Đó là cây đa, cây gạo, cây duối, cây bàng rất hoành tráng, án ngữ tại 4 hướng Đông, Tây, Nam, Bắc. Người dân nơi đây rất tôn thờ những cây cổ thụ này và coi như những vị “thần” hộ mệnh cho dân làng… Mặc dù đã tồn tại ở làng qua bao thế hệ nhưng những năm qua, 4 “cụ” cây này có lẽ do “tuổi cao sức yếu” nên lần lượt “thăng thiên” để lại nhiều hệ lụy, phiền toái khi xuất hiện những tin đồn mê tín dị đoan.
Từ chuyện “thần” cây đa…
Cách đây mấy năm, trong lúc trời mưa dông sấm chớp, lúc nửa đêm người dân làng Choán nghe nhiều tiếng sét dữ dội, đinh tai nhức nhóc. Tiếng sét làm những người yếu tim và lũ trẻ trong làng vô cùng bàng hoàng, sớm ra người dân trong làng mới biết sét đánh trúng cây đa cổ thụ của làng. Trước lúc bị sét đánh chim muông đậu trên cây đa rất nhiều. Nhưng từ khi bị sét đánh không một loài chim muông nào bén mảng đến cây đa cổ thụ này nữa, bị sét đánh nên cây đa bắt đầu chết dần chết mòn. Khi cây đa chết, xảy ra hiện tượng vào mùa hè có lúc hàng chục người dân làng Choán bị tâm thần nói năng lung tung, có người tự xưng là cô này thầy kia xuống trần gian để cứu nhân độ thế.
“Những hố tử thần” dưới dòng sông Chu, cạnh cây gạo cổ thụ đã dìm chết bà Hồng và hai người cháu
Chẳng biết thế nào nhưng từ khi cây đa bị chết thì những cành cây to như cột đình bị mục nát cũng chẳng ai dám lấy về để đóng đồ nội thất hoặc làm củi đun. Chỉ có hai cụ già trong vùng gia cảnh rất khó khăn nên hai người này hàng ngày mang búa ra bổ củi cây đa đem bán lấy tiền sinh nhai. Nhưng hai người này phải gánh củi đi hàng chục cây số mới có thể bán được củi, bởi người dân trong vùng biết củi cây đa cổ thụ thì họ e ngại chuyện tâm linh nên không dám mua. Buồn thay, khi củi cây đa không còn thì hai người già này đành tay gậy tay bị đi ăn mày. Lợi dụng việc này, không ít kẻ buôn thần bán thánh phán rằng, cây đa cổ thụ là nơi ông bụt “giam” các linh hồn không nơi nương tựa, nay cây đa không còn thì các linh hồn này không còn nơi trú ngụ nên tràn vào làng hành hạ dân lành.
… Đến chuyện “ma” cây gạo…
Sau khi cây đa cổ thu chết được vài năm thì nay lại đến cây gạo cổ thụ (người dân gọi là cây cáo) cũng “qua đời”. Cũng như cây đa, cây gạo được người dân nơi đây rất tôn thờ vì cây gạo cổ thụ này cũng là nơi tránh mưa nắng của dân làng. Nên khi cây gạo chết người dân cũng không dám đẵn gỗ hoặc cành về làm đồ nội thất hay củi đun mà để thân cây gạo mục nát tự nhiên và cụ cây này “hóa hoàn toàn” lúc nào thì tùy. Cây gạo án ngữ ngay cạnh dòng sông Chu, là nơi neo đậu thuyền, bè mỗi khi lũ lụt đến nên khu vực này được người dân nơi đây quan niệm có rất nhiều vấn đề tâm linh.
Lúc người dân phát hiện cây gạo bị chết thì xảy ra một câu chuyện rất đau lòng bên dòng sông Chu, khu vực bên cạnh gốc cây gạo. Thời gian này có một người làng Choán là bà Hồng dẫn theo 5 người cháu đến khu vực sông Chu bên cạnh cây gạo để bắt hến, không may bà Hồng bị đuối nước thế là những người cháu lao ra cứu bà. Nhưng lạ thay, những người cháu của bà Hồng không những không cứu được bà mà họ còn lần lượt bị dòng sông nhấn chìm. Đến người cháu thứ năm, không dám lao ra sông cứu người nữa mà hốt hoảng chạy về làng kêu người tiếp ứng. Nghe tiếng kêu cứu thì cả nghìn người dân trong vùng đổ ra dòng sông Chu cứu người. Nhưng lúc này dân làng chỉ cứu được hai người cháu của bà Hồng, bà Hồng và hai người cháu khác bị chết đuối, người dân phải mò xác mấy ngày mới thấy. Ngày tiễn đưa những người xấu số này, cả làng trên xóm dưới ngập tràn trong nước mắt và nỗi sợ hãi. Sự kiện đau lòng này một lần nữa bị những kẻ buôn thần bán thánh thêu dệt là những con ma trú ngụ trên cây gạo không còn nơi nương tựa nên hành hạ dân lành và dìm chết những người thân trong gia đình bà Hồng.
