Có hàng nghìn chiếc đầu lâu như thế này tại S21 và Cánh đồng chết.
Hầu hết chúng đều biến dạng bởi tác động ngoại lực- nạn nhân bị giết chết một cách thô sơ.
Nỗi ám ảnh về Khmer Đỏ suốt 30 năm
Không dễ để có thể gặp được những cựu tù S21 (nhà tù Tuol Sleng), khi chỉ có vỏn vẹn 14 người thoát ra khỏi “địa ngục trần gian” trên tổng số 17.000 tù nhân (con số thống kê khác thậm chí còn là 20.000 tù nhân). Thời gian cũng đã trôi qua 30 năm, trong số họ, người còn người mất…
Thế nên thật may mắn, khi tôi gặp được Chum Manh- một cựu tù S21. Ông năm nay đã bước vào tuổi 80, song vẫn còn tráng kiện, tinh anh. Khi biết tôi là người Việt Nam, lập tức ông thốt lên: “Tôi biết ơn Bộ đội tình nguyện Việt Nam lắm, nếu không giờ tôi đã chết rồi”.
Ông Chum Manh (trái) và tác giả
Ông Chum Manh (bìa trái) và những cựu tù còn sống sót
(Ảnh tư liệu từ năm 2001, hiện nay người còn, người đã mất)
Vào năm 1979, khi Bộ đội tình nguyện Việt Nam tới khu vực này, như đã nói ở phần 6, đám cai ngục tàn ác của S21 còn cố giết nốt những tù nhân cuối cùng. Tuy nhiên chúng không dám dùng súng bắn, vì sợ tiếng nổ sẽ khiến cho bộ đội Việt Nam phát hiện ra nhà tù. Chính điều này là cơ hội để Chum Manh trốn thoát.
Giơ tay lên, làm động tác cắt cổ- ông bảo: Vào thời khắc cuối cùng, bọn chúng (cai ngục) đã giết chết 16-17 người là bạn bè, họ hàng của tôi ở ngay khu vực này. Nỗi ám ảnh về Khmer Đỏ, vì thế theo ông dai dẳng cho đến tận ngày nay, sau hơn 30 năm.
Chum Manh, hay còn gọi là Mei, sinh năm 1933 ở tỉnh Prey Veng (Campuchia). Cha mẹ qua đời khi ông còn nhỏ. Ông được dạy dỗ trong chùa. Sau đó, Chum Manh kiếm sống bằng việc sửa xe và các thiết bị điện.
"Địa ngục trần gian"- Nhà tù S21
Tháng 4/1975, Chum Manh và gia đình sơ tán khỏi Phnom Penh. Đường đi rất đông và từ tờ mờ tối đến bình minh, cả nhà mới di chuyển được khoảng 2km, từ Kob Srow tới Prek Phneou. Ông và vợ con phải nghỉ nhiều đêm trên đường, hoặc bờ sông, xung quanh là xác chết.
Mất 10 ngày, họ mới đến được quận Russei Keo (Prek Kdam), nơi Chum Manh được chỉ dẫn sửa tàu trong 3 tháng. Những ngày sau, gia đình ông đc phép ở lại Chrang Chamrek, gần Russei Keo. Tại đây, Chum Manh sửa chữa động cơ của 30 con tàu. Sau đó, Chum Manh được giao thu thập và sửa chữa máy móc, thiết bị điện trong một thời gian ngắn ở chợ O'Russey, và sau đó là ở các nhà máy may.
Giàn cùm chân tại S21
1 tuần sau khi vào tù, đã suýt bị giết
Ngày 28/10/1978, Chum Manh bị bắt và được đưa tới nhà tù Tuol Sleng. Gần như ngay lập tức, Chum Manh bị tra tấn dã man, bị ép thú nhận có quan hệ với mạng lưới CIA hoặc KGB (dù thậm chí ông còn không biết những từ viết tắt đó có ý nghĩa gì). Rất nhanh, chỉ chừng 1 tuần sau, trong danh sách tử hình tù nhân của trại S21 ngày 6/11/1978, có tên Chum Manh nhưng may mắn thay, phía dưới có ghi chú “giữ thêm một thời gian”.
Chum Manh nhớ lại là ông phải cố bịa chuyện để tránh bị những trận đòn liên miên và quan trọng hơn cả là để trì hoãn án tử hình. Cũng như hàng nghìn người khác, đôi lúc ông nghĩ thà tự tử còn hơn chịu cảnh tra tấn. Tuy nhiên, khả năng sửa chữa máy móc đã cứu sống ông. Chum Manh được cởi còng, được cho mặc quần áo, ăn uống và cho đi sửa máy may, cũng như dạy sửa chữa máy móc cho những người khác tại S21.
Những bức ảnh này do chính Khmer Đỏ chụp, nhưng không kịp tiêu hủy
khi Bộ đội tình nguyện Việt Nam đến; và chúng trở thành những
bằng chứng rõ ràng nhất về tội ác diệt chủng.
Chiếc tủ đựng răng hàm, xương bánh chè và nhiều bộ phận cơ thể khác của tù nhân
Khi Bộ đội tình nguyện Việt Nam tới Phnom Penh năm 1979, Chum Manh và nhiều tù nhân khác đã trốn thoát, chạy về phía Prey Sar, nơi có rất nhiều thi thể đang phân hủy của những tù nhân đã bị hành hình. Khi đi qua Prey Sar, Chum Manh không biết vợ ông- bà Phcum Ben đang bị giam ở nhà tù tại đó. Thật không may, ngay sau đó bà và một người con bị Khmer Đỏ giết hại. Ông Chum Manh chỉ biết điều này khi đoàn tụ với con út trên đường quốc lộ số 4.
Trong số 14 tù nhân S21 trốn thoát, hiện chỉ có Chum Manh, Van Nath và Phan Thanchan còn sống sót tới ngày nay.
(* Bài viết có sử dụng tư liệu từ cuốn Searching for The Truth)