân tay lở loét ra thì chưa biết đến chừng nào khỏi.
Ông Tàm, một người dân sống tại xã Quảng Phú Cầu cũng cho biết: “Tác hại của thuốc làm cong tàn là đánh lừa người tiêu dùng, còn tàn là ảo ảnh chứ không phải là dùng hương cong là được nhiều lộc. Tôi ngửi mùi hương này thấy nhức đầu và chóng mặt, còn lúc đốt thành hương có độc hại hay không thì chưa ai biết được”.