… Và cây duối cổ thụ “tử thần”
Cây duối cổ thụ án ngữ ngay tại vòng cua đê sông Chu dẫn vào làng Choán, mỗi năm người dân nơi đây thống kê được hàng chục vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng tại khu vực đường đê ngay cạnh cây duối cổ thụ. Chính vì vậy người dân nơi đây mỗi khi tham gia giao thông đi qua khu vực cây duối nhất là khi trời đổ mưa, sấm chớp thì họ rất “cảnh giác”, bằng không cũng sẽ… tự ngã. Chính vì vậy, khu vực cây duối cổ thụ cũng bị những người mê tín dị đoan đồn thổi và thêu dệt nhiều vấn đề tâm linh. Đến nay cây duối cổ thụ cũng đã theo gót cây đa, cây gạo cổ thụ mà… ra đi. Người dân ở đây tin tưởng tuổi thọ của cây duối cổ thụ này cũng cả nghìn năm giống như rặng duối buộc voi của vua Phùng Hưng tại Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội.
Gốc cây gạo cổ thụ nay đã mục ruỗng
Chính quyền vào cuộc
Giải thích hiện tượng cây đa bị sét đánh chết không một loại chim muông nào dám bén mảng đến thì dược sỹ Cao Thị Lan - Nguyên Chủ nhiệm khoa dược Bệnh viện Thiệu Yên (Thanh Hóa), cho rằng: Khi bị sét đánh chết cháy, cây đa tạo ra một loại khí mà không một loại côn trùng nào có thể sống được nên chim muông không còn thức ăn do đó không đến đậu trên cây đa là chuyện bình thường. Mặt khác, khi cây đa còn sống thì người dân bản địa mỗi khi đi làm đồng gặp trời nắng hay mưa đều trú dưới tán cây cổ thụ này, nay cây đa chết, người dân không còn nơi trú mưa, nắng nên nhiều người dân trong làng đi làm đồng bị cảm nắng, cảm lạnh, bốc hỏa nói năng lung tung là điều dễ hiểu, không khó giải thích.
Về chuyện cây gạo, theo những người hiểu biết trong làng thì nguyên nhân cây gạo chết một là do tuổi thọ của cây chỉ đến vậy và nguyên nhân thứ hai là do... đám trẻ con trong làng. Theo họ, nụ và hoa cây gạo ăn rất là ngon, do đó mỗi khi mùa hoa gạo đến cả vùng chỉ có mỗi một cây gạo cổ thụ này, mặc dù bọn trẻ con trong làng cũng rất sợ “ma” cây gạo do những người mê tín dựng lên nên không đứa nào dám leo trèo để hái nụ và hoa để ăn. Nhưng mỗi khi mùa hoa gạo về bọn trẻ trong vùng tụ tập lại để tập kết gạch đá, sau đó đứng trên đê sông Chu ném lên cành cậy gạo để nụ và hoa cây gạo rụng xuống, thế là bọn trẻ nhặt lấy chấm muối ăn một cách ngon lành và đầy hứng chí. Theo người dân trong vùng, mỗi mùa hoa gạo về thì cây gạo cổ thụ bị hàng nghìn cú ném của trẻ con trong vùng.
Còn về hiện tượng người tham gia giao thông khu vực cây duối cổ thụ khi trời mưa nếu không va vào nhau thì cũng tự ngã, nay đã được “giải quyết” triệt để. Khi đoạn đường này được đổ những tấm xi măng dày thì không thấy ai bị ngã như trước nữa. Thực tế là trước đây khu vực này là đường đất đỏ, mỗi khi mưa xuống là rất trơn trượt và đường vòng cua nên dễ bị ngã, nay đường xi măng hoàn thành thì hiện tượng trơn trượt không còn và đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông.
Phải nói thêm rằng, địa phận làng Choán trước đây có một ngôi đình rất lớn mà đến nay những hiện vật về ngôi đình này không còn nhiều và ngay cả ngôi đình cũng không còn chỉ còn lại vài chiếc khánh đá, bia đá cổ. Do sự hiểu biết còn hạn chế nên một thời gian dài người dân địa phương đem những chiếc khánh đá, bia đá cổ này để làm cầu cống nên thêm một lần nữa việc làm này bị những người mê tín dị đoan cho rằng việc làm của người dân là báng bổ nên người dân trong làng mới bị hậu họa.
Theo ông Trần Đức Hậu, Chủ tịch UBND xã Thiệu Phúc thì trong những năm qua hiện tượng các cây cổ thụ địa phương bị chết dẫn đến một số người lợi dụng để tuyên truyền mê tín dị đoan. Ông Hậu cho biết thêm: nắm bắt được hiện tượng này thì Chi ủy, Đảng bộ và chính quyền địa phương đã vào cuộc một cách quyết liệt xử lý nghiêm những người tuyên truyền mê tín dị đoan, tuyên truyền cho người dân hiểu hơn về văn hóa và luật pháp. Mặt khác, địa phương cũng cho thu gom tất cả những chiếc khánh đá, bia đá cổ tập kết về nhà văn hóa để bảo tồn tránh trường hợp bị kẻ xấu lợi dụng. Hiện nay làng Choán chỉ còn duy nhất một cây bàng cổ thụ là đang còn sống, chính quyền địa phương và người dân đã cho tôn tạo khu vực cây bàng để tránh trường hợp khi mùa lũ về cây bàng cổ thụ bị lũ cuốn trôi.