Hầm trú ẩn được đào trên khắp hè phố Hà Nội
Cuộc tập kích chiến lược Linebacker II của Mỹ trong dịp Giáng sinh 1972 cũng có thể làm Hà Nội bất ngờ trong những phút đầu tiên về quy mô rộng lớn và mức độ tàn bạo của những trận bom “rải thảm”. Nhưng nếu xét ở tầm chiến lược, “Cuộc ném bom mùa giáng sinh” của Mỹ không phải là một bất ngờ với quân và dân miền Bắc Việt Nam. Hà Nội bình tĩnh và tự tin đối đầu với những bước leo thang chiến tranh mới của Mỹ. Hà Nội không khuất phục trước sự tàn bạo của bom đạn.
Chưa bao giờ Hà Nội phải hứng chịu một khối lượng bom đạn lớn như vậy - hơn 10.000 tấn, tương đương với 5 quả bom nguyên tử Mỹ đã ném xuống Hiroshima - trong khoảng thời gian ngắn ngủi như thế - chính xác là 11 ngày đêm vì Mỹ “nghỉ” ném bom trong ngày Giáng sinh. Cũng chưa bao giờ Hà Nội phải chịu những tổn thất lớn đến như thế về người - hơn 1.600 người chết trong 12 ngày đêm và nhiều cơ sở vật chất khác nhà ga, trường học, bệnh viện, khu dân cư, các tuyến đường giao thông... bị phá hủy.
Chiếc mũ rơm gắn liền với hình ảnh của người Hà Nội năm 1972
Khoảng thời gian 40 năm chưa đủ để nguôi vết thương. Những tư liệu và những câu chuyện của các nhân chứng vẫn còn làm nhiều người bàng hoàng khi biết giám đốc bệnh viện Bạch Mai đã từng phải ra lệnh cho các đồng nghiệp của mình tháo khớp của người đã chết để mở đường cứu người bị thương trong vụ ném bom bệnh viện rạng sáng 22-12-1972; Nhiều gia đình không còn ai sống sót. Thương vong sẽ còn lớn hơn nhiều nếu chính quyền và nhân dân thành phố đã không thực hiện tốt công tác phòng tránh và sơ tán. Vượt lên những đau thương mất mát, người ta vẫn thấy cuộc sống lạc quan và đầy quyết tâm của người dân Hà Nội. Trẻ em, người già đi sơ tán về các vùng nông thôn. Người đang làm việc thì cuối tuần lại đạp xe chở chút đồ “tiếp tế” - thường là dầu hỏa, mỡ lợn đã rán hoặc chút thực phẩm khiêm tốn trong thời chiến về thăm con mình ở nơi sơ tán. “... Hồi đó tinh thần hay lắm, nó giúp vượt qua được nhiều thứ. Không sợ, cảm thấy ai cũng có thể làm được nhiều việc, không chỉ riêng mình, ai cũng có thể xông vào để cứu người này, giúp người khác”.
Hoa Ngọc Hà vẫn rực nở như chưa hề có dấu tích chiến tranh khủng khiếp
Trong những năm Hà Nội đối phó với những cuộc tấn công của máy bay Mỹ, người nước ngoài đến Hà Nội đã nhìn thấy một dáng vẻ dũng cảm và vững vàng của cả thành phố và của mỗi người dân. Họ thán phục: “Hà Nội có rất nhiều hầm trú ẩn, các khách sạn không hề có công sự bảo vệ như Sài Gòn. Bồn chồn, bứt rứt thì người trong nước Mỹ ta bồn chồn bứt rứt nhiều. Ở đây chỉ thấy quyết tâm và hy sinh, chỉ thấy một thái độ nghiêm trang”. Với nhân dân tiến bộ trên thế giới, Hà Nội là biểu tượng của phẩm giá và lương tri nhân loại. Hà Nội trở thành biểu tượng bất khuất của một dân tộc yêu tự do, không chịu khuất phục trước sức mạnh của vũ khí. Người Hà Nội bình tĩnh đối phó với bom Mỹ. Cuộc sống thời chiến vẫn có những phút thanh bình. Dù bị cắt ngang bởi những hồi còi báo động và tiếng loa điềm tĩnh giục mọi người xuống hầm tránh bom Mỹ nhưng những đám cưới vẫn tràn ngập nụ cười tin vào tương lai hòa bình tươi sáng. Ở Hà Nội có những em bé bập bẹ tập nói những câu: “Bố ơi... mẹ ơi, chạy, chạy...”, lớn lên trong bom đạn và vẫn hồn nhiên đội mũ rơm đi học ở các trường làng sơ tán.
Chống lại “siêu pháo đài bay bất khả xâm phạm”, “con ngáo ộp” B52 và các loại máy bay hiện đại khác của Mỹ không chỉ có tên lửa SAM và máy bay MIG mà còn có lưới lửa tầm thấp với súng trường từ các trận địa của dân quân, tự vệ, còn có mũ rơm và nụ cười của các em học sinh vẫn đêm đêm trông về Hà Nội rực sáng lửa đạn và xác “pháo đài bay” đang cháy. Từ mùa xuân Quý Sửu 1973, hình ảnh cô gái làng hoa Ngọc Hà xinh tươi như hoa bên mảnh xác B52 rơi xuống hồ Hữu Tiệp đã trở thành hình ảnh biểu trưng của Hà Nội - trữ tình và chiến thắng hào hùng.